Cẩm nang du lịch tỉnh Phú Thọ từ A - Z
1. Tổng quan du lịch Phú Thọ
1.1. Lịch sử hình thành
- Phú Thọ là vùng đất cổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, nơi có bề dày truyền thống lịch sử và hàng nghìn năm văn hiến từ khi Vua Hùng dựng nước Văn Lang.
- Nằm ở trung tâm của nền văn minh Sông Hồng, Phú Thọ là đất cội nguồn, đất của thế dựng nước và giữ nước, đất của di tích lịch sử, đất của các danh thắng, của các sản vật thiên nhiên độc đáo.
- Từ thời vua Hùng Vương, địa bàn Phú Thọ nằm trong bộ Văn Lang, trung tâm của nước Văn Lang
- Thời Thục An Dương Vương với Nhà nước Âu Lạc, Phú Thọ nằm trong huyện Mê Linh. Dưới thời Bắc thuộc (từ năm 111 trước Công nguyên đến thế kỷ X), Phú Thọ nằm trong địa bàn quận Mê Linh, Tân Xương, Phong Châu. Ngày 8/9/1891, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã thành lập đơn vị hành chính tỉnh Hưng Hóa (tiền thân của tỉnh Phú Thọ) gồm 5 huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh.
1.2.Vị trí địa lý
- Tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 3,465km2, dân số 1,261,900 người, mật độ dân số trung bình 373 người/km2, gồm 21 dân tộc anh em sinh sống.
- Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng miền núi trung du Bắc Bộ, có tọa độ địa lý từ 200 55’ đến 210 43’ vĩ độ Bắc, 1040 48’ đến 1050 27’ kinh độ Đông. Địa giới hành chính của tỉnh tiếp giáp với:
+ Phía Đông: giáp với Vĩnh Phúc
+ Phía Tây: giáp với Sơn La, Yên Bái
+ Phía Nam: giáp với Hòa Bình
+ Phía Bắc: giáp với Tuyên Quang
- Phú Thọ hội tụ các điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế.
1.3. Tên gọi Phú Thọ
TỈNH PHÚ THỌ là tên gọi xuất phát từ tên làng Phú Thọ thuộc tổng Yên Phú, huyện Sơn Vi, tỉnh Hưng Hóa mà lập nên thị xã Phú Thọ năm 1903. Sau đó Pháp chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Hưng Hóa lên thị xã Phú Thọ và đổi tên tỉnh Hưng Hóa thành tỉnh Phú Thọ.
1.4. Khí hậu tỉnh Phú Thọ
Do đặc điểm khí hậu Phú Thọ rất là đa dạng nên đây đất đai cũng rất là phong phú với các loại đất từ đất đỏ, đất phù sa, đất phèn, đất sét đến đất đá vôi. Tuy nhiên, đất đai của tỉnh cũng đang gặp nhiều vấn đề về mất màu, phèn hóa, lún sụt và sạt lở do khai thác khoáng sản và sự can thiệp của con người vào môi trường tự nhiên. Khí hậu ở Phú Thọ phù hợp cho sinh trưởng và phát triển đa dạng hóa các loại cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp và chăm nuôi gia súc. Về động thực vật, Phú Thọ có hệ thực vật đa dạng với nhiều loại rừng từ rừng thường xanh đến rừng lá rụng và rừng ngập mặn. Tuy nhiên, do sự phát triển của kinh tế và công nghiệp, nhiều khu rừng của Phú Thọ đã bị phá hủy để làm đất, xây dựng và khai thác gỗ.
2. Phương tiện di chuyển khi đi du lịch Phú Thọ
2.1. Xe khách
Xe khách là phương tiện vua trong các loại phương tiện di chuyển. Đi Phú Thọ, các bạn có thể chọn xe khách cao cấp giường nằm hoặc xe ghế ngồi. Quãng đường không quá dài nên các bạn không cần quá lo lắng. Tại Hà Nội, du khách nên đến bến xe , tốt nhất nên mua vé trước ngày đi để tránh tình trạng hết vé vào dịp lế tết hay cuối tuần.
2.2. Tàu hỏa
- Phú Thọ nằm trên hành trình của tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, tàu này dừng ở một số ga ở Phú Thọ nhưng trong đó có 2 ga chính là ga Việt Trì và Thị xã Phú Thọ.
- Các Du khách từ các tỉnh miền Nam và Miền Trung có thể mua vé tàu đi Hà Nội, rồi từ Hà Nội tiếp tục đi tiếp xuống Phú Thọ. Tuy nhiên, đây là phương tiện cho những hành khách ở xa, còn với khoảng cách gần 100km thì ôtô thuận tiện hơn nhiều bởi sự đa dạng trong các loại xe khách, xe buýt, xe máy, cũng nhiều phương tiện các nhân khác...
- Để mua vé tàu, du khách tới các điểm bán vé tàu với nhiều loại tàu khác nhau như SE, TN và trong mỗi chuyến tàu lại có những hãng ghế như mềm, cứng, nằm, điều hòa,... tương ứng với nhiều mức giá, hoặc mua vé tàu trực tuyến nếu bạn là người sành về book vé.
2.3. Máy bay
- Để đi đến các điểm tham quan du lịch ở Phú Thọ thì có rất nhiều cách để di chuyển, với những bạn xuất phát từ TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh thì tốt nhất nên đặt vé máy bay Hà Nội, sau đó từ đây bắt các phương tiện khác đến Phú Thọ
Hiện có 5 hãng hàng không nội địa khai thác hành trình Sài Gòn - Hà Nội là:
+ Vietjet
+ Vietravel Airlines
+ Pacific Airlines
+ Bamboo Airways
+ Vietnam Airlines
2.4. Xe máy, Taxi
- Phú Thọ khá rộng nên tùy theo vùng các bạn định đến mà sẽ có những cung đường khác nhau. Với địa danh Đền Hùng nằm ở ngay gần Tp Việt Trì, các bạn có thể đi theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai và thoát ra ở nút giao Phù Ninh (IC8), ra khỏi trạm thu phí này sẽ đến đường rẽ vào Đền Hùng ngay. Nếu muốn đến khu vực suối nước nóng Thanh Thủy, các bạn chỉ cần bám theo đường 32, qua cầu Trung Hà rẽ trái ngay đường đê rồi đi thẳng men theo sông sẽ tới được khu khoáng nóng này. Nếu đi Vườn quốc gia Xuân Sơn thì các bạn đừng rẽ vào đường đê, cứ thẳng cầu Trung Hà theo QL32 đến Tân Sơn nhé.
- Để đi lại ở Phú Thọ khi đến đây bằng phương tiện công cộng, các bạn có thể sử dụng xe buýt, xe ôm, taxi hoặc thuê xe máy. Tùy nhu cầu đi lại mà các bạn có thể lựa chọn phương án phù hợp.
3. Những điểm tham quan khi đi du lịch Phú Thọ
3.1. Khu Di Tích Lịch Sử Đền Hùng - Miền đất tổ cội nguồn các dân tộc Việt Nam
Đây là khu di tích gắn liền với truyền thuyết 18 đời vua Hùng xây và là nơi thờ phụng các Vua đã có công dựng nhà nước Văn Lang đóng đô ở Phong Châu và giữ nước đến ngày nay. Đền Hùng được xem là 1 tín ngưỡng lâu đời xếp hạng vào Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đồng thời được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2012 một trong những đại diện của nhân loại.
Kiến trúc tôn nghiêm, cổ kính của Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Quần thể khu di tích lịch sử Đền Hùng gồm 4 chùa , 1 đền, 1 lăng hài các hạng mục chính sau đây:
- Cổng đền: Được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần
- Đền Hạ: Tương truyền rằng nơi đây, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai. Vì gắn liền với truyền thuyết nên đền Hạ người dân thường cầu nguyện những điều may mắn, tốt đẹp về đường con cái và gia đình, việc sinh nở vì người xưa quan niệm răng Mẫu là người bảo trợ cho mẹ tròn con vuông.
- Chùa Thiên Quang: Có ý nghĩa là ánh sáng từ trên trời ban xuống chiếu rọi khắp nơi. Theo truyền thuyết xưa cho răng nơi đây khi Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, tại vị trí của chùa có luồng ánh sáng chiếu thẳng từ trên trời xuống và chùa được xây dựng vào TK XVIII – XIX ở thời nhà Trần. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa. Hiện trong chùa còn giữ 32 pho tượng Phật bằng gỗ được sơn son thiếp vàng. Trước cửa có cây vạn tuế ba ngọn khoảng 800 tuổi, ba ngọn này tỏa ra 3 hướng tượng trưng cho Bắc – Trung – Nam. Chùa được xây theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc gồm: tiền đường ( 5 gian), thiên hương (2 gian), tam bảo (3 gian), dãy hành lang và nhà Tổ ở phía sau. Mái chùa được lập ngói mũi,đầu đao cong, tòa được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt, bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt.
- Đền Trung: Sau khi bước qua 159 bậc đá, các bạn sẽ đến đền Trung nằm lưng chừng núi, có tên chữ là “ Hùng Vương Tổ Miếu” hay “Miếu thờ tổ Vua Hùng” được xây dựng vào thời Trần TK XIII đến thời nhà Nguyễn TK XIX được xây dựng lại theo kiến trúc 3 gian, quay theo hướng Nam dài 7,2m rộng 3,7m mái hiên cao 1.8m không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tưởng hậu, phía trước 3 cửa. Tháng 9/2009, được tu bổ, tôn tạo, kiến trúc đền kiểu chữ nhị gồm: tiền tế và hậu cung.
- Đền Thượng: Từ đền Trung đi khoảng 100 bậc sẽ đến đền Thượng, nằm ở vị trí cao nhất trên núi, có tên chứ là “ Kính Thiên Lĩnh Điện”( nghĩa là Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Theo như người xưa truyền lại, nơi đây Vua Hùng và các Lạc Hầu, Lạc Tướng làm lễ cúng tế trời – đất để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh cũng là nơi vua Hùng thứ 6 cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng.
- Cột đá thề: Nằm bên trái đền Thượng là cột đá thề. Qua năm tháng, cột đá bị vùi lấp và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép phục dụng, để con cháu hiểu được lời thề của tổ tiên. Tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương, Thực Phán thề rằng: “Nước nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi”sau đó người lên ngôi lấy hiệu là An Dương Vương đặt tên nước là Âu lạc và dời đô vào Cổ Loa. Cột đá cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông. Đến năm 1968, Ty Văn hoá Vĩnh Phú tôn tạo lên bệ như hiện nay.
- Lăng Hùng Vương: Chính là nơi vua Hùng thứ 6 cởi áo vắt lên cành cây kim giao rồi hóa tại đó theo người xưa truyền với lời căn dặn rằng: "Khi ta mất hãy chôn ta trên đỉnh núi Cả để ta có thể trông coi bờ cõi cho con cháu", lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa là mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (1922) trùng tu lại, dưới thời nhà Nguyễn, lăng mộ được nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 2009, lăng mộ Hùng Vương được đại trùng tu và tôn tạo mở rộng không gian, cảnh quan thêm khang trang nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu dựa vào sườn núi Hùng và trông ra ngã ba Bạch Hạc.
- Đền Giếng: Tên chữ là Ngọc Tỉnh Đi xuống khoảng 600 bậc theo hướng Đông Nam là đền Giếng thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cũng là nơi khi xưa hai cô công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Đền được xây dựng vào thời Nguyễn thế kỷ XVIII - XIX, theo hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian), có phương đình nối tiền bái với hậu cung. Đền nằm dưới chân núi. Trên mái đắp tứ linh: long, lân, quy, phụng.
