Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam - Về Xứ Tây Đô Nhớ Ghé Tham Quan
Từ xa xưa, xứ Tây Đô (Cần Thơ) luôn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Du lịch Tây Đô cũng mang một nét đặc trưng rất riêng của vùng miền sông nước.
Đến với nơi đây, con người ta như được trở về với những điều thanh bình nhất, giản dị nhất. Với những ai muốn tìm tới một chốn tâm linh thanh tịnh, khi về nơi đây hãy nhớ ghé thăm Thiền viện trúc lâm Phương Nam.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 15 km. Kiến trúc Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam có ngôi chánh điện, nhà thờ Tổ được xây dựng theo kiến trúc văn hóa Lý – Trần. Đây là một thiền viện thuộc hàng lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ, tính đến thời điểm năm 2014.
Thiền viện được khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 7 năm 2013 (19 tháng 6 năm Quý Tỵ), trên một diện tích 38.016 m². Sau nhiều tháng thi công, thiền viện đã được khánh thành vào ngày 17 tháng 5 năm 2014 (19 tháng 4 năm Giáp Ngọ).
Chánh điện lợp ngói tám mái theo theo phong cách nhà Trần. Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách nhà Lý. Lầu trống và Gác chuông (đại hồng chung nặng 1,5 tấn) được làm theo kiểu tháp chuông chùa Keo ở tỉnh Thái Bình. Đáng chú ý, phần gỗ trong 4 hạng mục này đều là gỗ lim được nhập từ Nam Phi (tổng cộng khoảng 1.000 khối)
Bên trong chánh điện, ở giữa là tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 3,5 tấn, tạc ở tư thế ngồi và tay cầm cành hoa (niêm hoa vi tiếu); hai bên là tượng Bồ tát Phổ Hiền và Bồ tát Văn Thù. Bên trong Tổ điện là tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm Tam Tổ. Ngoài tượng Phật Thích Ca là được đúc bằng đồng, các tượng thờ khác ở đây đều được bằng tạc bằng gỗ du sam đá vôicó tuổi thọ khoảng 800 năm.
Ngoài ra, trong khuôn viên còn có các hạng mục khác như: Quan Âm điện, Di Lặc điện, chùa Một Cột, Giảng đường, Khách đường, Trai đường, Thư viện, phòng Đông y Nam dược, v.v...
Sau khi dạo một vòng bên ngoài du ngoạn cảnh vật, thiên nhiên, vào bên trong chính điện du khách sẽ rất ấn tượng với vẻ tĩnh lặng mà đầy uy nghiêm ở đây. Sàn lót gạch màu đỏ, tất cả 44 cột gỗ đều được đặt trang trọng trên những tấm tán bằng đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen cách điệu.
Thiền viện theo phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên xâm lược. Khi đất nước thái bình, vua đã nhường ngôi lại cho con trai và một mình đến núi Yên Tử tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, tạo nên một sự thống nhất tư tưởng và đoàn kết của nhân dân.
Với những ý nghĩa tâm linh và nét đặc sắc đó, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được xem là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo nhất của xứ Tây Đô. Trên mảnh đất của thành phố Cần Thơ, vốn là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thiền viện chính là nơi mang giá trị văn hóa tâm linh vô cùng ý nghĩa.
Du khách có thể đến với Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam để cầu an và thưởng ngoạn. Với sự tinh tế trong từng góc nhỏ, các giá trị tâm linh, các giá trị văn hóa của thiền viện chắc chắn sẽ khiến du khách cảm nhận được những an yên trong tâm hồn.