Lễ Hội Rước Chúa Gái Phú Thọ - Phong tục hôn lễ thời Hùng Vương

Thứ bảy, 19/08/2023, 10:29 GMT+7

Lễ Hội Rước Chúa Gái Phú Thọ - Phong tục hôn lễ thời Hùng Vương.

- Lễ hội Rước Chúa Gái ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ mang đậm nét văn hóa dân gian phản ánh đời sống văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân ta từ thời đại Hùng Vương, được nhân dân địa phương lưu giữ và phát huy, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Lễ hội Rước Chúa Gái là hình thức nguyên sơ của Lễ hội Đền Hùng trước Cách mạng tháng Tám, mang đậm nét văn hoá dân gian vùng Đất Tổ. Lễ hội tái hiện cảnh đưa dâu công chúa Ngọc Hoa về núi Ba Vì với Tản Viên. Sau phần Tế lễ tại Đình Cả do các cụ cao niên của hai làng Vi, Trẹo (làng He xưa) thực hiện, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, trình diễn bách nghệ khôi hài, tùng dí...
*Tiêu chuẩn chọn Chúa Gái:
Con gái xinh đẹp, chưa có chồng, tuổi từ 11 đến 14 tuổi, gia đình phong quang, không có tang chế, con nhà có chức sắc.
Tiêu chuẩn đơn giản nhưng chọn lựa kỹ càng. Ngày 28 tháng Chạp, cả hai thôn lại làm lễ tại Đình và chọn Chúa Gái. Nếu cả hai thôn đều chọn được cô gái đủ tiêu chuẩn mà không bàn bạc quyết định được vì hai cô tương đương nhau thì phải xin “âm dương”. Xin thánh “ứng” vào cô nào thì cô gái đó được chọn làm Chúa Gái năm đó. Sau khi chọn cử Chúa Gái xong, cả hai làng phải tập trung trang trí nhà Chúa Gái, có y môn, màn trần và cử từ 10 đến 15 nữ tỳ chưa có chồng, ăn mặc gọn ghẽ, xinh đẹp, nhà không có tang phục vụ Chúa Gái. Chúa Gái từ chiều 30 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng không được đi ra ngoài, mọi nhu cầu ăng uống sinh hoạt đều do các nữ tỳ hầu hạ. Gia đình có con được chọn làm Chúa Gái phải chịu mọi lệ tục trong làng như xép dọn nhà cửa thành nơi thờ kính, sắm đồ mỹ trang may sắm quần áo đẹp cho con mặc,…
Từ 28 đến 30 tháng Chạp ở hai đình của hai làng bắt đầu tế lễ để đón ngày Tết đến. Nhà Chúa Gái được treo đèn, kết hoa, lập bàn thờ, chăng vải đỏ tự nhà lầu công chúa Ngọc Hoa – Tiên Dung thờ ở đền Giếng khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Ngày mùng 08 tháng Giêng, Chúa Gái được cả hai thôn võng sang đình Hậu Lộc để bà Chúa thay quần áo rồi lên một cỗ kiệu gọi là kiệu Chúa Gái. Kiệu được rước từ đình Hậu Lộc về đình Cả để dân làng làm lễ tạ. Kiệu Chúa Gái có hai đòn cái, bốn đòn con, tám người khiêng, giữa là một sập vuông, trên có một chiếc ghế bành trông tựa ngai của vua chúa ngày xưa. Xung quanh kiệu kết hoa và chăng vải đỏ, phía trên có một cái quạt to che cho khỏi mưa nắng. Chúa Gái ngồi trên kiệu chỉ hở phía trước. Chúa Gái mặc mớ 5 mớ 7, váy dài, đầu chít khăn đỏ có chân chỉ hạt bột, chân đi hài mũi cong.
Tám người rước là tám cô gái mặc áo nỉ có nẹp xanh đỏ, chân cuốn xà cạp, đầu chít khăn vàng. Đi bên kiệu Chúa Gái có hai người che quạt cũng là cô gái trẻ, đẹp, trang phục giống như người rước kiệu. Chúa Gái đi kiệu có cờ rong trống mở, cùng rước với kiệu Chúa Gái có kiệu Văn rước sắc, kiệu Bát Cống rước cỗ vật. Nghi trượng là nghi thức rước rất trọng thể. Có đủ các loại cờ, trống chiêng, tàn, tán, lọng, bát bửu, voi, ngựa gỗ, kiếm, gươm, giáo, mác. Trong đám rước có phường đồng văn, phường bát âm, các bô lão, viên chức và dân làng. Đi ngay sau kiệu Chúa Gái là Chúa Trai (đi bộ sau kiệu). Phường đồng văn hoá trang làm nhiều trò như: Câu cá, múa, diễn trình nghề, bách nghệ khôi hài… Khi kiệu Chúa Gái gần đến đình Cả, cách khoảng 500 mét, thấy có hai voi, bốn ngựa chờ đón đoàn rước cùng đi. Voi, ngựa to bằng thật, làm bằng giấy phát, xương bằng tre nứa. Mỗi thôn làm một voi, hai ngựa. voi có đủ bành; ngựa một con đỏ, một con trắng, có đủ yên cương trong như voi ngựa thật.
Khi rước kiệu Chúa Gái, voi, ngựa làng Trẹo đi trước, voi ngựa làng Vi đi sau kiệu. tới đình Cả, kiệu lễ vật và kiệu lễ sắc văn để lên trên sân đình, phía cuối bãi là kiệu Chúa Gái, sau cùng là hai voi, bốn ngựa.Số người xem rước không chỉ là dân làng Vi, Trẹo mà còn là khách thập phương tới dự hội.
- Thứ tự rước:
 - Đi đầu là người cầm cờ: đầu đội nón dấu, thắt lưng bó qua, chân đi giầy, cuốn xà cạp.
 - Tiếp sau là:
+ Trống cái: 2 người khiêng, một người thủ hiệu có lọng che, ăn mặc lịch sự.
+ Chiêng: 2 người khiêng.
+ Voi, ngựa gỗ: có tàn lọng che.
+ Tán : 2 chiếc do 2 người cầm.
+ Chấp kích (Bát bửu).
+ Giữa có một người mang biển bầu dục đề chữ: “Thượng đẳng tối linh” – “Lịch triều phong tượng”. Người cầm biển mặc áo thụng, có lọng che.
+ Ban nhạc sinh tiền (Phường đồng văn).
+ Người vác cờ vía: Người đó mặc áo thụng, cầm cờ vóc, có lọng vàng che.
+ Ba người vác kiếm thần đi bệ vệ: đội nón dấu, thắt lưng bó qua.
+ Phường bát âm: tiêu, sáo, đàn, trống, phách...
+ Kiệu văn: rước sắc.
+ Long đình: bày hương, hoa, mâm ngũ quả (kiệu bát cống). Có tàn, quạt, lọng, vải che kín, tôn nghiêm. Có hai ông cầm trống khẩu gióng hiệu, 4 người đi kèm sẵn phong thay đổi người.
+ Long kiệu: 8 ông khiêng, 8 ông đi phòng thay đổi người.
- Những trò diễn trong ngày rước Chúa Gái:
+ Lấy tiếng hú
+ Tục săn lợn, chạy địch
+ Tế sóc và trình voi, ngựa
+  Bách nghệ khôi hài
Ý kiến bạn đọc