Chính giữa tiền sảnh là 3 bức đại tự "Ẩm thủy tư nguyên" (Uống nước nhớ nguồn), "Nam quốc anh hoàng", "Sơn thủy kim ngọc" (ý nói núi sông quý báu như vàng ngọc). Tương truyền nơi này là câu chuyện tình giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử phản ánh khát vọng về tự do yêu đương, tự do hôn nhân. Còn Ngọc Hoa - Sơn Tinh phản ánh về công cuộc trị thủy cũng như để lại một phong tục văn hóa của người Việt: thách cưới.
3.2. Bồng Lai Thiên Tạo - Chốn Bồng Lai Tiên Cảnh Phú Thọ
Truyền thuyết dân gian cho rằng chùa Bồng Lai được làm vào đời Trần. Di duệ của lần khởi dựng đó còn một bộ đất nung mang dấu ấn của thời ấy. Tấm bia đá có niên đại Chính Hòa thất thiên (1686) cho biết lần trùng tu lớn này với các công việc chính là làm tòa tiền đường, thiên hương, thiên điện, tạo tượng Thích Ca và các tòa khác. Chùa Bồng Lai thuộc thôn Hà Thạch, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ còn có tên gọi: Chùa Hà Thạch. Tên chữ: “Bồng Lai tự” có từ khi mới khởi dựng và “Bồng Lai thiên tạo” là tên gọi trong dân gian từ lần trùng tu thời Lê Cảnh Hưng (1740-1876).
Chùa Bồng Lai được xây dựng trên một quả đồi có hình dáng một con voi. Từ đây có thể nhìn bao quát bốn phía. Chùa Bồng Lai quay hướng Tây Nam nhìn ra sông Hồng. Đến gần chùa Bồng Lai, ngay từ đê sông Hồng ta có thể chiêm ngưỡng một hòn đảo “Bồng Lai tiên cảnh” giữa đồng lúa xanh, gần đó là nhà thờ và những nếp nhà cổ kính thấp thoáng sau những đám lá cây cổ thụ, bồng bềnh ẩn hiện giữa nền trời xanh biếc. Chùa có kiến trúc đẹp, ở giữa quả đồi đẹp cao nhất khu vực, như một dấu nối giữa trời và đất, giữa âm và dương. Từ đê bước tới chùa, ta phải leo một con dốc dài mới tới cửa Phật. Một không khí mát mẻ, êm dịu của hương hoa đại, của tán lá cổ thụ tạo nên cảm giác khoan khoái và lắng đọng.
Di tích “Bồng Lai thiên tạo” được lưu truyền trong nhân dân Hà Thạch gắn liền với tên tuổi của ông Đỗ Nguyên Cảnh, người có công giúp dân dựng chùa. Ông Đỗ Nguyên Cảnh, một vị tướng của Trịnh Doanh, là người Hà Thạch thấy sự rắc rối của làng bèn đem quân về đóng ở Xuân Lũng ông cho gọi các thợ cả đến bàn bạc rồi đêm đến mới điều quân về làng tựu xà xếp cột dựng chùa, chọn hướng Thao Giang (nhìn ra sông Hồng) để tránh việc làng tranh cãi. Ông ra lệnh mỗi đầu xà, đầu cột đều phải đệm vải tấm để việc dựng được nhanh chóng và bí mật. Vì vậy chỉ qua một đêm. Sáng ra dân làng bỗng thấy một ngôi chùa đồ sộ như có phép thần thông biến hóa. Từ đó chùa rất được sự ái mộ của tăng ni phật tử và dân trong vùng, họ đều cho rằng chùa do trời dựng, do vậy chùa được gọi là “Bồng Lai thiên tạo”.
3.3. Suối Nước Nóng Thanh Thủy - Thiên Đường Nghỉ Dưỡng Phú Thọ
Suối khoáng nóng Thanh Thủy không phải là dòng suối nào cụ thể mà là cả 1 vùng rộng lớn thuộc xã La Phù, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, khu vực này có mạch nước khoáng nóng chảy ngầm trong lòng đất, nhiệt độ trung bình của dòng khoáng nóng ở đây từ 45 - 60 độ C. Nguồn khoáng nóng được khai thác từ độ sâu gần 100m, nước chứa nhiều hàm chất vi lượng nên khoáng nóng Thanh Thủy có khả năng phục hồi sức khoẻ, giúp lưu thông máu, lợi cho tim
Tắm suối nóng Thanh Thủy vào mùa đông và mùa hè cũng có những sự khác biệt. Mùa đông, nước để tự nhiên là đủ ấm. Nếu ai thấy nóng quá, có thể pha thêm nước lạnh – cũng lấy từ nguồn nước nóng tự nhiên nhưng được bơm lên một bể riêng để nguội để khi pha vẫn đảm bảo có các chất hóa học cần thiết có lợi cho sức khỏe. Mùa hè, nước được xử lý qua giàn tản nhiệt, nhiệt độ nước giảm xuống còn khoảng 270C.
Đến với Khu du lịch Thanh Thủy bạn có thể:
+ Tắm khoáng nóng: Du khách được ngâm mình trong những bồn nước khoáng nóng tự nhiên từ trong lòng đất, thỏa sức vùng vẫy, bơi lội trong bể bơi có mái che ngoài trời hoặc ngồi thư giãn ngâm chân để tận hưởng những giây phút thư thái, hòa mình vào thiên nhiên khoáng đãng, trong lành.
+ Ngoài ra có thể tắm bùn khoáng, massage hương liệu, tắm ngăm khoáng bồn gỗ, bên cạnh đó còn thưởng thức nhiều món ăn ngon như: Bê non Ba Vì, Gà Đồi, Thịt lợn rừng, đặc sản dê núi,…
3.4. Đầm Ao Châu - Thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh Phú Thọ
Đầm Ao Châu là một khu sinh thái nằm trên khu vực thị trấn Hạ Hòa và các xã Ấm Hạ, Tứ Hiệp thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Từ thị xã Phú Thọ về đây khoảng 35 km. Còn nếu bạn xuất phát từ thành phố Việt Trì, khoảng cách sẽ là 60 km. Những du khách đã từng ghé thăm đầm Ao Châu đều công nhận rằng, danh xưng “Vịnh Hạ Long thu nhỏ” là hoàn toàn xứng đáng với địa danh. Tổng thể Ao Châu là một đầm nước lớn, có tổng diện tích khoảng 300 ha. Trong đầm có khoảng gần 100 hòn đảo lớn nhỏ “bày binh bốt trận” khắp nơi, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp tựa như Hạ Long khi nhìn từ trên cao. Các hòn đảo trong đầm Ao Châu được bao phủ bởi một thảm thực vật dày đặc và số lượng vô cùng đa dạng. Kết cấu các hòn đảo cũng không đều nhau, có hòn rất nhỏ, có hòn rất lớn, cũng có hòn thấp bé và hòn cao lớn. Trong đó, hòn đảo có đỉnh cao nhất được xác định là chiều cao lên đến 177 mét so với mặt biển.
Tuy nhiên, so với mặt nước hồ thì hòn đảo này chỉ cao khoảng 30m. Nhiều đồi, núi còn tồn tại nhiều thảm thực vật tự nhiên, nhưng chủ yếu vẫn là lau, sậy, nứa, chè và các bụi cây thấp. Một số đồi được phủ bởi bạch đàn, bồ đề, thông. Sườn đồi, sườn núi thường là các nương bậc thang, bên dưới là ruộng ôm lấy chân đồi hình thành các thửa ruộng bậc thang lượn sóng, xa xa là các ruộng rộng và bằng phẳng. Với địa hình như vậy đã tạo cho Ao Châu hình thành hàng trăm ngách nước, luồn lách giữa các khu vực đồi núi làm cho cảnh trí sơn thuỷ hùng vĩ, còn mang đậm nét nguyên sơ, thuần khiết của tạo hoá. Mực nước trong hồ có độ sâu trung bình là 5,5m, nhiều nơi sâu trên 30m. Điều đặc biệt là quanh năm nước ở Ao Châu không bị cạn, mặt nước trong xanh không bị ô nhiễm, có nhiều thuỷ tộc sinh sống, trong đó có loại quý hiếm như rùa vàng, ba ba, dải... Trong hồ có rất nhiều đảo lớn nhỏ, lâu nay đã được nhân dân trong vùng trồng các loại cây ăn quả như vải, nhãn, mít, bưởi... đã khiến Ao Châu như một Hạ Long thu nhỏ, xung quanh đầm có đến 99 ngách nước đan xen, cài cắm vào trong các khe đồi. Tất cả tạo nên một đầm nước hoang sơ, mang đậm chất phóng khoáng của thiên nhiên đất trời.
Ngoài vẻ đẹp trữ tình mà thiên nhiên ban tặng, đầm Ao Châu còn gắn liền với câu chuyện mà dân gian lưu truyền về vua Hùng Tương truyền vào thời dựng nước các vua Hùng đi chọn đất lập kinh đô đã đi đến vùng đất có 99 ngọn đồi, trước lại có 99 ngách nước, nhà vua và quần thần đã ngây ngất trước vẻ đẹp của vùng đất “sơn thuỷ hữu tình”. Trong khi vãn cảnh Vua Hùng và các quần thần đã bắt gặp cuộc giao đấu quyết liệt bất phân thắng bại giữa hai con trâu vàng. Sau đó cả hai con lặn xuống đầm nước mất tăm. Từ truyền thuyết xưa có người còn gọi hồ nước là Hồ Kim Ngưu nghĩa là Hồ Trâu Vàng. Tuy nhiên theo người dân ở nơi đây kể lại: để hình thành nên Đầm Ao Châu là do chủ đồn điền Minh Hạc là Lê Thượng Quát đắp đập Lửa Việt để tưới nước cho cánh đồng Minh Hạc vào những năm đầu thế kỷ XX. Về sau nhân dân tiếp tục đắp nối từ Vũ Cầu đến Vũ ẻn để lấy nước tưới ruộng cho 6 xã của huyện hạ Hoà là: Mai Tùng, Vĩnh Chân, Vũ Cầu, Lang Sơn, Minh Hạc và Ấm Thượng. Và thế là từ một hồ Kim Ngưu trong truyền thuyết đã tạo nên một Đầm Ao Châu rộng lớn mênh mông có diện mạo như ngày hôm nay. Đầm nước làm nên mùa màng tươi tốt cho cả một khu vực rộng lớn hàng trăm hécta, quý chẳng kém gì châu báu, ngọc ngà. Vì vậy mà Đầm có tên gọi là Đầm Ao Châu.
Ao Châu có điều kiện rất thuận lợi để phát triển thành khu du lịch sinh thái với các loại hình du lịch như: nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi..., đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, nhất là khách du lịch Trung Quốc. Cùng với khu du lịch này, các tài nguyên du lịch thuộc các địa phương khác như: các lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, hệ thống hang động của vườn quốc gia Xuân Sơn, Ao Giời - Suối Tiên, khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thuộc huyện Thanh Sơn, Yên Lập... sẽ tạo nên một tam giác du lịch mang những sắc thái khác nhau với các loại hình du lịch đặc sắc, phong phú, đa dạng.
