1. Giới Thiệu Khái Quát Về Bảo Tàng Cần Thơ
Bảo tàng TP Cần Thơ là nơi trưng bày, giới thiệu các hiện vật về đất nước và con người Cần Thơ qua từng thời kỳ lịch sử; giới thiệu các thành tựu kinh tế - văn hóa xã hội của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer…trên địa bàn trong quá trình dựng nước - giữ nước cùng những thành tựu kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội ngày càng tươi đẹp của vùng đất Tây Ðô ngày nay.
Tọa lạc tại số 1 Ðại lộ Hoà Bình, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Với diện tích gần 3.000m², Bảo tàng Cần Thơ được xem là bảo tàng tổng hợp có quy mô lớn nhất Ðồng bằng Sông Cửu Long. Bảo tàng trưng bày, giới thiệu các hiện vật về đất nước và con người Cần Thơ qua từng thời kỳ lịch sử, các thành tựu kinh tế - văn hoá xã hội của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trong quá trình dựng nước - giữ nước và phát triển để có hiện tại và tương lai tươi đẹp của vùng đất Tây Ðô ngày nay.
2. Lịch Sử Hình Thành Bào Tàng Cần Thơ
Để đáp ứng yêu cầu bức thiết của công tác giáo dục truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân, từ năm 1975-1977, Ty Thông tin Văn hóa tỉnh Cần Thơ đã thành lập tổ sưu tầm hiện vật, phân công đồng chí Trần Giác phụ trách, cùng với 02 cán bộ chuyên môn. Đến tháng 6/1978, Thông tin Văn hóa quyết định thành lập Phòng Bảo tồn - Bảo tàng do đồng chí Trần Giác làm Trưởng phòng, với 06 cán bộ nhân viên. Cơ quan tạm trú tại số 01 đường Phan Đình Phùng, TP. Cần Thơ (nay là Thư Viện TP. Cần Thơ). Năm 1979, phòng Bảo tồn -Bảo tàng dời về địa điểm mới tại số 06 đường Phan Đình Phùng, TP. Cần Thơ, với đội ngũ cán bộ được tăng cường về số lượng cũng như chất lượng chuyên môn, số lượng hiện vật cũng được sưu tầm nhiều hơn, công tác trưng bày, tuyên truyền ngày càng được cải thiện, thu hút lượng khách tham quan ngày càng đông.
Nhằm tăng quy mô hoạt động Bảo tồn-Bảo tàng, ngày 31/7/1980, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang ra quyết định thành lập Nhà Bảo tàng tỉnh Hậu Giang. Ngày 03/12/1980, Bảo tàng Hậu Giang khánh thành phòng trưng bày lịch sử đấu tranh chống xâm lược của Đảng bộ, quân và dân Hậu Giang. Đến năm 1981 số hiện vật sưu tầm được tăng lến đến 1.157 hiện vật, năm 1986 là 1.500 hiện vật, cán bộ chuyên môn được tăng cường thêm, loại hình hoạt động được mở rộng, công tác giáo dục truyền thống có bước phát triển mới.
Năm 1992 khi tỉnh Hậu Giang được chia tách thành 2 đơn vị là tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, Bảo tàng Hậu Giang đổi tên thành Bảo tàng tỉnh Cần Thơ. Đến năm 1998, Bảo tàng mới được khởi công xây dựng với diện tích 1200 m2, tổng kinh phí đầu tư là 17,8 tỷ đồng.
Ngày 31/8/2001 Lễ khánh thành Bảo tàng Cần Thơ long trọng tổ chức, đông đảo đại biểu và khách tham quan đến tham dự.
Diện tích sử dụng trong tòa nhà Bảo tàng là 2.700m2, diện tích trưng bày 1.388m2, một tầng trệt là nơi làm việc và lưu giữ hiện vật, hai tầng lầu là nơi trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Việc tổ chức trưng bày được thiết kế theo 5 gian với 5 mảng chủ đề lớn:
Ngày 01 tháng 01 năm 2004, tỉnh Cần Thơ được chia tách thành 02 đơn vị hành chính là TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Bảo tàng tỉnh Cần Thơ đổi tên cho phù hợp với đơn vị hành chính là Bảo tàng TP. Cần Thơ.
