Mua gì về làm quà tặng khi đi du lịch Hà Tĩnh

Thứ năm, 14/09/2023, 11:00 GMT+7

Mua gì về làm quà tặng khi đi du lịch Hà Tĩnh

1. Kẹo cu đơ

Trước kia ở làng Thịnh Xá bên kia sông Ngàn Phố có nhà ông Cu Hai chuyên nấu kẹo lạc. Những đứa trẻ trong làng thường hay rủ nhau đến để xin vét nồi bằng ám hiệu “Cu Hai”. Đi miết, sợ cha mẹ biết mà mắng mỏ nên mỗi lần rủ rê nhau, những đứa trẻ ấy đã gọi chệch đi là “Cu đơ” (từ phiên âm của số 2 trong tiếng Pháp). Lâu dần, cách gọi của trẻ con cũng lan sang cả người lớn. Và, loại kẹo độc đáo ấy cũng được mặc định một tên gọi mới là Cu đơ. Kẹo cu đơ ban đầu chỉ được nấu ở làng Mân Xá hai bên sông Ngàn Phố, về sau có một người thiếu sinh quân từ thị xã Hà Tĩnh lên trọ học ở đây đã học nghề và đem về phổ biến ở phố thị. Đây là một loại kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm đậu phộng làm nhân, rồi đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại với nhau để nguội.

2. Bánh đa vừng

Bánh đa Hà Tĩnh dày, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen. Bánh được làm hoàn toàn bằng gạo non, là thứ gạo mới, không dùng loại gạo các mùa trước vì sẽ làm mất đi vị thơm, béo của bánh.

3. Bánh gai làng Khóng

Những chiếc bánh gai đen bóng mang hương vị ngọt thơm của mật mía, cái dẻo dính của nếp, quyện vị béo của đậu xanh, cùi dừa từ lâu đã là một sản vật nức tiếng của vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nghề làm bánh gai ở làng Khóng có truyền thống khoảng hơn 50 năm nay. Mọi nguyên liệu làm bánh đều được người dân sản xuất ngay tại địa phương. Đây là thứ bánh ăn nguội, thường được người dân dùng vào các dịp ăn hỏi, làm quà biếu.

4. Bánh đa kê Nghi Xuân

Bánh đa kê tuy chỉ là một thức quà quê dân dã, đơn giản nhưng chứa đựng cả một nét văn hóa và gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên ở huyện cực Bắc tỉnh Hà Tĩnh. Nguyên liệu làm bánh đa kê rất đơn giản, bao gồm hạt kê đã xát vỏ, đậu xanh, bánh đa và các gia vị cần thiết như muối, mì chính, tinh bột nghệ. Đầu tiên người làm hàng phải ngâm kê trong khoảng 2 tiếng rồi vò và đãi sạn cho thật sạch, để ráo. Nồi nước nấu kê được bỏ thêm chút muối, mì chính và tinh bột nghệ để bánh có màu vàng tươi đẹp mắt. Sau khi đun sôi hỗn hợp thì cho kê vào lấy đũa đánh thật đều tay cho đến khi kê đặc mới được thả đũa ra.

5. Ruốc rươi Nghi Xuân

Với người dân ven sông Lam, ruốc rươi từ lâu là món ăn không thể thiếu với từng gia đình mỗi độ tết đến. Trước đây, người dân muối rươi chỉ để phục vụ gia đình, biếu người thân, nhưng những năm gần đây đã trở thành món hàng đặc sản, mang về nguồn thu lớn mỗi dịp tết.

6. Cam bù Hương Sơn

Cam bù thường bắt đầu ra hoa vào mùa xuân và chín vào dịp Tết Nguyên Đán. Cam có quả hình cầu, vỏ dày và mọng nước, lúc chín vỏ màu da cam rất đẹp. Mùi của cam rất thơm và hấp dẫn với mùi đặc trưng của vỏ cam. Trọng lượng trung bình mỗi quả từ 250 ÷ 300g, có quả đạt hơn 1,2 kg. Cam bù được trồng ở hầu hết các xã của huyện Hương Sơn nhưng trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phúc, Sơn Phú, Sơn Hàm, Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Thọ (huyện Vũ Quang).

7. Bưởi Phúc Trạch

Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của huyện miền núi Hương Khê, nổi tiếng bưởi có hình dáng cầu tròn, nhỏ chứ không to, khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, mùi thơm nhẹ tự nhiên. Múi bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trông rất đẹp mắt, rất thích hợp cho du khách mua về làm quà.

8. Cam Khe Mây

Cam Khe Mây đã khẳng định được thương hiệu bởi vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, tép mọng nước. Cam đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân vùng Khe Mây (Hương Khê)

9. Nấm tràm Kỳ Anh

Sau mỗi cơn mưa, người dân các xã vùng cao của Kỳ Anh lại tích cực tìm về những rừng tràm để hái nấm. Nấm tràm có màu nâu tím, ăn ban đầu có vị nhẫn đắng nhưng sau đó sẽ ngọt hậu, bùi béo và rất thơm. Nấm tràm mọc nhiều từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch nên nếu có dịp đi qua Kỳ Anh vào thời gian này, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội mua chút ít về làm quà nhé.
Ý kiến bạn đọc