3.5. Đồi Chè Long Cốc - Thiên đường du lịch mới Phú Thọ
Đồi chè Long Cốc hay ốc đảo chè Long Cốc là một địa điểm du lịch nằm ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Cách Hà Nội chừng 125 km, cách trung tâm Việt trì khoảng 70km, Long Cốc là tập hợp của hàng trăm quả đồi bát úp nằm nối tiếp nhau. Diện tích đồi chè lên đến 677 ha, phần diện tích chè có thể thu hoạch là 610 ha và được ví như “ Vịnh Hạ Long của vùng trung du”. Đồi chè Long Cốc gồm hàng trăm quả đồi bát úp nối nhau, là địa điểm lý tưởng để du khách có thể khám phá quanh năm. Những con đường nhỏ, uốn lượn ven đồi sẽ dẫn du khách đi từ những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Cách di chuyển đến đồi chè Long Cốc:
- Bạn có thể lựa chọn một trong những cung đường đến đồi chè Long Cốc Phú Thọ dưới đây:
Cách 1: Xuất phát từ trung tâm thủ đô Hà Nội, bạn di chuyển theo đường Nguyễn Trãi => đường vành đai 3 => Đại lộ Thăng Long => cầu Yên Bái và TL87A => Đồng Luận => Thắng Sơn => rẽ phải vào QL70B/DDT316 và đi thẳng theo đường 322 là sẽ đến đồi chè.
Cách 2: Cũng xuất phát từ trung tâm thành phố Hà Nội, đi theo đường Nguyễn Trãi => Khuất Duy Tiến => đường cao tốc 08 Lạc Trị, Phúc Thọ => tiếp tục đi theo đường TL87A như các 1 là sẽ đến nơi.
Cách 3: Từ trung tâm Hà Nội, bạn đi qua hồ Tùng Mậu rồi chạy thẳng theo đường QL32 về hướng Thanh Sơn. Đến địa bàn Thắng Sơn, bạn rẽ vào hướng đi vườn quốc gia Xuân Sơn, tiếp tục chạy thẳng sẽ đến xã Long Cốc.
Thời điểm nào thích hợp để đến đồi chè Long Cốc:
Từ tháng 3 đến tháng 12, chè lên xanh mát tạo nên tấm thảm xanh mỡ màng, đầy sức sống. Từ tháng 12 trở đi, khi cây chè được đốn “ngủ đông”, những đồi chè sẽ xuất hiện các đường nét, hình khối đa dạng, độc đáo kích thích trí tưởng tượng phong phú của mỗi người. Đặc biệt, đồi chè Long Cốc lung linh, huyền ảo, kỳ bí khi khoác lên mình lớp sương sớm lúc bình minh. Giữa núi đồi chạm mây trời, dải mây ngũ sắc bồng bềnh, uốn lượn, luồn xuống thung lũng như chiếc khăn màu tô điểm cho sắc xanh hiền hòa của cây chè. Còn gì thú vị hơn khi đưa tay chạm nhẹ lá chè tươi mát còn vương sương sớm, hít căng lồng ngực làn gió mát lạnh và không khí trong lành nơi đây.
Những điều cần lưu ý khi đến đồi chè Long Cốc:
+ Không giẫm đạp và tự ý ngắt chè.
+ Nên đi du lịch vào 2 khoảng thời gian là đầu hạ và cuối thu.
+ Phương tiện di chuyển phù hợp nhất là xe máy.
+ Nên bôi kem chống nắng và thuốc chống côn trùng.
+ Có thể kết hợp tham quan đồi chè bát úp Long Cốc với các địa điểm gần đó như Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Khả Cửu…
3.6. Hang Lạng - Đột kích vẻ đẹp huyền bí Phú Thọ
Ðến với Xuân Sơn, du khách không thể không đến hang Lạng, một kỳ tích thiên nhiên làm say đắm lòng người. Hang Lạng ăn sâu trong lòng núi Ten, cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng. Hang Lạng là hang lớn nhất, dài nhất trong số hang động thạch nhũ ở Xuân Sơn. Vòm hang Lạng có chỗ cao đến mười lăm, hai mươi mét và chiều rộng cũng cỡ khoảng như vậy. Hang chạy dài, dọc dãy núi đá vôi. Chạy dọc đáy hang là một con suối lớn. Nhiều chỗ thạch nhũ buông xuống, qua hàng triệu triệu năm đã tạo nên muôn hình ngàn dạng như ngàn vạn toà thờ Phật, thờ thần. Lại có nhiều trụ cột, được thiên nhiên đắp, vẽ, điểm tô, chống từ đáy hang lên vòm trần như các cột nối từ cõi âm ti lên đỉnh thiên đàng.
Hang Lạng rộng và dài đủ cho hàng ngàn người cùng vào chiêm ngưỡng. Từ bên ngoài nhìn vào trong, ấn tượng đầu tiên của phần nhiều du khách đó chính là sự hùng vĩ, thoáng rộng và chạy dài bất tận của hàng. Và không nói ngoa khi người ta ví hang Lạng rộng và dài đủ cho hàng ngàn lượt du khách vào chiêm ngưỡng cùng một lúc. Vào sâu bên trong, lữ khách sẽ bị lôi cuốn và thêm sự phấn khích giống như mình đang lạc vào trong thế giới huyền bí và ảo diệu với những khối thạch nhũ phát sáng đẹp lạ thường. Những con suối trong hang chảy tí tách và nổi bật lên những đàn cá măng, cá ngạnh... Trong lòng hang Lạng có nhiều khối thạch nhũ buông xuống tạo nên hình khối đẹp và ấn tượng. Đan xen với những khối thạch nhũ đó là những trụ cột được tạo hóa tô vẽ, bồi đắp từ bao lâu nay chống từ đáy hang lên đến vòm trần nhìn rất ảo diệu. Phải trực tiếp tận mắt ngắm nhìn với cảm nhận được vẻ đẹp huyền ảo, bí ẩn của những khối thạch nhũ mang đến. Vẻ đẹp của thạch nhũ, trụ đá hòa cùng với ánh đèn, ánh đuốc sáng rực trong hang phản chiếu qua dòng suối đã tạo lên một nguồn sáng long lanh huyền ảo, kỳ vĩ lay động lòng người.
Đặc biệt hơn cả là những hang động núi đá vôi - nơi mà các nhũ đá thường xỉn thành một màu xám, các nhũ đá ở hang Lạng sáng trắng và nhiều chỗ lấp lánh hồng tía nhìn rất lạ mắt và hút hồn người xem. Đó cũng là lý do vì sao lại thu hút nhiều du khách đổ về đây để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của hang Lạng. Theo những người dân địa phương nơi đây kể lại, từ xa xưa, dân làng Xuân Sơn đã thờ vị thần hang Lạng. Truyền thuyết kể lại rằng: vị thần thờ là con rắn hóa thân thành chàng trai tuấn tú, khôi ngô thường giúp việc nhà Thổ Lang tại xóm Lạng. Chàng trai chăm chỉ và làm được việc. Có những hôm, chàng còn giúp con gái Thổ Lang là nàng Bạch trong việc gặt cấy ngoài đồng. Với sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của mình chàng trai tuấn tú ấy được nhiều người yêu mến. Dù đã cố dấu hình dáng thật của mình nhưng rồi chàng bị phát hiện và bị quan Thổ Lang đuổi đi và cấm không cho con gái tiếp xúc với chàng. Thế rồi, trong một hôm dệt vải thì con sợi bị bắn văng xuống ao, nàng Bạch lội xuống nhặt con sợi lên nhưng không may về thì bị ốm và chết. Dân làng xóm Lạng xôn xao, quan Thổ Lang cho rằng con gái mình đã bị rắn thần bắt về làm vợ. Sau đó, để cho rắn không lấy được thân xác của nàng thì dân làng đã đem nàng Bạch lên đỉnh núi Ten chôn cất. Và không chịu việc sắp xếp như thế, rắn thần đã hô mưa, gọi gió cho dân làng trong suốt nhiều ngày liền và biến vùng đất nơi đây thành sông suối để mang xác nàng Bạch về hang mình. Từ đó, người dân xóm Lạng đã cúng thờ thần rắn và nàng Bạch với mong ước mưa thuận gió hòa để phát triển trồng trọt, chăn nuôi.
Cũng từ truyền thuyết đó mà Hang Lạng Phú Thọ đã được coi là thủy cung của thần bảo vệ xóm Lạng. Đến tận ngày nay, người ta mới dựng thêm đình Lạng để những ngày lễ tết cầu tế thần linh phù hộ cuộc sống êm ấm, cuộc sống no đủ, thịnh vượng. Và cứ hàng năm vào lễ cầu mua, lễ mở cửa rừng, ngày kỵ của vợ thần...người dân nơi đây lại tổ chức tế lễ tại đình Lạng sôi nổi. Lễ cúng thần bao giờ cũng có gạo và trứng. Gạo là sản phẩm của lúa nước, là âm tính thuộc về thế giới của loài rắn sống dưới nước. Còn trứng biểu tượng cho chim ở trên rừng thuộc về dương. Truyền thuyết thần hang Lạng và tục thờ cũng của người Mường Xuân Sơn phản ánh tư duy thần thoại của tộc người Việt cổ làm lúa nước sống ở vùng Xuân Sơn này. Thần tích này cùng mô típ với thần thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ chỉ khác ở chỗ là nó xuất hiện ở thời kỳ hình thái đã phát triển khá cao, có hôn nhân một vợ một chồng, chế độ mẫu hệ đã bàn giao quyền sang cho người đàn ông. Vợ phải sang ở nhà chồng. ở đây nàng Bạch đã phải sang Thủy cung sống với chồng là con rắn trắng
3.7. Đền Âu Cơ - Cội nguồn của muôn dân đất Việt
- Nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ), Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng nước Việt trong một bọc trăm trứng đã trở thành hình tượng bất hủ sống mãi trong tư tưởng, tình cảm và tâm trí của các thế hệ người Việt Nam.
- Để tri ơn công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và giáo dục truyền thống dân tộc, cách đây hơn 500 năm, thế kỷ thứ XV thời hậu Lê, vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương - huyện Hạ Hoà; Đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1991.
Ngày lễ chính của Đền Âu Cơ là ngày “Tiên giáng” mùng bảy tháng giêng, ngoài ra trong năm còn có các ngày lễ khác là ngày 10-11 tháng 2, ngày 12 tháng 3, ngày 13 tháng 8... Nhân dân trong vùng từ già, trẻ, gái, trai ai cũng thuộc câu ca:
“Mồng bảy trong tiết tháng giêng
Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời...”
Nghi lễ của ngày hội: Vào sáng sớm mồng 7 tháng giêng tổ chức lễ tế Thành Hoàng ở Đình, đây là đội tế toàn nam giới; Đến giờ Thìn (từ 7 đến 9 giờ) đoàn rước kiệu từ Đình Đức Ông vào đến sân Đền, phường Bát âm chỉ dùng Đàn, Sáo, Nhị, Trống, phách....Lễ vật dâng Mẫu bao gồm: cỗ chay, ngũ quả, tiền giấy ngũ sắc ...Đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn, mặc áo dài với các mầu sặc sỡ và tế theo nghi lễ truyền thống. Theo tương truyền khi Ngọc Nương phu nhân sinh nàng Âu Cơ thấy có mây lành che chở, hương thơm toả ngát khắp nơi, là điềm “Tiên nữ giáng trần”. Lớn lên Nàng Âu Cơ rất xinh đẹp, “So hoa hoa biết nói, so ngọc, ngọc ngát hương”, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật.