Hiện nay, Bảo tàng TP. Cần Thơ có Ban Giám đốc và 04 phòng trực thuộc:
Ban giám đốc;
Phòng Hành chính-Quản trị;
Phòng Nghiên cứu-Sưu tầm;
Phòng Kiểm kê-Bảo quản;
Phòng Trưng bày-Giáo dục;
Thời gian qua Bảo tàng thành phố Cần Thơ nhận được Huân chương lao động hạng Ba theo Quyết định số 78/QĐ.CTN ngày 17/01/2005 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiều Bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ và Ủy ban Nhân dân TP. Cần Thơ. Từ năm 2007 đến nay, Bảo tàng TP. Cần Thơ được xếp loại là Bảo tàng loại 2 theo Quyết định số 1835/QĐ-UBND, ngày 8 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân TP. Cần Thơ, xứng tầm là Bảo tàng trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (bổ sung thêm thành tích).
3. Thời Gian Mở Cửa Phục Vụ Bảo Tàng Cần Thơ
Thứ ba, thứ tư, thứ năm.
Sáng: 8 giờ – 11 giờ.
Chiều: 14 giờ – 17 giờ.
Thứ bảy và Chủ nhật – ngày lễ, Tết:
Sáng: 8 giờ – 11 giờ.
Chiều: 18 giờ 30 – 21 giờ.
4. Không Gian Tham Quan Bên Trong Của Bảo Tàng Cần Thơ
Bảo tàng gồm 2 tầng lầu. Tầng trệt được trưng bày khái quát về đặc điểm tự nhiên – xã hội, Thơ xưa và nay, giới thiệu vị trí địa lý, đất đai, khí hậu sông ngòi, động thực vật, cảnh quan, văn hóa óc eo, văn hóa 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, triển lảm ảnh chụp Cần Thơ xưa và nay. Tầng 2 được trưng bày về lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân Cần Thơ – Hậu Giang trong kháng chiến chống Mỹ và Pháp cũng như những vũ khí, chiến tích chiến tranh Việt Nam.
Bảo tàng là nơi lưu giữ, trưng về những hiện vật đặc trưng về đất đại, động – thực vật, kinh tế xã hội của thành phố Cần Thơ xưa, các loại bản đồ hành chính, sông ngòi, khoáng sản và cả bàn đồ quân sự chiến tranh. Năm 2006, một cán bộ hưu trí ở thành phố Hồ Chí Minh trưng bày hàng trăm cổ vật gia bảo của mình tại Bảo tàng Cần Thơ. Trong số đó có rất nhiều hiện vật lạ mắt như các loài bướm, côn trùng, hoa cỏ được ép trong các vật dùng bằng hổ phách trong suốt, vàng óng; có 8 bức tượng Phật màu đen cánh gián. Tượng cao hơn gang tay với các tư thế ngồi đứng khác nhau, được tạc bằng hổ phách hoá đá, khi có ánh sáng chiếu vào sẽ đổi sang màu xanh ngọc bích.
Bảo tàng TP Cần Thơ là một trong những địa chỉ quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa Óc Eo với nhiều tư liệu, hiện vật quý được lưu trữ, trưng bày trong nhiều năm. Văn hóa Óc Eo là nền văn hóa cổ tồn tại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ VII sau công nguyên. Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện hàng trăm địa điểm thuộc nền văn hóa Óc Eo phân bố khắp khu vực Nam bộ. Trong đó có Di chỉ khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Năm 1990 Bảo tàng kết hợp với các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm một số hiện vật của người dân lúc đào mương làm vườn thu lượm được, đồng thời đào thám sát, thăm dò khảo cổ học ở một số địa điểm đã phát hiện có hiện vật thuộc Văn hóa Óc Eo. Nhờ đó gần 2.000 hiện vật có giá trị khoa học về lịch sử, văn hóa… được khai quật, lưu giữ tại Bảo tàng. Số lượng hiện vật tuy không nhiều nhưng rất phong phú về loại hình cũng như chất liệu và kỹ thuật chế tác. Cư dân Óc eo tôn thờ tín ngưỡng Phật giáo và Bà la môn giáo, đây cũng là tín ngưỡng phổ biến của cư dân nền nông nghiệp trồng lúa nước.
