Chùa Nam Nhã Cần Thơ - Ngôi Chùa Cổ Hơn 100 Tuổi

Thứ bảy, 18/02/2023, 16:59 GMT+7

Chùa Nam Nhã Cần Thơ - Ngôi Chùa Cổ Hơn 100 Tuổi

Chùa Nam Nhã nổi tiếng trong vùng không chỉ bởi vẻ đẹp của kiến trúc thanh nhã, khung cảnh tĩnh mịch giúp thân tâm an lạc, mà còn bởi quá khứ có những hoạt động thúc đẩy nâng cao nhận thức và dân trí cho người dân Nam Bộ, trở thành điểm tham quan ý nghĩa của du lịch Cần Thơ. Không nổi tiếng hay ồn ào, nhưng chùa Nam Nhã vẫn luôn có những vị khách vãng lai đến thường xuyên, trầm trồ trước ngôi chùa vững chãi hơn 100 năm dù trải qua nhiều biến cố lịch sử và sự tàn phá của thời gian.

Tọa lạc số 612 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Từ chùa nhìn qua sông là Đình Bình Thủy, thuận tiện cho bạn kết hợp tham quan.

Lịch Sử Chùa Nam Nhã Cần Thơ

Năm 1890, Nguyễn Giác Nguyên (học trò của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa) đã cho lập một tiệm thuốc Bắc lấy tên là Nam Nhã Đường tại vàm sông Bình Thủy, và đối diện với đình Bình Thủy (tức vị trí hiện nay). Theo lời kể, thì đây không chỉ là nơi mua bán thuốc; mà còn là nơi liên lạc và tập hợp những người yêu nước, để gầy dựng phong trào chống Pháp

Đến năm 1895, nhân đạo Minh Sư có nguồn gốc từ Trung Quốc lan truyền đến miền Nam Việt Nam, ông Nguyên bèn cho tháo bỏ tiệm thuốc Bắc và xây dựng lên trên nền đất ấy một ngôi chùa, cũng được gọi là Nam Nhã Phật Đường hay chùa Minh Sư.

Trong những năm cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, chùa Nam Nhã là căn cứ hoạt động cách mạng của các sĩ phu yêu nước như: Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Hào Vĩnh, Nguyễn Giác Nguyên... Năm 1905, hưởng ứng phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng, chùa đã tự tổ chức ra nhiều cơ sở kinh tài, lấy tiền nuôi học sinh du học. Bên cạnh đó, tại đây nhiều cuộc bình thơ, họa thơ cũng đã được tổ chức. Văn phẩm Đạo Nam kinh do chùa Nam Nhã phổ biến, thời kỳ này bị nhà cầm quyền Pháp liệt vào loại sách cấm. Vì nội dung sách ấy đã đề cao vai trò học vấn, tiến bộ khoa học kỹ thuật...; đồng thời chống lại sự ngu muội, mê tín...

Theo tài liệu, thì Phan Bội Châu và Cường Để cũng đã từng đây để bàn bạc và cổ xúy cho phong trào. Sau đó, Đặc ủy Hậu Giang và Xứ ủy Nam Kỳ cũng đã chọn nơi đây làm địa điểm liên lạc với các tổ chức cách mạng trong toàn miền.

Vinh danh chùa Nam Nhã, Bia công nhận di tích dựng tại sân chùa ghi:

Chùa Nam Nhã được xây dựng năm 1895. Từ năm 1905 chịu ảnh hưởng của phong trào Đông Du, truyền thống yêu nước của các vị lão sư và các Phật tử được khởi động.

Chùa trở thành trụ sở kinh tài, ủng hộ học sinh xuất dương du học chống lại chánh sách ngu dân của thực dân Pháp, truyền bá văn thơ yêu nước. Trong những năm khó khăn gian khổ của cách mạng, Đặc ủy Hậu Giang, Xứ ủy Nam Kỳ đã chọn nơi đây làm địa điểm liên lạc với các tổ chức cách mạng trong toàn miền.