Sau khi kết duyên, Lạc Long Quân đưa Âu Cơ từ động Lăng Sương về núi Nghĩa Lĩnh, Âu Cơ trở dạ sinh được một bọc trăm trứng nở thành một trăm người con. Khi các con lớn lên Lạc Long Quân nói với bà Âu Cơ “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khó mà hoà hợp...bèn chia 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển để lưu truyền đựơc lâu dài, về sau tất cả các con đều hoá thần. Trong 50 người con theo mẹ thì người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng trị vì đất nước trong 2621 năm (Từ năm Nhâm Tuất 2879 đến năm 258 TCN). Bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Trên con đường dài muôn dặm đó, một ngày kia Người đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây.Thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có núi cao đồng rộng, sông dài, có hồ nước trong xanh bát ngát, cỏ cây hoa lá tốt tươi, cá chim muông thú dồi dào. Người cho khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Giếng Loan, giếng Phượng, gò Thị, gò Cây Dâu...là những cái tên từ thủa xa xưa đến nay vẫn còn đọng mãi trong ký ức người dân nơi đây.
Khi trang ấp đã ổn định, người lại cùng các con lên đường đến các vùng đất mới. Đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người lại trở về với Hiền Lương, nơi người đã chọn để gắn bó cuộc đời của mình. Tương truyền ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, bà Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa, ở đó nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói.
3.8. Vườn Quốc Gia Xuân Sơn - Hòa mình cùng thiên nhiên Miền Đất Tổ
Vườn quốc gia Xuân Sơn ở đâu?
Vườn Quốc Gia Xuân Sơn nằm tại xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Vườn quốc gia Xuân Sơn là địa danh nghỉ dưỡng, tham quan lý tưởng để tận hưởng không khí trong lành, dịu êm của nơi thanh bình, vắng vẻ của miền đất Tổ. Khi đến nơi đây du lịch bạn sẽ được hòa mình vào không gian hoang dại, bao phủ khắp nơi là màu xanh ngợp mắt của những tán cây đủ loại xen vào nhau tầng tầng, lớp lớp. Bên cạnh đó là sự ẩn hiện thấp thoáng của những mái nhà sàn và mùi hương lúa nếp nương cùng tiếng suối nước chảy róc rách khiến bạn quên đi những ưu phiền cuộc sống. Là vườn Quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với hệ động thực vật vô cùng phong phú và nhiều dạng địa hình kiến tạo bao gồm 32 loại được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó, nhiều loại cây quý hiếm có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế cao như: lát, sến mật, chò chỉ, nghiến, củ dòm, rau sắng,… Hệ động vật có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 18 loài có tên trong Sách đỏ thế giới.
Nên đến Vườn quốc gia Xuân Sơn vào thời gian nào?
Theo kinh nghiệm du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn, đi du lịch ở đây vào thời gian nào cũng hợp lý bởi mỗi mùa có mỗi vẻ đẹp khác nhau. Vào mùa khô, con đường dễ đi, có thể hạn chế được nhiều rủi ro hơn, phong cảnh tươi mát hơn và thuận lợi cho việc đi chơi hơn. Nhưng vào mùa mưa, mặc dù đường vào vườn quốc gia Xuân Sơn có thể hơi khó đi nhưng du khách sẽ được chiêm ngưỡng dòng thác chảy rì rào, kì vĩ và mạnh mẽ hiếm hoi.
Chơi gì khi đến vườn quốc gia Xuân Sơn?
Đầu tiên, chúng ta phải kể đến: Hang Na, Hang Lạng, Hang Lun, hang Thiên Nga, hang Thổ Thần với nhiều cảnh đẹp hoang dã, mát mẻ, gần gũi với con người nhưng không kém phần kì ảo, huyền bí. Tiếp đó là thăm các bản làng ở vườn quốc gia Xuân Sơn để tìm hiểu văn hóa, cuộc sống nguyên sơ, dung dị, những tập tục độc đáo của người dân nơi đây. Cùng họ trải nghiệm những công việc hằng ngày như đan lát đồ dùng, dệt thổ cẩm hay ủ men nấu rượu, đánh bắt cá ở những con suối gần bản..vv…đảm bảo những hoạt động này sẽ không kém phần hấp dẫn, thú vị. Sau đó, bạn hãy dạo quanh chợ một vòng, trong chợ bày bán nhiều mặt hàng của người dân tộc để bạn có thể tha hồ lựa chọn những đồ vật ý nghĩa làm quà cho bạn bè, người thân hoặc sử dụng vào nhu cầu của mình.
Làm thế nào để đến được vườn quốc gia Xuân Sơn?
Hiện nay vườn quốc gia thuộc địa bàn của xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn các thành phố Việt Trì khoảng 70km. Với khoảng cách không quá xa này thì bạn có nhiều sự lựa chọn như ô tô, xe khách, xe máy…
Đường đi vườn quốc gia Xuân Sơn cụ thể như sau:
Xuất phát từ Việt Trì: Bạn theo quốc lộ 32 đến địa phận huyện Tân sơn, sẽ thấy có bảng chỉ dẫn vào vườn quốc gia Xuân Sơn.
Xuất phát từ Hà Nội: Bạn đi về hướng Sơn Tây – rồi rẽ trái đi tiếp theo quốc lộ 32 đến địa phận huyện Tân sơn, sẽ thấy có bảng chỉ dẫn vào vườn quốc gia Xuân Sơn.
Đến vườn quốc gia Xuân Sơn cần chuẩn bị những gì?
Tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi người mà lượng đồ dùng mang theo có thể nhiều ít khác nhau. Vì ở gần điểm du lịch này không có nhiều quán tạp hóa hay nơi cung cấp dịch vụ tiêu dùng nên du khách phải chủ động mang theo áo quần, vật dụng cá nhân, đồ ăn(bánh kẹo, mì tôm, sữa…), giày dép..vv… Nếu cẩn thận hơn hãy mang theo sạc pin dự phòng của điện thoại hoặc máy ảnh nữa nhé.
4. Ở Phú Thọ có những lễ hội gì hấp dẫn
4.1. Hát Xoan - Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Tỉnh Phú Thọ.
- Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình”, là hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Ca nhạc, hát, múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. có bề dày lịch sử, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, không gian văn hóa rộng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cộng đồng. Trên chặng đường dài của lịch sử, Hát Xoan đã được nhiều thế hệ nối tiếp trao truyền; nhiều người có chức sắc; các nhân sĩ trí thức đã nâng đỡ, tạo điều kiện duy trì, phát triển. Do nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời đại Vua Hùng; các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang như: Kim Đái, Phù Đức, Thét (xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu), thành phố Việt Trì, nên Hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ thuộc tầng sâu của Văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc ta.
- Hát Xoan có 3 chặng: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên (hát hội). Hát nghi lễ gồm các bài: Hát chào Vua, mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám. Hát quả cách gồm 14 bài (quả là bài; cách là hình thức hát, lối hát): Kiều giang cách; Nhàn ngâm cách; Tràng mai cách; Ngư tiều canh mục cách; Đối dẫy cách; Hồi liên cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách; Thu thời cách; Đông thời cách; Tứ mùa cách; Thuyền chèo cách; Tứ dân cách; Chơi dâu cách. Hát hội gồm nhiều bài, hát tự do phóng khoáng, nội dung các bài hát mang tính trữ tình sâu sắc: Thết trầu (còn gọi là Bợm gái); Bỏ bộ; Xin huê - Đố huê; Đố chữ; Hát đúm; Cài huê; Mó cá..
- Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời đại Vua Hùng, Có chuyện kể rằng Vua Hùng đi tìm đất đóng đô, một hôm nghỉ chân ở nơi này là quê Xoan Phù Đức - An Thái, thấy các trẻ chăn trâu hát múa, vua rất ưa thích và lại dạy thêm nhiều điệu khúc nữa, những điệu hát múa ấy của Vua Hùng và các em chăn trâu, đó cũng là những điệu Xoan tiên, Lại có câu chuyện kể rằng vợ Vua Hùng đau bụng đã lâu ngày mà vẫn không sinh nở, một nàng hầu gái bàn nên đón nàng Quế Hoa múa đẹp hát hay đến múa hát. Quế Hoa được gọi đến trước giường, uốn tay đưa chân, dáng như tiên, giọng như suối, sắc như hoa... Vợ Vua Hùng xem múa nghe hát quả nhiên vui vẻ sinh ra được 3 người con trai tuấn tú khác thường. Vua Hùng rất vui mừng, truyền cho các công chúa trong cung nữ đều học những điệu múa hát của Quế Hoa. Lúc đó vào mùa xuân nên vua đặt tên các điệu múa hát đó là Hát Xuân.
Chuyện dân gian xã Cao Mại kể rằng Nguyệt Cư công chúa, Vua bà xã Cao Mại, con Vua Hùng, lúc lọt lòng mẹ cứ khóc hoài không ai dỗ được, chỉ khi nghe người làng An Thái hát em mới nín khóc, cứ như thế cho tới năm em lên ba tuổi. Các cụ còn kể rằng Nguyệt Cư qua làng An Thái được nghe hát rồi đau bụng đẻ, quân gia phải khiêng kiệu chạy thật nhanh về trang để bà kịp sinh nở. Cũng vì những tình tiết trên mà ở Cao Mại có lệ chạy kiệu Vua Bà và có hát Xoan trong các ngày đình đám tế lễ, đó là những trò diễn hội làng có ý nghĩa kỷ niệm.
Làng Hương Nộn, nơi có hát Xoan thờ Xuân Nương, một tướng của Hai Bà Trưng, các cụ kể rằng: Xuân Nương khởi nghĩa đánh giặc Hán tham tàn, có lần hành quân qua làng Xoan được nghe hát Xoan bèn cho quân học hát. Cũng vì sự tích trên mà ngày tế Xuân Nương, dân làng Hương Nộn tổ chức Hát Xoan. Nếu thời Hai Bà Trưng đã có Hát Xoan để quân bà Xuân Nương học hát thì Hát Xoan hẳn đã ra đời trước đó nghĩa là vào thời Hùng Vương, các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang
- Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
- Ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
4.2. Lễ Hội Bạch Hạc Phú Thọ - Bảo tàng sống trên vùng đất Văn Lang.
“Hùng Vương đô ở Châu Phong
Ấy nơi Bạch Hạc, hợp dòng Thao Giang.
Đặt tên là nước Văn Lang,
Chia mười lăm bộ bản chương cũng liền.”
- Làng Bạch Hạc, (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) hàng năm mở hai kỳ hội Xuân, kỳ đầu từ mồng 3 đến hết mồng 5 tháng giêng, kỳ sau từ mồng 10 đến 13 tháng ba. Đây là hình thức phục hiện có tính nghi lễ và nghệ thuật về việc luyện tập thủy quân, thể hiện tinh thần thượng võ trong truyền thống đánh giặc giữ nước từ thời Hùng Vương. Đình làng Bạch Hạc trông thẳng ra sông Lô, trên một khu đất cao vừa trang nghiêm vừa thanh tịnh. Nơi đây thờ Thổ Lệnh đại vương, một vị thiên tướng đã xuất hiện xuống đất Phong Châu vào đời nhà Đường. Thần tích ghi rằng về đời Đường khi Lý Thường Minh làm Thứ sử Giao Châu, một hôm nhàn du đến đây ngắm phong cảnh, nằm mộng thấy từ trên trời bay xuống hai thiên tướng. Hai thiên tướng này là hai anh em ruột. Lý Thường Minh mời hai vị thi tài, ai hơn sẽ ở lại hưởng hương khói của dân làng Bạch hạc. Đức Thổ lệnh đại vương là anh, bước một bước qua sông và một bước nữa thì lui về chỗ cũ. Ngài bước mạnh đến nỗi in hằn vết chân lên một tảng đá, nơi đây khi hàng năm trong kỳ hội tháng ba có cuộc đua thuyền, thuyền bắt đầu khởi hành.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày: Ngày đầu bơi dạo để kiểm tra chải; ngày thứ hai các giáp đưa kiệu xuống chải bơi ra sông Hồng đón các thần về; ngày thứ ba bơi chính để đọ sức giữa các giáp. Mỗi đơn vị đua một thuyền, kiểu dáng thuyền hoàn toàn giống nhau, chỉ khác màu sắc. Theo lời dân chúng, ở bên kia sông cũng có một vết chân như vậy, nhưng vì lâu năm bị đất phù sa che lấp đi. Tảng đá về mé sông Bạch hạc, dân làng còn ghi được và cất giữ ở đình làng. Vết chân dài một thước, rộng năm tấc. Em đức Thổ lệnh đại vương là đức Thạch Khanh đại vương được dân làng Thọ Sơn, huyện Hạc Trì tỉnh Phú Thọ thờ phụng. Do sự liên hệ huynh đệ giữa hai vị thần linh, dân hai làng Bạch hạc và Thọ Sơn có tục giao hiếu với nhau trong những kỳ tế lễ hội hè của hai làng.
