Những món ngon không thể bỏ qua khi đi du lịch Hà Tĩnh
1. Hải sản Hà Tĩnh
Với ngư trường chính ở vùng rộng, ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu đánh bắt trong ngày nên hải sản đều rất tươi ngon. Hải sản sau khi được mang lên bờ, những loài còn sống như: cua, ghẹ, tôm, tôm tít… sẽ được các nhà hàng thả vào bể nước, còn những loài khác sẽ chuyển cấp đông và chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn.
Một trong những đặc sản của Hà Tĩnh, chính là mực nhảy Vũng Áng. Mực nhảy được ngư dân dân đánh bắt từ biển rất tươi ngon và được nuôi trong những lồng nước ngọt, du khách có thể chọn và mua, sau đó nhờ chế biến ngay tại sạp với thực đơn đa dạng và phong phú.
2. Gỏi cá đục
Cá đục dài khoảng 13-18cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.
Gỏi cá đục chế biến khá công phu và phải làm đúng cách ăn mới ngon. Cá đục còn tươi, tách đôi, bỏ xương ngâm với chanh vắt chừng 15 phút. Sau đó vớt ra, vắt khô, để ráo. Mu dừa nạo nhỏ, trộn đều với cá. Lạc rang đâm mịn trộn với nước cá, nước dừa dùng làm nước lèo. Một gia vị nữa không thể thiếu là ớt tươi và tỏi. Ớt và tỏi giã nhỏ, trộn vào nước lèo, vừa ăn vừa xuýt xoa mới tuyệt!
Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non.., cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng, khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nước lèo. Khi ăn gỏi cá đục, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.
3. Bánh mướt cuốn ram
Bánh mướt cuốn ram (bánh cuốn nem rán) là món ăn sáng dân dã, đặc trưng của người dân Hà Tĩnh. Bánh mướt được làm từ gạo tẻ ngâm trong nước nhiều giờ sau đó đem nghiền thành bột rồi tráng mỏng bằng tay. Nguyên liệu làm món ram cầu kỳ hơn, gồm thịt, miến, mộc nhĩ, hạt tiêu, hành… cuộn chặt trong lá bánh mỏng rồi rán giòn. Ram nóng quấn trong lá bánh mướt mỏng tang ăn kèm với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt mang đến hương vị khó cưỡng.
4. Bánh bèo Hà Tĩnh
Khác với bánh bèo của Huế, bánh bèo Hà Tĩnh được làm từ bột lọc (bột sắn), nhân bánh làm từ tôm non bóc vỏ hoặc thịt nạc trộn với mộc nhĩ được xào lên. Bánh bèo Hà Tĩnh thưởng thức theo hai cách: bánh bèo chan nước mắn pha, rắc thêm hành khô và bánh bèo nước từ nước xương hầm được chan sin sít vào với bánh. Chính nguyên liệu và cách thưởng thức đã tạo nên hương vị riêng cho món bánh bèo Hà Tĩnh. Đây là món quà ăn vặt được nhiều người ưu thích đặc biệt là giới trẻ.
5. Cháo canh Hà Tĩnh
Cháo canh có mặt ở nhiều nơi, nhưng ở Hà Tĩnh lại có vị riêng biệt. Sợi cháo canh làm bằng bột mì nên có độ dẻo và dai. Sau khi nhào bột, sợi được xắt ra dài chừng 2/3 thân đũa ăn cơm, sợi bánh có màu trắng đục. Nước dùng của cháo canh vừa có vị ngọt của xương hầm, vị thơm của hành tím, vị béo của tôm, vài lát giò lụa, thêm nhúm hành lá, ngò tàu, vài lát ớt thôi, bạn đã thấy món ăn hấp dẫn vô cùng.
6. Hến sông La
Như một món quà được thiên nhiên ban tặng cho dòng sông La hiền hòa, người dân các xã ven sông từ xưa đến nay vẫn gìn giữ nghề cào hến. Những con hến bé li ti qua nhiều công đoạn chế biến khá tỉ mỉ có thể chế biến ra nhiều món ăn lạ miệng nhưng không kém phần hấp dẫn như hến xào, canh hến, lẩu hến, cháo hến, đặc biệt nước hến có vị ngọt đậm đà… tạo nên một hương vị đặc trưng, ngon đến lạ lùng. Dù đi xa, câu hát rao “Hến ngọt, rọt nậy, đong đầy, bán rẻ ai mua” vẫn níu bước chân người xa quê tha thiết tìm về.
7. Dê núi Hương Sơn
Hầu như khách bình dân hay thượng lưu đến huyện Hương Sơn đều thích thưởng thức món đặc sản thịt dê núi. Đặc biệt, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn nổi tiếng với nghề nuôi dê truyền thống từ bao đời nay.
Với lợi thế địa hình nhiều đồi núi cùng hang động, khe suối… dê ở Sơn Tiến được người dân thả nuôi tự nhiên hoặc nuôi nhốt. Nếu nuôi dê trong chuồng, chủ nuôi vẫn thường xuyên vào rừng chặt đủ thứ lá cây dê ưa thích mang về để vỗ béo cho dê.
8. Bún bò Đò Trai
Đây là món được người dân địa phương khuyên là món ăn bạn nhất định phải thử mỗi khi có cơ hội ghé qua vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Có cách ăn khá giống với món bún chả nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, bún bò Đò Trai không để bún sẵn vào bát nước dùng mà cho ra đĩa riêng. Sợi bún Đò Trai to, tròn, có màu hơi nâu như hoa cau, bởi được làm theo cách thủ công hoàn toàn bằng tay từ một loại gạo quê vẫn thường được người dân nơi đây sử dụng để nấu rượu. Thịt bò được sử dụng để làm ra món bún cũng phải từ chính những con bò được chăn thả ven đê nơi vùng quê Đức Thọ.
Bún được ăn kèm cùng các loại rau thơm, xà lách và bánh đa (còn gọi là bánh tráng). Các gia vị cần thiết khác như chanh, ớt, dấm tỏi và sa tế giúp cho món ăn trở nên hoàn hảo