Lễ Hội Bạch Hạc Phú Thọ - Bảo tàng sống trên vùng đất Văn Lang

Thứ sáu, 18/08/2023, 11:48 GMT+7

Lễ Hội Bạch Hạc Phú Thọ - Bảo tàng sống trên vùng đất Văn Lang.

“Hùng Vương đô ở Châu Phong
Ấy nơi Bạch Hạc, hợp dòng Thao Giang.
Đặt tên là nước Văn Lang,
Chia mười lăm bộ bản chương cũng liền.”

- Làng Bạch Hạc, (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) hàng năm mở hai kỳ hội Xuân, kỳ đầu từ mồng 3 đến hết mồng 5 tháng giêng, kỳ sau từ mồng 10 đến 13 tháng ba. Đây là hình thức phục hiện có tính nghi lễ và nghệ thuật về việc luyện tập thủy quân, thể hiện tinh thần thượng võ trong truyền thống đánh giặc giữ nước từ thời Hùng Vương. Đình làng Bạch Hạc trông thẳng ra sông Lô, trên một khu đất cao vừa trang nghiêm vừa thanh tịnh. Nơi đây thờ Thổ Lệnh đại vương, một vị thiên tướng đã xuất hiện xuống đất Phong Châu vào đời nhà Đường. Thần tích ghi rằng về đời Đường khi Lý Thường Minh làm Thứ sử Giao Châu, một hôm nhàn du đến đây ngắm phong cảnh, nằm mộng thấy từ trên trời bay xuống hai thiên tướng. Hai thiên tướng này là hai anh em ruột. Lý Thường Minh mời hai vị thi tài, ai hơn sẽ ở lại hưởng hương khói của dân làng Bạch hạc. Đức Thổ lệnh đại vương là anh, bước một bước qua sông và một bước nữa thì lui về chỗ cũ. Ngài bước mạnh đến nỗi in hằn vết chân lên một tảng đá, nơi đây khi hàng năm trong kỳ hội tháng ba có cuộc đua thuyền, thuyền bắt đầu khởi hành.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày: Ngày đầu bơi dạo để kiểm tra chải; ngày thứ hai các giáp đưa kiệu xuống chải bơi ra sông Hồng đón các thần về; ngày thứ ba bơi chính để đọ sức giữa các giáp. Mỗi đơn vị đua một thuyền, kiểu dáng thuyền hoàn toàn giống nhau, chỉ khác màu sắc. Theo lời dân chúng, ở bên kia sông cũng có một vết chân như vậy, nhưng vì lâu năm bị đất phù sa che lấp đi. Tảng đá về mé sông Bạch hạc, dân làng còn ghi được và cất giữ ở đình làng. Vết chân dài một thước, rộng năm tấc. Em đức Thổ lệnh đại vương là đức Thạch Khanh đại vương được dân làng Thọ Sơn, huyện Hạc Trì tỉnh Phú Thọ thờ phụng. Do sự liên hệ huynh đệ giữa hai vị thần linh, dân hai làng Bạch hạc và Thọ Sơn có tục giao hiếu với nhau trong những kỳ tế lễ hội hè của hai làng.
Để dự cuộc bơi trải các giáp đều kén những dân đinh khoẻ mạnh sung vào những tay bơi, mỗi giáp năm chục người cho chiếc trải, nhưng giáp nào cũng kén một số người dự khuyết. Ngoài những tay bơi, mỗi giáp còn phải kén ba người, ba người này thường là các bậc đàn anh trong giáp, một người đứng đầu thuyền cầm cờ hiệu, một người đứng giữa gõ một chiếc trống khẩu để giữ nhịp cho những tay chèo, và ở cuối thuyền, một người ngồi cầm lái. Mỗi bên mạn thuyền là hai mươi lăm tay chèo, đây là những tay trai lực lưỡng đã được hàng giáp lựa chọn, và đã có luyện tập cùng với ba vị đàn anh điều khiển chiếc trải. Trong lúc bơi, họ vừa chèo vừa hò reo.