Để dự cuộc bơi trải các giáp đều kén những dân đinh khoẻ mạnh sung vào những tay bơi, mỗi giáp năm chục người cho chiếc trải, nhưng giáp nào cũng kén một số người dự khuyết. Ngoài những tay bơi, mỗi giáp còn phải kén ba người, ba người này thường là các bậc đàn anh trong giáp, một người đứng đầu thuyền cầm cờ hiệu, một người đứng giữa gõ một chiếc trống khẩu để giữ nhịp cho những tay chèo, và ở cuối thuyền, một người ngồi cầm lái. Mỗi bên mạn thuyền là hai mươi lăm tay chèo, đây là những tay trai lực lưỡng đã được hàng giáp lựa chọn, và đã có luyện tập cùng với ba vị đàn anh điều khiển chiếc trải. Trong lúc bơi, họ vừa chèo vừa hò reo.
Người đứng đầu thuyền cầm cờ hiệu, và đồng thời cầm trịch cho chiếc thuyền bơi. Người này trước hết phải luôn luôn đứng cho cân, tự giữ lấy thăng bằng, đừng vì mình mà thuyền thiên lệch, gây khó khăn cho các tay bơi. Đứng trên thuyền cho vững, mặc con thuyền lao đi vun vút trên mặt nước theo đà các tay chèo, trong khi đó lại phải cầm trịch cho chiếc trải, dùng cờ hiệu phất cho chiếc trải hoặc đi thẳng, hoặc tiến trái, hoặc tiến phải, hoặc vòng theo một độ nào để quay đầu trở lại, quả không phải là một việc dễ dàng. Chỉ cần một chút sơ ý có thể ngã lao xuống nước trong khi chiếc trải vẫn vun vút bơi đi. Người cầm trống khẩu đứng giữa thuyền cũng phải giữ mình cho cân, cho khỏi ngã như người cầm trịch, và tiếng trống phải sao cho đều để khỏi lạc tay chèo những người đang bơi. Người cầm lái đứng ở cuối, cầm cả vận mệnh của chiếc trải trong tay, trải đi nhanh hay chậm là do nhiệm vụ người cầm lái. Phải giữ lái cho trải đi thẳng, phải lựa tránh những chiếc trải khác mà vẫn vượt lên đầu. Lại còn lúc quay, khi lượn, phải lựa cho thuyền theo lái. Với từng ấy khó khăn, người cầm lái lại phải đứng cho vững, cho cân trên cuối thuyền, nếu vô ý ngã xuống sông, chiếc trải không lái sẽ bơi ngang bơi ngửa... Người cầm lái phải luôn luôn để ý tới người cầm trịch, theo hiệu của người cầm trịch lái chiếc trải.
Năm chục tay chèo, đã ngồi xuống chiếc trải, phải chú ý hết đến việc bơi, tai phải nghe tiếng trống, tay phải bơi cho đều đều, đừng sai nhịp với bạn cùng bơi. Một tay chèo bơi sai nhịp, có thể gây rối loạn cho ba bốn tay chèo khác, có khi cho cả một mé chiếc trải. Thật là khó khăn! Do đó phải có sự luyện tập hàng tháng trước. Lúc xuống bơi trải, các tay chèo đều mình trần trùng trục mỗi người chỉ vận một chiếc khố, mỗi bọn một mầu khố đều nhau, trông thật đẹp, nhất là khi, mỗi hàng đoàn họ dắt nhau xuống từng chiếc trải trước cuộc bơi, trông họ với thân hình nở nang, bắp tay rắn chắc, có thể ví họ như những bức tượng đồng lực sĩ.
Dân làng Bạch hạc giải thích cuộc bơi trải căn cứ trên một sự tích huyền bí: Đức Thổ lệnh tiễn đưa đức tản viên, nhưng trên thực tế, dân ta cần luôn luôn tập luyện cho quen sông nước, và đã hơn một lần chúng ta thắng giặc trên mặt sông! Bạch Đằng Giang còn đó, Chương Dương độ còn kia, và cả trận sông Lô năm 1947, khi toàn dân kháng chiến đã khiến gần ba nghìn quân Pháp vong thân trôi theo dòng nước. Gặp những năm dân làng làm ăn thịnh vượng, mùa màng được, nhân dịp hội tháng ba, dân làng tổ chức cờ người thay cho cờ bỏi, cờ người cũng chơi như cờ bỏi chỉ khác quân cờ thay vì những biển cờ có khắc chữ, là những nam nữ thanh niên mặc quần áo có thêu chữ mang tên những quân cờ, chữ thêu ở trước ngực và ở sau lưng người đóng quân cờ. Cũng có nơi, quân cờ mặc quần áo như thường, nhưng có thêm chiếc biển khắc hoặc viết chữ theo bộ cờ, như vậy mỗi nước đi, nếu quân cờ di chuyển phải mang theo chiếc biển của mình. Tại mỗi vị trí của bàn cờ đều có một chiếc ghế để quân cờ ngồi. Tại những xã lớn thịnh đạt, những nam nữ đóng quân cờ còn mang theo khí giới, và khi quân bên nọ ăn quân bên kia, quân cờ ăn sẽ múa một thế võ như hạ quân cờ bị ăn, y như trong một màn hát bội.
Trên đây là mấy cổ tục đặc biệt diễn ra hàng năm tại xã Bạch Hạc trong những ngày hội. Ngoài những cổ tục trên, hội còn nhiều trò vui khác như tổ tôm điếm, đáo đĩa v.v...
4.3. Lễ Hội Đền Hùng Phú Thọ - Hành trình trở về cội nguồn của dân tộc.
- Đền Hùng nằm ở trên núi Nghĩa Lĩnh, Xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là nơi hàng năm thường diễn ra lễ hội mang tính chất quốc gia để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn, suy tôn các vua Hùng là người đã có công dựng nước, những vị vua đầu tiên của dân tộc.
- Lễ hội diễn ra từ ngày 01đến hết ngày 10 tháng 3 âm lịch. Việc tế lễ được tổ chức rất trọng thể vào ngày chính hội (10/3), bắt đầu bằng lễ dâng hương có đại diện của Nhà nước, tại đền Thượng là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất.
“ Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.
Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).
- Mở đầu buổi lễ, khi tiếng nhạc phường bát âm bắt đầu phát ra, chủ tế sẽ đọc lời cầu nguyện trước ngai thờ của vua Hùng. Kết thúc mỗi lần đọc sẽ kèm theo một hồi trống và chiêng hiệu, sau đó đoàn tế tiến lên phía trước tiền đường, thực hiện nghi thức quỳ lạy rồi lùi về sau.
- Phần rước, có nhiều cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích...
Sau tế lễ còn có múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ) và nhiều trò chơi khác.
Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác... Các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội. Đám rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đó là một đám rước tưng bừng những âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền và màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống... Dưới tán lá mát rượi của những cây trò, cây mỡ cổ thụ và âm vang trầm bổng của trống đồng, đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá huyền thoại để tới đỉnh núi Thiêng.
Góp phần vào sự quyến rũ của ngày lễ hội, ngoài những nghi thức rước lễ còn những hoạt động văn hóa quần chúng đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Vĩnh Phú, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.
Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
4.4. Lễ Hội Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ - Thăm lại cội nguồn muôn dân đất Việt.
“Tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ” là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
- Tọa lạc tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà - một vùng đất địa linh nhân kiệt, đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc.
- Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương là một tổ hợp chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo: Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ, đình thờ Đức Thánh Cả, cùng tổng thể nội dung và diễn trình thực hành tín ngưỡng chính là những di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng ý nghĩa, giá trị lưu niệm về Mẫu Âu Cơ. Thông qua việc thực hành tín ngưỡng này, không chỉ hình ảnh mẫu mẹ Âu Cơ với hành trình khai mở đất đai, lập làng dựng xóm, dạy dân làm ăn, phát triển sản xuất... được tái hiện mà còn thể hiện sinh động đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ người dân Hiền Lương nói riêng, cư dân vùng Đất Tổ nói chung.
- Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ còn là một điểm nhấn quan trọng trên dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân ta. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương góp phần giáo dục về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thành kính ngưỡng vọng và tri ân tổ tiên. Qua đó, tạo lập mối đoàn kết, gắn bó cộng đồng - cội nguồn của sức mạnh tập thể trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Với giá trị văn hóa tinh thần đặc biệt, ngày 23/01/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Chuyện xưa kể rằng: Vào ngày mùng 7 tháng Giêng, Tiên nữ Âu Cơ giáng trần, kết duyên cùng Lạc Long Quân rồi sinh được một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai. Một ngày kia, Lạc Long Quân đưa 50 người con về biển, Âu Cơ đưa 49 người con lên núi, để lại người con trưởng ở lại đất Phong Châu nối nghiệp là Vua Hùng thứ nhất. Âu Cơ đưa các con đi mãi, khi đến vùng Hiền Lương (xã Hiền Lương ngày nay), thấy phong cảnh non xanh nước biếc, đất đai phì nhiêu, rừng nhiều muông thú..., bèn dừng lại khai khẩn đất hoang, lập làng, dựng xóm ngày một đông vui, trù phú. Mẹ Âu Cơ đã dạy dân khai hoang, lập ấp, cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và làm ra các loại bánh từ sản vật địa phương. Ngày 25 tháng Chạp, mẹ đã cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa đầu làng một dải lụa màu lung linh như cầu vồng bẩy sắc. Dưới gốc đa ấy, Nhân dân Hiền Lương đã lập đền thờ để tri ân công ơn to lớn của Tổ Mẫu Âu Cơ - Người mẹ linh thiêng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.
Thời Hậu Lê, dưới triều Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đã phong Thần và cho xây dựng đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ quy mô như ngày nay tại xã Hiền Lương. Năm 1991, Bộ Văn hóa - Thông Tin công nhận đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Cùng với di tích Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một di sản văn hóa đặc sắc của người Việt với đầy đủ các giá trị, biểu tượng văn hóa, nghi lễ truyền thống, thể hiện qua tín ngưỡng thờ Nữ thần, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sự tôn thờ và sùng kính người Mẹ, quá trình huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại. Đây là một sáng tạo văn hóa độc đáo nhằm ghi nhớ, khẳng định và tôn vinh lịch sử nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam; bổ sung vào hệ thống Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ, góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm những hình thức tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên của Nhân dân ta.
