Cầu Cần Thơ Là Cây Cầu Dây Văng Có Nhịp Chính Dài Nhất Khu Vực Đông Nam Á
Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành (2010), đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á (chiều dài nhịp chính là 550m), được xây dựng bằng nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư. Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85km (bao gồm: phần đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 5,41km; phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75km; phần đường dẫn vào cầu phía Cần Thơ dài 7,69km). Quy mô mặt cắt ngang cầu có chiều rộng 23,1m (bao gồm: bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề rộng 2,75m). Độ tĩnh không thông thuyền cao là 39m (với chiều rộng tĩnh không thông thuyền ngang tương ứng là 200m) đảm bảo cho tàu có trọng tải 10.000DWT lưu thông qua lại.
Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng ngày 25 tháng 9 năm 2004. Ban đầu, công trình được dự kiến hoàn thành vào ngày 14 tháng 12 năm 2008, tuy nhiên sau sự kiện Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26 tháng 9 năm 2007, công trình phải dừng thi công để điều tra tai nạn. Vì vậy tiến độ hoàn thành bị chậm trễ hơn 1 năm. Cuối cùng, cầu cũng được khánh thành vào lúc 09h00 sáng ngày 24 tháng 4 năm 2010.
Với vai trò của một thành phố trung tâm, động lực phát triển toàn vùng, vai trò của một cực phát triển thuộc vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và là thành phố loại I trực thuộc Trung ương, thành phố Cần Thơ với xuất phát điểm khá thấp, sẽ cần phải phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong tương lai. Trong đó, đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng được xem là lĩnh vực cơ bản, then chốt, mang tính quyết định đến sự phát triển chung của thành phố. Do đó, trước mắt việc cầu Cần Thơ đưa vào khai thác sẽ là một động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của Cần Thơ nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.
Về lợi ích giao thông vận tải, rõ ràng sau khi cầu Cần Thơ đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, đi lại giữa thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, đồng thời không còn cảnh bị kẹt xe hàng giờ ở bến phà vào lúc cao điểm, lễ, tết, từ đó đã tiết kiệm được đáng kể thời gian. Về lợi ích kinh tế, khi có cầu Cần Thơ thời gian vận chuyển hàng hóa nông, thủy sản từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL lên thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận sẽ nhanh hơn, tươi sống hơn và giá rẻ hơn, xuất khẩu được nhiều hơn, đồng thời chi phí vận chuyển giảm sẽ kéo theo giá thành sản phẩm giảm và tăng khả năng cạnh tranh.
Hiện nay, các tuyến quốc lộ đi qua địa phận thành phố Cần Thơ (kết nối với cầu Cần Thơ đi các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau) gồm: Quốc lộ 1 đi Cà Mau; Quốc lộ 91 đi An Giang; tuyến Quốc lộ 91B - đường Nam Sông Hậu đi Sóc Trăng, Bạc Liêu; đường nối thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang - TP. Cần Thơ đã và đang triển khai đầu tư xây dựng. Sau khi xây dựng hoàn thành các công trình nói trên sẽ phát huy hơn nữa khả năng khai thác cầu Cần Thơ góp phần là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, tạo thành hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn gồm các trục ngang kết nối với các trục dọc Quốc gia và các tuyến giao thông liên vùng, đáp ứng yêu cầu giao lưu, phát triển kinh tế xã hội giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Cầu Cần Thơ không chỉ đẩy mạnh hoạt động trao đổi buôn bán cũng như vận chuyển hàng hóa giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long mà còn góp phần vào phát triển kinh tế vùng miền, cải thiện đời sống, hỗ trợ nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân. Cây cầu này cũng góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Cần Thơ năng động, hiện đại, ngày càng đổi mới. Đặc biệt hơn, hệ thống đèn chiếu sáng rực rỡ về đêm cùng thiết kế uyển chuyển cũng giúp cho cầu Cần Thơ ghi danh mình vào danh sách những cây cầu đẹp nhất Việt Nam.