Tay tượng phật bằng gỗ, tượng đá. Một trong hai tôn giáo được cư dân Óc eo tôn thờ.
Những trưng bày hiện vật của nền văn hóa Óc eo tại Cần Thơ đã được giới khảo cổ công nhận, quan tâm nhiệt tình, nhiều đề tài nghiên cứu đã thực hiện để nghiên cứu về không gian văn hóa.
Trong khu vực trưng bày về đời sống văn hóa, sinh hoạt cũng như tính ngưỡng của ba dân tộc sinh sống nhiều tại Cần Thơ, những hiện vật được trưng bài khá đa dạng. Khu vực trưng bày hiện vật của người kinh xưa nổi bật là đình Bình Thủy thờ bổn cảnh Thành Hoàng, phong tục lể cưới, trang phục, mô hình nhà 3 gian, đờn ca tài tử các dụng cụ nông nghiệp, tiền thời xưa… vô cùng phong phú.
Mô hình đình Bình Thủy được xây dựng chi tiết không khác gì đình thật. Lễ cưới của người dân Nam Bộ. Các dụng cụ sinh hoạt và nông nghiệp của người dân. Nhà 3 gian và đờn ca tài tử.
Khu vực trưng bày văn hóa người Hoa gồm có các vật dụng trong sinh hoạt, các nhạc cụ và trang phục truyền thống, nhà thuốc, mô hình nhà quan xưa…
Vật dụng sinh hoạt phổ biến của người Hoa. Nhạc cụ truyền thống của người Hoa. Các loại hình trang phục truyền thống của người Hoa.
Không gian trưng bày hiện vật của người khmer khá phong phú, từ nhạc cụ dân tộc, trò chơi truyền thống, gia đình, tín ngưỡng…được tái hiện sinh động ở những mô hình trưng bày. Hơn nữa, khu vực này còn được bật nhạc với điệu nhạc đặc trưng của người dân khmer.
Đờn sắt, vòng cồng.Trống, cồng sắt.Giã gạo.Mô hình ghe Ngo trong lễ hội đua ghe ngo truyền thống hàng năm của người Khmer.Dụng cụ sinh hoạt phổ biến của người dân.
Ngoài những hiện vật trên, bảo tàng thành phố Cần Thơ hàng năm luôn mở các chuyên đề triển lãm tranh, ảnh, sách quý viết về Cần Thơ – Văn hóa – Con người – Tự nhiên, đón các đợt tham quan từ các trường, các nhà khảo cổ, tìm hiểu tư liệu, người dân đến tham quan. Còn nữa…
5. Nội Quy Tham Quan Của Bảo Tàng Cần Thơ
Khách đến tham quan trang phục phải lịch sự (không mặc quần đùi, áo lá), gửi xe đúng nơi quy định, tuân thủ nội quy và sự hướng dẫn của nhân viên Bảo tàng.
Không làm hư hại cây cỏ, hoa kiểng trong khuôn viên Bảo tàng.
Không mang vũ khí, chất dễ gây cháy nổ, chất độc hại, gia súc, đồ vật cồng kềnh, mất vệ sinh khi vào tham quan.
Giữ trật tự và vệ sinh chung. Không hút thuốc, xả rác, đùa nghịch, tì tay lên kiếng, làm hư hại hiện vật trong các gian trưng bày.
Không tự ý chụp ảnh, quay phim các phần trưng bày trong Bảo tàng.
Ai cố tình vi phạm các điều trên, sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Các đoàn khách tham quan có yêu cầu hướng dẫn, cần liên hệ trước theo địa chỉ: Số 6, đường Phan Đình Phùng, TP. Cần Thơ.