Tại lễ hội, các nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được thực hiện trang nghiêm, thành kính: Lễ dâng hương ngày Tiên thăng, Lễ tế Tam vị Đức Ông, Lễ rước kiệu và tế nữ quan vào ngày Tiên giáng; trong đó, Lễ rước kiệu và tế nữ quan ngày 07 tháng Giêng hằng năm là ngày chính lễ. Bên cạnh phần lễ, các hoạt động hội: Các trò chơi dân gian, các hoạt động văn nghệ, thể thao… được tổ chức phong phú, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào và du khách về dâng hương Tổ Mẫu và trảy hội.
Nội dung Lễ hội:
Về các hoạt động Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm 2023:
- Lễ dâng hương ngày “Tiên thăng”
Thời gian: Từ 08h00’, thứ Hai, ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Dần (tức ngày 16/01/2023).
Địa điểm: Tại Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương.
- Lễ tế Tam vị Đức Ông
Thời gian: Từ 08h00’, thứ Năm, ngày mồng 5 tháng Giêng năm Quý Mão (tức ngày 26/01/2023).
Địa điểm: Đình Đức Ông - Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ.
- Lễ dâng hương ngày “Tiên giáng”
+ Phần rước kiệu
Thời gian: Từ 7h00’, thứ Bảy, ngày mồng 7 tháng Giêng năm Quý Mão (tức ngày 28/01/2023).
Địa điểm: Từ Đình Đức Ông về sân hành lễ Đền Mẫu Âu Cơ.
Nội dung: Rước Linh ngai Ngài Đột Ngột Cao Sơn theo nghi thức truyền thống.
+ Phần Tế nữ quan
Thời gian: Từ 07h30’, thứ Bảy, ngày mồng 7 tháng Giêng năm Quý Mão (tức ngày 28/01/2023).
Địa điểm: Sân hành lễ - Khu Di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ.
Nội dung: Thực hiện Lễ tế Nữ quan theo nghi thức truyền thống.
Tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị văn hóa lịch sử của truyền thuyết cha Rồng, mẹ Tiên; tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; khơi dậy niềm tự hào về nguồn gốc cao quý của dân tộc Việt Nam và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Tại lễ khai hội, các đại biểu và đông đảo du khách thập phương đã được nghe chúc văn thành kính tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ; trong đó nhấn mạnh về huyền thoại Âu Cơ Lạc kết duyên với Đức Tổ Long Quân sinh ra một bọc trứng 100 trứng, nở thành 100 người con, 50 người con theo cha xuống biển, còn 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Trong hành trình đưa 50 người con lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ Mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Tại đây, mẹ Mẫu Âu Cơ thấy phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú đã cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú.
Sau phần chúc văn thành kính tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ là nghi thức Tế nữ quan. Các cô gái thanh tân trong trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu cùng chủ tế nữ mặc bộ lễ phục màu đỏ thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống.
4.5. Lễ Hội Rước Chúa Gái Phú Thọ - Phong tục hôn lễ thời Hùng Vương.
- Lễ hội Rước Chúa Gái ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ mang đậm nét văn hóa dân gian phản ánh đời sống văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân ta từ thời đại Hùng Vương, được nhân dân địa phương lưu giữ và phát huy, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Lễ hội Rước Chúa Gái là hình thức nguyên sơ của Lễ hội Đền Hùng trước Cách mạng tháng Tám, mang đậm nét văn hoá dân gian vùng Đất Tổ. Lễ hội tái hiện cảnh đưa dâu công chúa Ngọc Hoa về núi Ba Vì với Tản Viên. Sau phần Tế lễ tại Đình Cả do các cụ cao niên của hai làng Vi, Trẹo (làng He xưa) thực hiện, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, trình diễn bách nghệ khôi hài, tùng dí...
*Tiêu chuẩn chọn Chúa Gái:
Con gái xinh đẹp, chưa có chồng, tuổi từ 11 đến 14 tuổi, gia đình phong quang, không có tang chế, con nhà có chức sắc.
Tiêu chuẩn đơn giản nhưng chọn lựa kỹ càng. Ngày 28 tháng Chạp, cả hai thôn lại làm lễ tại Đình và chọn Chúa Gái. Nếu cả hai thôn đều chọn được cô gái đủ tiêu chuẩn mà không bàn bạc quyết định được vì hai cô tương đương nhau thì phải xin “âm dương”. Xin thánh “ứng” vào cô nào thì cô gái đó được chọn làm Chúa Gái năm đó. Sau khi chọn cử Chúa Gái xong, cả hai làng phải tập trung trang trí nhà Chúa Gái, có y môn, màn trần và cử từ 10 đến 15 nữ tỳ chưa có chồng, ăn mặc gọn ghẽ, xinh đẹp, nhà không có tang phục vụ Chúa Gái. Chúa Gái từ chiều 30 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng không được đi ra ngoài, mọi nhu cầu ăng uống sinh hoạt đều do các nữ tỳ hầu hạ. Gia đình có con được chọn làm Chúa Gái phải chịu mọi lệ tục trong làng như xép dọn nhà cửa thành nơi thờ kính, sắm đồ mỹ trang may sắm quần áo đẹp cho con mặc,…
Khi rước kiệu Chúa Gái, voi, ngựa làng Trẹo đi trước, voi ngựa làng Vi đi sau kiệu. tới đình Cả, kiệu lễ vật và kiệu lễ sắc văn để lên trên sân đình, phía cuối bãi là kiệu Chúa Gái, sau cùng là hai voi, bốn ngựa.Số người xem rước không chỉ là dân làng Vi, Trẹo mà còn là khách thập phương tới dự hội.
- Thứ tự rước:
- Đi đầu là người cầm cờ: đầu đội nón dấu, thắt lưng bó qua, chân đi giầy, cuốn xà cạp.
- Tiếp sau là:
+ Trống cái: 2 người khiêng, một người thủ hiệu có lọng che, ăn mặc lịch sự.
+ Chiêng: 2 người khiêng.
+ Voi, ngựa gỗ: có tàn lọng che.
+ Tán : 2 chiếc do 2 người cầm.
+ Chấp kích (Bát bửu).
+ Giữa có một người mang biển bầu dục đề chữ: “Thượng đẳng tối linh” – “Lịch triều phong tượng”. Người cầm biển mặc áo thụng, có lọng che.
+ Ban nhạc sinh tiền (Phường đồng văn).
+ Người vác cờ vía: Người đó mặc áo thụng, cầm cờ vóc, có lọng vàng che.
+ Ba người vác kiếm thần đi bệ vệ: đội nón dấu, thắt lưng bó qua.
+ Phường bát âm: tiêu, sáo, đàn, trống, phách...
+ Kiệu văn: rước sắc.
+ Long đình: bày hương, hoa, mâm ngũ quả (kiệu bát cống). Có tàn, quạt, lọng, vải che kín, tôn nghiêm. Có hai ông cầm trống khẩu gióng hiệu, 4 người đi kèm sẵn phong thay đổi người.
+ Long kiệu: 8 ông khiêng, 8 ông đi phòng thay đổi người.
- Những trò diễn trong ngày rước Chúa Gái:
+ Lấy tiếng hú
+ Tục săn lợn, chạy địch
+ Tế sóc và trình voi, ngựa
+ Bách nghệ khôi hài
5. Những món ngon không thể bỏ qua khi đi du lịch Phú Thọ.
- Phú Thọ được mệnh danh là vùng "Đất Tổ linh thiêng", nơi cội nguồn của dân tộc. Nơi đây không chỉ có nền văn hóa lâu đời, với nhiều ngôi đền, chùa cổ kính, các làng nghề truyền thống, các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, khu di tích lịch sử, văn hóa có giá trị to lớn mà còn nổi tiếng với nhiều đặc sản hấp dẫn khó mà tìm kiếm ở bất kỳ nơi nào khác. Trong chuyến hành trình du lịch sắp tới, bạn nhất định không được bỏ qua các đặc sản Phú Thọ sau đây nhé!
5.1. Thịt Chua Phú Thọ
- Đặc sản thịt chua Phú Thọ là một món ăn không còn xa lạ trong thực đơn những bữa nhậu hay bữa cơm gia đình ngày nay. Thịt chua có vị bùi bùi, béo béo của thịt lợn sạch kết hợp với thính rang thơm ngất ngây, ai thử cũng mê. Nhưng mấy ai biết nguồn gốc xa xưa đầy ý nghĩa thú vị của món ăn này. Chế biến từ những nguyên liệu dân giã với sự hòa quyện của các gia vị được tẩm ướp theo bí quyết gia truyền, trải qua quá trình lên men, một đặc sản của núi rừng - thịt chua - đã được tạo nên bởi chính đôi bàn tay khéo léo của người nông dân huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, chẳng ai biết đặc sản này được tạo ra ở đâu và từ bao giờ. Trải qua hàng trăm năm với những công thức chế biến khác nhau, thịt chua Phú Thọ vẫn vẹn nguyên hương vị nồng đậm và trở thành niềm tự hào ẩm thực của vùng đất Tổ. Thịt chua - sự sáng tạo độc đáo của người Mường nghĩ ra cách muối chua thịt trong ống tre, ống nứa làm “của để dành thịt lúc đó được cắt thành những miếng to để trong chum, vại, ống nứa. Món thịt chua đã bắt nguồn từ đó. Về sau, trong quá trình chế biến, người dân đã tẩm ướp thêm nhiều gia vị khác và dần hình thành món thịt chua đặc sản như ngày nay.
Hiện nay, thịt chua đã được cải biến, đối mới cách làm và gia vị. Tạo thành một món ăn vô cùng hấp dẫn và lạ miệng. Không chỉ còn là một món ăn mặn sử dụng với cơm. Mà thịt chua trở thành một món ăn siêu hấp dẫn không thể thiếu trên bàn nhậu. Tiếng thơm vang xa, ngoài Phú Thọ cũng đã có nhiều vùng miền chế biến, sản xuất món ăn này. Bởi cách làm rất đơn giản và nguyên liệu cũng dễ dàng kiếm được. Thế nhưng tuyệt nhiên không ở đâu có thể làm được món thịt chua thơm ngon, bùi béo như người Mường Phú Thọ làm ra. Về Phú Thọ chắc chắn nên thử món ăn hấp dẫn này.
“Lạ lùng rêu đá, đậm đà thịt chua” là câu nói quen thuộc mỗi khi về với mảnh đất này. Đến Thanh Sơn không khó để thấy những cửa hiệu bày bán thịt chua ở hai bên đường và cả trong hệ thống các siêu thị, nhà hàng. Thịt chua vốn là món ăn truyền thống của người Mường vùng Thanh Sơn và Tân Sơn.
Giữa tiết trời nắng gắt, trong căn nhà sàn gỗ, nhâm nhi chén nước lá đặc quánh, nóng hổi, ông Đinh Văn Hòa, 71 tuổi, người dân tộc Mường, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, cho biết không nhớ thịt chua có từ năm nào, nhưng từ xa xưa, ông đã được các cụ kể và truyền lại cách ướp thịt để giữ được lâu, không bị thối, hỏng.