Người đứng đầu thuyền cầm cờ hiệu, và đồng thời cầm trịch cho chiếc thuyền bơi. Người này trước hết phải luôn luôn đứng cho cân, tự giữ lấy thăng bằng, đừng vì mình mà thuyền thiên lệch, gây khó khăn cho các tay bơi. Đứng trên thuyền cho vững, mặc con thuyền lao đi vun vút trên mặt nước theo đà các tay chèo, trong khi đó lại phải cầm trịch cho chiếc trải, dùng cờ hiệu phất cho chiếc trải hoặc đi thẳng, hoặc tiến trái, hoặc tiến phải, hoặc vòng theo một độ nào để quay đầu trở lại, quả không phải là một việc dễ dàng. Chỉ cần một chút sơ ý có thể ngã lao xuống nước trong khi chiếc trải vẫn vun vút bơi đi. Người cầm trống khẩu đứng giữa thuyền cũng phải giữ mình cho cân, cho khỏi ngã như người cầm trịch, và tiếng trống phải sao cho đều để khỏi lạc tay chèo những người đang bơi. Người cầm lái đứng ở cuối, cầm cả vận mệnh của chiếc trải trong tay, trải đi nhanh hay chậm là do nhiệm vụ người cầm lái. Phải giữ lái cho trải đi thẳng, phải lựa tránh những chiếc trải khác mà vẫn vượt lên đầu. Lại còn lúc quay, khi lượn, phải lựa cho thuyền theo lái. Với từng ấy khó khăn, người cầm lái lại phải đứng cho vững, cho cân trên cuối thuyền, nếu vô ý ngã xuống sông, chiếc trải không lái sẽ bơi ngang bơi ngửa... Người cầm lái phải luôn luôn để ý tới người cầm trịch, theo hiệu của người cầm trịch lái chiếc trải.
Năm chục tay chèo, đã ngồi xuống chiếc trải, phải chú ý hết đến việc bơi, tai phải nghe tiếng trống, tay phải bơi cho đều đều, đừng sai nhịp với bạn cùng bơi. Một tay chèo bơi sai nhịp, có thể gây rối loạn cho ba bốn tay chèo khác, có khi cho cả một mé chiếc trải. Thật là khó khăn! Do đó phải có sự luyện tập hàng tháng trước. Lúc xuống bơi trải, các tay chèo đều mình trần trùng trục mỗi người chỉ vận một chiếc khố, mỗi bọn một mầu khố đều nhau, trông thật đẹp, nhất là khi, mỗi hàng đoàn họ dắt nhau xuống từng chiếc trải trước cuộc bơi, trông họ với thân hình nở nang, bắp tay rắn chắc, có thể ví họ như những bức tượng đồng lực sĩ.
Dân làng Bạch hạc giải thích cuộc bơi trải căn cứ trên một sự tích huyền bí: Đức Thổ lệnh tiễn đưa đức tản viên, nhưng trên thực tế, dân ta cần luôn luôn tập luyện cho quen sông nước, và đã hơn một lần chúng ta thắng giặc trên mặt sông! Bạch Đằng Giang còn đó, Chương Dương độ còn kia, và cả trận sông Lô năm 1947, khi toàn dân kháng chiến đã khiến gần ba nghìn quân Pháp vong thân trôi theo dòng nước. Gặp những năm dân làng làm ăn thịnh vượng, mùa màng được, nhân dịp hội tháng ba, dân làng tổ chức cờ người thay cho cờ bỏi, cờ người cũng chơi như cờ bỏi chỉ khác quân cờ thay vì những biển cờ có khắc chữ, là những nam nữ thanh niên mặc quần áo có thêu chữ mang tên những quân cờ, chữ thêu ở trước ngực và ở sau lưng người đóng quân cờ. Cũng có nơi, quân cờ mặc quần áo như thường, nhưng có thêm chiếc biển khắc hoặc viết chữ theo bộ cờ, như vậy mỗi nước đi, nếu quân cờ di chuyển phải mang theo chiếc biển của mình. Tại mỗi vị trí của bàn cờ đều có một chiếc ghế để quân cờ ngồi. Tại những xã lớn thịnh đạt, những nam nữ đóng quân cờ còn mang theo khí giới, và khi quân bên nọ ăn quân bên kia, quân cờ ăn sẽ múa một thế võ như hạ quân cờ bị ăn, y như trong một màn hát bội.
Trên đây là mấy cổ tục đặc biệt diễn ra hàng năm tại xã Bạch Hạc trong những ngày hội. Ngoài những cổ tục trên, hội còn nhiều trò vui khác như tổ tôm điếm, đáo đĩa v.v...
Ý kiến bạn đọc