Ngày 25 tháng 1 năm 1991, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận chùa Nam Nhã là Di tích Lịch sử Cách mạng.

Kiến Trúc Chùa Nam Nhã Cần Thơ

Chùa tọa lạc trong khuôn viên rộng rãi, được bao quanh bởi một khu vườn lớn, trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy. Trong vườn trồng nhiều cây tùng, cây trắc bá diệp và các cây cổ thụ khác. Đan xen dưới những gốc cây này là những cây kiểng quý, nhiều tuổi, được uốn tỉa công phu.

Cổng chùa Nam Nhã bằng gạch lợp ngói. Hai bên cột có câu liễn đối, mang ý nghĩa là chào đón người thiện tâm tu đạo nhưng sâu xa là mời gọi những người cùng chung chí hướng yêu nước. Sân chùa lát gạch tàu, giữa sân là hòn non bộ cao trên 2m được đặt trong bồn nước xây bằng gạch.

Chánh điện chùa là ngôi nhà gạch kiên cố, gồm 5 gian, mái lợp ngói âm dương, trên có tượng lưỡng long tranh châu. Đặc biệt, mặt tiền chánh điện được xây theo kiểu kiến trúc Á-Âu kết hợp hồi đầu thế kỷ 20, có nhiều nét khác với kiểu chùa truyền thống ở Nam Bộ lúc bấy giờ.

Bên trong chánh điện chùa Nam Nhã, gian trung tâm được bày trí rất trang trọng là nơi đặt bàn thờ tam giáo thể hiện triết lý tam giáo đồng nguyên: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo mang ý nghĩa dù là đạo giáo nào cũng đều dạy con người sống tốt đạo đẹp đời hướng đến chân thiện mỹ.

Sau chánh điện là một hành lang dài, có 2 căn phòng tiếp khách. Bên phải và bên trái chùa là 2 dãy nhà lợp ngói là Càn Đạo Đường (dãy nhà Đông Lang) dùng cho nam giới và Khôn Đạo Đường (dãy nhà Tây Lang) dùng cho nữ giới, nối thông với nhà bếp. Phía sau chùa là vườn cây ăn trái sum xuê...

Chùa Nam Nhã chủ trương ăn chay niệm Phật, trang phục giản dị nhưng không cạo đầu vì theo ý chí của nhà chùa từ ngày xưa sống bình dị và tu tâm, hướng đức. Hàng năm, chùa có các kỳ lễ hội lớn như: cúng rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười và kỷ niệm ngày Phật Đản (Đản sanh). Các lễ hội thực hiện theo nghi thức truyền thống tôn giáo, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tham Quan Chùa Nam Nhã Cần Thơ

Những ngày bình thường, cổng chính và chánh điện chùa không mở cửa đón khách, nhưng bên trong hậu viên thì vẫn có người trông coi, chăm sóc, quét dọn sạch sẽ. Những cây cảnh có dáng khá đẹp được cắt tỉa cẩn thận. Vì chánh điện ít mở cửa vào ngày thường, nên khách du lịch đến thường đi tham quan phía trước khuôn viên chùa, khu vực các cây cổ thụ lớn và nhanh chóng rời đi.

Đế đến Chùa khá đơn giản, từ chân cầu Bình Thủy, rẽ phải chạy khoảng 100m là tới. Bạn có thể dẫn xe máy vào chùa bởi xung quanh không có nơi giữ xe. Theo một số người hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đến đây tham quan nói rằng, nhà chùa không chủ trương cạo đầu mà chỉ hướng mọi người sống giản dị và ăn chay niệm Phật.

Có kiến trúc đẹp và độc đáo, chùa Nam Nhã yên bình trên góc sông Bình Thủy là địa điểm du lịch tâm linh bạn không nên bỏ qua khi đến du lịch Cần Thơ.

Ý kiến bạn đọc