5.2. Cọ Ỏm
Cây cọ ỏm là đặc sản ở vùng đất Tổ. Mở nồi cọ ỏm, nếu là cọ ngon, nước ỏm loang loáng mỡ vàng từ quả cọ, nhìn hấp dẫn hơn cả nồi nước dùng của phở. Quả cọ vàng ruộm từ trong lõi ra ngoài, cùi cọ dày. Cọ ỏm ngon nhất phải sử dụng những quả đã chín già, vỏ bóng, sau đó đem rửa sạch, rồi ỏm. Cách ỏm cọ cũng phải thật khéo léo, không phải đổ vào rồi đun luôn mà phải chờ nước sôi liu riu rồi để nguội tầm 80 độ thì mới cho cọ vào đảo nhẹ cho quả cọ chìm đều trong nước. Khi dầu cọ từ quả thôi ra, nổi váng lên mặt nước, bám vào thành nồi nghĩa là quả cọ
Khi ăn, cọ ỏm mềm, béo ngậy, nếu chấm với muối vừng, muối lạc thì càng tăng độ bùi của cọ.từ ngàn xưa đến nay là biểu tượng thiêng liêng cho vùng đất và con người Phú Thọ, nơi lưu giữ những nét văn hoá cổ truyền thời đại Hùng Vương. Cây cọ gắn bó sâu nặng với mảnh đất, con người nơi đây qua những đồi cọ trập trùng xanh ngút ngàn, qua những ngôi nhà lợp lá cọ bình yên bên triền núi, qua những chiếc nón làng nón Sai Nga đội đầu, qua chiếc quạt cọ của ông, chiếc chổi cọ của bà và nắm cơm gói lá cọ đậm sâu trong kí ức tuổi thơ một thời.
Vào quãng giữa tháng 7 (âm lịch) hàng năm là những cây cọ bắt đầu ra hoa, kết trái. Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 (âm lịch) là những trái cọ bắt đầu chín, màu vỏ ngả màu xanh da trời rồi chuyển sang xanh đậm.
- Nhâm nhi cọ ỏm với nước chè xanh trong những cơn gió đầu mùa se lạnh thấy ấm áp lạ thường, vậy mới thấy được bàn tay khéo léo của những người dân đất Tổ. Cọ ỏm cùng những món ăn lạ mà bình dị khác đã góp phần khiến bao du khách không khỏi quyến luyến, trầm trồ, không nỡ rời xa miền đất bình yên, hồn hậu này. Không chỉ là một món ăn ngon, quả cọ còn là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin như vitamin A, vitamin beta-caroten, B1, B2, PP, C,...và một số khoáng chất như sắt, canxi, phốt pho
5.3. Bánh Tai Giếng Thánh
Bánh Tai Phú Thọ có từ thời xa xưa của làng Phú Thọ, bánh có tên gọi khác là bánh Hòn. Bánh có hình dạng giống cái tai, được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn với công thức và những nguyên liệu đặc biệt khác, và không phải ai cũng làm được chiếc bánh Tai giếng Thánh đúng chuẩn hương vị đặc biệt vốn có. Ngày xưa, người ta không gọi là bánh tai đâu mà người ta gọi là bánh hòn. Dần dần thấy giống cái tai mới gọi là bánh tai thôi. Còn bánh tai nhà tôi có tên Giếng Thánh là bởi vì từ xưa các cụ nhà tôi là ở Giếng Thánh nên lấy tên đó luôn. Bây giờ chuyển ra đây gia đình vẫn giữ lại cái tên này
Bánh tai Phú Thọ có màu trắng đục, thơm mùi bột quện trong mùi thịt ngầy ngậy. Ăn từng miếng nhỏ mới cảm nhận hết dư vị của chiếc bánh. Bánh tai dễ ăn và nhiều người có thể dùng được bởi bánh được làm từ bột gạo tẻ nên rất lành, thường được dùng làm thứ quà ăn sáng.
Ẩm thực thị xã Phú Thọ thời xa xưa, bánh tai thường được ăn kèm với cháo gạo tẻ, cháo bột thái, chỉ cần chút nước mắm ngon hòa sẵn. Mỗi bát cháo ấy cắt thêm 1, 2 cái bánh tai vào vừa dễ ăn vừa chóng no, có thể lao động suốt buổi sáng. Ngày nay, tùy khẩu vị có người mua bánh về nhà, chấm thêm nước mắm vắt chanh, quất, ớt, tiêu… mà nhấm nháp thì ăn không biết ngán.
Để làm được chiếc bánh tai ngon thì trước tiên là phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng, dẻo. Đây là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng của chiếc bánh.
Sau khi chọn được gạo, đãi thật sạch, ngâm nước từ 3- 4 tiếng, để ráo nước, đem giã hoặc nghiền nhỏ cho thật mịn. Nắm bột thành quả, bột phải kết dính chắc, rồi cho quả bột vào cối đá giã nhuyễn và đánh tơi cho đến khi đạt được độ dẻo cần thiết.
Nhân bánh được làm từ thịt lợn lẫn chút mỡ, giã nhỏ cùng với hành khô và nêm gia vị như: Hạt tiêu, muối, mì chính… Sau khi nặn bánh cùng với nhân, xếp bánh vào khay bằng nhôm hoặc chõ xôi hấp cách thủy khoảng 30 phút bánh sẽ chín.
Trong khi hấp cần để lửa thật to, nếu lửa nhỏ bánh sẽ không chín, điều tối kỵ trong làm bánh Tai là không được để bột vón cục, sẽ khiến bánh vừa mất đi thẩm mỹ lại ko còn vị ngon đặc trưng nữa.
Chiếc bánh đạt yêu cầu thì đảm bảo thơm mùi bột quyện trong mùi nhân thịt thơm ngầy ngậy. Khi ăn bánh sẽ có cảm giác dẻo, giòn, lượng mỡ nhỏ của nhân giúp ngấm đều cả chiếc bánh, tạo ra vị béo mà không ngán.
Khi bánh đã chín xếp ra đĩa để bớt nóng là dùng được cùng với nước chấm pha có vị hơi chua, ngọt và cay vừa phải.
5.4. Rêu Đá Người Mường
- Rêu đá là một trong những đặc sản của vùng Tây Bắc, đặc biệt là người Thái. Ngoài những món ngon nổi tiếng như thịt gác bếp, măng chua thì rêu đá là món ăn thường dùng để tiếp khách quý hoặc dùng để thưởng thức vào các ngày lễ, Tết. Rêu đá Phú Thọ là loài rêu nhơn nhớt, nhầy nhậy mọc trên những phiến đá dưới lòng suối. Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, rêu đá chính là món ăn cứu biết bao đồng bào dân tộc miền núi thuộc xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ thoát khỏi cái đói. Nhưng bây giờ, bà con có thể tự hào giới thiệu với du khách đây là loại đặc sản có 1-0-2.
- Rêu đá chỉ sinh sống ở những nguồn nước sạch chưa bị ô nhiễm và thường được thu hoạch vào giữa đông, đầu xuân. Khi tiết trời sang thu, các cô gái trong thôn bản sẽ đi bắt rêu ở các con suối. Suối càng chảy xiết, rêu càng sạch và non. Rêu sau khi được bắt sẽ được bện thành những dây dài, sau đó rửa lại thật sạch bằng nước suối rồi đem đi đập trên đá. Công việc đập rêu phải nhẫn nại, đập và rửa rêu nhiều lần cho đến khi rêu quấn quện vào nhau như chiếc áo vắt, tiếp đó bắt đầu tỉ mẩn vạch từng sợi rêu để nhặt cỏ rác, đá sỏi lẫn trong rêu. Khi rêu đã sạch và mềm, cho chút nước mắm, muối, tỏi, hạt dổi, hạt mắc khén (một loại hạt cay, thơm nức chỉ mọc trong rừng), ớt, gừng, lá chanh, một chút lá đu đủ bánh tẻ băm nhỏ rồi gói gọn trong chiếc lá chuối tươi, sau đó vần trên than nóng. Rêu vần trên than nóng càng lâu thì món rêu sẽ càng nhừ và càng ngon. Công đoạn sơ chế tốn khá nhiều thời gian mới có thể loại bỏ hết bụi bẩn, vì vậy cần người thực sự kiên nhẫn. Người Mường thường gói rêu vào trong lá chuối, lá dong hay lá đu đủ rồi vùi vào trong lớp than đỏ hồng. Trước khi nướng, rêu được ướp với gia vị như muối, bột ngọt, mỡ lợn, hành lá và tỏi thái lát. Rêu nướng chín có mùi hơi nồng, vị béo ngậy, rất mềm mà không bị ngấy. Tỏi, hành góp phần làm tăng thêm hương vị cho món ăn, khiến thực khách ăn mãi mà chẳng biết chán.
Một cụ già người Mường cho biết: “Loài rêu đá ở đây không phải bỗng dưng mà có đâu nhé! Từ lâu lắm rồi, trên dãy núi mẹ Lia có người Mường và người Dao cùng chung sống, người Dao sống ở trên núi, còn người Mường sống ở chân núi. Trong một lần đi hái củi trên rừng, chàng trai Mường gặp một cô gái Dao có da trắng, tóc dài, má hồng đang đi hái măng. Sau đó, hai người yêu nhau tha thiết nhưng bị gia đình chia cắt, ngăn cản. Cô gái Dao không được lấy chàng trai Mường nên buồn tủi ngày đêm ngồi khóc đến độ nước mắt chảy dài thành dòng suối Thân. Chàng trai Mường không lấy được người yêu cũng si tình ra suối tự vẫn, chàng biến thành viên đá, còn cô gái biến thành rêu ôm ấp quanh chàng. Có lẽ vì thế mà rêu suối Thân là ngon nhất, đặc biệt nhất vùng Tây Bắc này đây”
Theo đồng bào nơi đây, ngoài việc là món ăn ngon, rêu đá còn là phương thuốc chữa bệnh giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, bình ổn huyết áp cho cơ thể. Trong quan niệm của họ, rêu đá là món ăn không thể thiếu vì nó có tác dụng chống ngã nước, sốt rét, tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại sơn lam chướng khí.
Quan niệm rêu đá là lộc trời, hái được nhiều sẽ có nhiều tài lộc nên mỗi lần đi hái rêu, họ lại cười nói rôm rả, vui như trẩy hội. Cũng nhờ những buổi hái rêu mà không ít mối tình đẹp của trai gái các thôn bản đã nảy sinh, tạo nên một không gian giao lưu văn hóa Mường - Dao rất đặc biệt.
5.5. Xáo Chuối
Đối với người vùng quê Lâm Thao, Phú Thọ, có lẽ điều làm họ nhớ nhất về ẩm thực quê hương là món xáo chuối – món ăn dân giã, quen thuộc của tuổi thơ bình dị, mang đậm hương vị của đồng đất ven sông. Vì là đất trồng chuối nên người Lâm Thao không ai là không biết tới món xáo chuối nổi tiếng của quê hương mình. Món ăn này được chế biến từ những quả chuối còn xanh, xương sườn lợn, một chút tiết lợn, một ít riềng, vài thìa nước tương. Chuối để nấu xáo nhất thiết phải là chuối tiêu. Mà cũng phải là thứ chuối tiêu bánh tẻ vừa độ, nghĩa là không non quá, cũng không già quá. Bởi vì nếu là chuối non, với những quả còn chưa rụng hết tua đen, thì khi nấu lên, món ăn sẽ chát đen và thiếu độ sánh ngậy của bột quả. Nếu là chuối già, cuối quả đã tròn múp, tua đen đã rụng sạch nhẵn, thì nấu lên sẽ bị cứng sượng.
Cách chế biến món ăn này cũng khá đơn giản:
Trước tiên quả chuối được rửa sạch, tước vỏ, cắt khúc rồi bổ đôi ngâm vào chậu nước muối để chuối ra hết nhựa đen, được một lúc thì rửa sạch rồi để cho ráo nước. Xương lợn được rửa sạch chặt từng khúc ngắn ướp với muối, mì chính rồi cho vào một cái nồi với một ít mỡ xào sơ qua. Tiếp đó, trút chuối vào cùng với một ít riềng giã nhỏ, một ít nước tương đảo đều. Khi tất cả nguyên liệu ngấm gia vị thì đổ nước săm sắp rồi đun cho đến khi chuối và xương đều chín nhừ thì cho tiết lợn đánh nhuyễn vào nồi và đun tiếp. Mẻ chua cho vào món xáo chuối chỉ là cho thoáng qua, lấy mùi thơm, vị chua dịu. Cũng có nhà thay vì cho mẻ cơm, thì lại cho tương nếp và cho riềng giã nhỏ vào. Màu bát xáo chuối Lâm Thao ngả nâu như màu cánh gián. Ăn hơi có vị như món rựa mận, thơm ngon, lạ miệng. Cuối cùng, khi nồi chuối đã sánh đặc, thì dùng đôi đũa cả to đánh thật mạnh cho nồi xáo đặc sánh và cho thêm đôi ba thìa nước mắm, tùy nồi xáo to hay nhỏ để lấy mùi thơm. Chừng nào ngửi thấy mùi thơm hơi sem sém lửa ở đáy nồi bắt đầu bốc lên, là lúc món ăn gần như đã hoàn thành.
Trước khi bắc nồi xáo chuối ra khỏi bếp, có thể cho thêm lá lốt, tía tô, xương sông, mùi tàu thái nhỏ và mấy lát ớt tươi. Một số nơi, người ta cũng thêm vào món xáo chuối cổ truyền mấy miếng thịt ba chỉ hay thịt nách, hoặc ít sườn sụn. Chúng được thái xúc xắc, phi hành mỡ rang vàng cùng chút nước mắm, hạt tiêu. Sau đó trút vào nồi xáo chuối lúc đã quấy gần được. Có gia đình cho thêm một bát hạt lạc sống giã giập khi quấy xáo chuối, hoặc cho thêm mấy miếng đậu phụ thái nhỏ rán vàng ăn cũng rất thú vị.
Khi nấu xong, xáo chuối được múc ra tô, ăn nóng là ngon nhất. Món ăn này đem đến một hương vị khó quên bởi vị ngọt được tiết ra từ xương lợn, vị bùi bùi, mềm dẻo của chuối xanh, hay vị đậm đà của của tương bần. Nếu như trước kia, xáo chuối là món ăn sang, chỉ được nấu trong những dịp có công to việc lớn của người Lâm Thao, thì nay nó lại là món ăn rất thân thuộc được dùng trong bữa ăn hàng ngày. Từ xưa cho đến tận bây giờ, món xáo chuối vẫn là một món ăn bản sắc, góp mặt trong thực đơn của đám cưới, đám hỏi hay thậm chí đám hiếu… mà khó có thể thay thế được.
6. Mua gì về làm quà khi đi du lịch Phú Thọ.
Bạn đến Phụ Thọ tham quan du lịch và muốn tìm quà về tặng cho gia đình và người thân thì đừng bỏ qua bài viết này nhé!!
6.1. Chè
- Phú thọ là một mảnh đất vàng của những món ăn vặt nổi tiếng, rong đó thi không thể không nhắc đến đặc sản Việt Trì các loại chè – món quà phổ biến nhất của người Việt. Tại những quán chè dù là ở ngoài vỉa hè hay trong hàng quán thì bạn cũng sẽ bị bất ngờ với cơ man vô số các loạAi màu sắc và hương vị cùng mùi thơm khác nhau như chè thái, chè sương sa hạt lựu, chè bưởi, chè sen, chè khúc bạch, sữa chua hoa quả,…. Vừa đẹp mắt lại vừa thỏa cơn khát ngày hè và mang đến những dư vị ngọt ngào, tươi mới nhất dành cho bạn cùng những người yêu thương.
6.2. Cọ ỏm
- Sở hữu những đồi cọ lớn, Phú Thọ có một loại đặc sản làm từ cọ là cọ ỏm. Nôm na thì đặc sản Phú Thọ này là những loại quả của cây cọ có lớp vỏ đen bóng, thân quả hơi thuôn như quả nhót, quả cau. Cọ ỏm sẽ được làm sạch sau đó luộc lên, bỏ đi lớp vỏ bên ngoài là ăn được. Phần thịt của thứ đặc sản Phú Thọ này có phần bùi bùi, vị béo và khi chấm thêm với một chút gia vị hay muối vừng thì lại càng thêm thơm ngon, hấp dẫn hơn.
6.3. Bưởi Đoan Hùng
Không hề thua kém những giống bưởi nổi tiếng như bưởi Năm Roi, bưởi Đoan Hùng có vẻ bề ngoài tròn xoe, màu sắc hơi hướng vàng vàng kiểu bưởi ta, phần cùi mỏng và trắng cùng với nhiều múi bên mọng nước bên trong cũng có gam màu trắng ngà. Bưởi Đoan Hùng ngọt, nhiều nước và khi ăn thấy mát, ít khi chua, thường dùng để làm quà biếu tặng hay đặt lên bàn thờ vào những ngày lễ Tết hay rằm. Giá bưởi cũng được phân hóa đa dạng từ rẻ cho đến gần 1 triệu đồng một cân cũng có.
6.4. Thịt chua
- Thịt chua nghe thì có phần hơi “rùng rợn” nhưng khi ăn lại có vị ngon và mùi hương độc đáo, chấm thêm một ít tương ớt nữa để gia tăng vị cay the thì lại càng lôi cuốn gấp bội.
- Thịt chua được làm từ thịt heo, sau khi rửa sạch và nướng sơ qua trên bếp than thì sẽ trộn thêm phần thính gạo vàng để thịt lên men tự nhiên. Thêm một ít bì và mỡ lợn vào nữa để thịt có đủ độ dai, giòn sật và độ béo ngậy thì món ăn sẽ càng tuyệt vời hơn. Người ta cũng ăn thịt chua như cách ăn nem chua hoặc nem thính là ăn với lá sung, lá đinh lăng chấm với tương ớt hoặc mắm chua ngọt.
6.5. Mì Gạo Hùng Lô
- Những sợi mì gạo chắc chắn được chế biến từ gạo và được cắt tách thành những sợi tròn nhỏ như sợi miến, màu trắng hơi ngà và được cuốn lại với nhau.
Mì gạo nhìn có độ cứng và giòn nhưng đến khi ăn chỉ cần ngâm với một ít nước thì sợi mì sẽ dần mềm ra và ăn có độ dai trơn, sần sật cùng hương thơm nồng của gạo phảng phất mãi không thôi.
- Giá cả của một gói mì gạo Hùng Lô cũng khá rẻ nên phù hợp với tất cả mọi du khách có thể mua làm quà.
7. Ở đâu khi đi du lịch Phú Thọ
7.1. Muong Thanh Luxury Phu Tho Hotel ( 5 sao )
- Địa Chỉ: Lô CC17, Quảng Trường Hùng Vương, Phường Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ
- Sđt: +84 210 3616666
- Email: info@phutho.muongthanh.vn
7.2. Cross Vibe Việt Trì ( 3 sao )
- Địa chỉ: Hai Bà Trưng, Xã Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ, Việt Nam
- Sđt: 02102222222
7.3. Khách sạn Hoàng Long
- Địa chỉ: 2454 Hùng Vương Việt Trì, Phú Thọ, VN
- Sđt: 02103952410
7.4. Sojo Hotel Viet Tri
- Có tổng cộng 105 phòng nghỉ. Đây là khách sạn xây dựng theo mô hình “không điểm chạm” đầu tiên tại VN
- Địa chỉ: 938 đường Hùng Vương, Phường Thanh Miếu, Việt Trì, Phú Thọ.
- Sđt: 02103636555
8. Thời gian lý tưởng để đi du lịch Phú Thọ
- Là một tỉnh nằm ở khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ nên thời tiết có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông rõ rệt cho nên bạn có thể đi du lịch đến nơi này vào tất cả các thời điểm nào. Thong rong các mùa đều được cả, nhưng bạn cần biết bạn muốn đến nơi này để làm gì, thì chúng ta sẽ chú ý 1 chút để không bỏ lỡ khoảng thời gian vàng đến nơi này.
- Vào mùa xuân là mùa du lịch tâm linh và đến tháng 3 âm lịch hàng năm, hàng trăm nghìn du khách tới đây hành hương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Và tham gia các điểm tham quan đền chùa các mùa lễ hội có ở Phú Thọ
=> Nhưng đa số, du khách sẽ đổ sô đi du lịch đúng dịp lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch là đông vui nhất vì đó là cội nguồn mà ông cha ta truyền bao đời nay.
- Nếu bạn muốn du lịch sinh thái thì nên chọn từ tháng 4 đến tháng 8, đây là mùa đẹp nhất của Vườn quốc gia Xuân Sơn.
- Còn nếu bạn muốn trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng tắm suối thư giãn thì bạn nên chọn đi dịp cuối năm, lúc này đến khu suối khoáng nóng Thanh Thủy.
9. Những lưu ý khi đi du lịch Phú Thọ
- Nếu bạn có ý định đến Phú Thọ vào những dịp Giỗ tổ, thì bạn phải cân nhắc các điều sau đây:
+ Thời gian để book homestay hoặc hotel hay phòng nghỉ nào đó. Vì đây là thời điểm rất đông khách du lịch đổ xô về để mà dâng hương tham gia lễ hội, chính vì vậy mà các dịch vụ cung cấp phòng nghỉ sẽ rất nhanh hết phòng, tốt nhất bạn nên tìm hiểu các phòng uy tín trước 1 tuần về đường đi có xe không cách di chuyển như thế nào để khi đến nơi, sẽ đỡ bỡ ngỡ và có một chuyến đi tham quan được nhiều nơi hơn.
+ Bên cạnh việc lựa chọn hình thức lưu trú thì bạn cũng nên cân nhắc về trang phục mang theo. Vì là tổ chức tại đền Hùng nên các bạn cần lưu ý một chút về trang phục của mình sao cho phù hợp với địa điểm. Nếu các bạn thích đi tham sinh thái thì các bạn cầng cầm thêm nước hay đồ bảo hộ, nên mặc bộ đồ thoải mái để dễ vận động và di chuyển.
+ Bạn nên để ý kĩ về địa điểm hôm đó bạn đi, nếu bạn muốn đi một đôi giày hoặc dép đế cao thì chúng mình nghĩ nó sẽ không thuận tiện bằng việc mang một đôi giày thể thao hay một đôi dép đế bệt để dễ dàng di chuyển hơn.
- Các bạn cũng nên mang theo kem chống muỗi, kem trị côn trùng để bảo vệ da cho mình cùng những người đi cùng.
- Nếu du khách du lịch Phú Thọ vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương thì nên lưu ý giá cả của các dịch vụ, mặt hàng trước khi sử dụng để khỏi bị chặt chém
- Đem hành lý nhỏ gọn để thuận tiện cho việc di chuyển
- Luôn mang theo các vật trang cá nhân, giấy tờ tùy thân bên mình và đam bảo an toàn.
10. Một số Tour du lịch Phú Thọ tham khảo
- Tour Du Lịch Phú Thọ Sài Gòn – Hà Nội – Đền Hùng – Hát Xoan Làng Cổ - VQG Xuân Sơn 3 Ngày 2 Đêm
- Tour Du Lịch Tây Bắc - Hà Nội – Phú Thọ - Sapa – Đèo Ô Quy Hồ - Điện Biên – Sơn La – Mộc Châu 5N4Đ
- Tour Du Lịch Phú Thọ - Tuyên Quang 3 Ngày 2 Đêm
- Tour Du Lịch Phú Thọ - Sầm Sơn 2 Ngày 1 Đêm
- Tour Du Lịch Tây Bắc Phú Thọ - Sâp - Điện Biên - Sơn La - Mộc Châu 5 Ngày 4 Đêm