Khu di tích Trần Phú - Nơi an nghỉ của cố Tổng Bí thư Trần Phú

Thứ tư, 13/09/2023, 09:55 GMT+7

Khu di tích Trần Phú - Nơi an nghỉ của cố Tổng Bí thư Trần Phú

Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú được công nhận là khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngày 11/6/1992, nhưng tại đây, các hoạt động về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích đã có từ năm 1977. Ban đầu di tích là một tổ thuộc bảo tàng Nghệ Tĩnh, sau khi Nghệ Tĩnh bị tách ra thì di tích lại do bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh quản lý. Đến ngày 14/6/2002, ban quản lý di tích Trần Phú được thành lập. Kể từ đó đến nay, khu di tích chịu sự quản lý trực tiếp của ban quản lý di tích.

Quần thể khu di tích được chia làm 3 phần bao gồm: nhà thờ, nhà trưng bày và khu mộ.
Nhà thờ tiểu chi họ Trần (chi thứ 2) nguyên là ngôi nhà dân dụng cụ Trần Viết Tân - cố nội đồng chí Trần Phú- xây dựng năm 1862. Sau khi ông Tân qua đời, ngôi nhà được ông Trần Viết Tiến kế tự. Khi ông Tiến mất, ngôi nhà được ông Trần Văn Phổ- thân sinh đồng chí Trần Phú thừa hưởng. Đầu năm 1901 khi ông Phổ mang theo cả gia đình vào huyện Tuy An, tỉnh Phú yên dạy học thì ngôi nhà này được ông Đồ Câu- chú ruột Trần Phú- sử dụng. Cho đến khoảng đầu năm 1930 khi ông Đồ Câu mua được ngôi nhà 3 gian đặt cạnh đây thì ngôi nhà này được ông hiến tặng cho dòng họ và từ đó tới nay trở thành nhà thờ tiểu chi họ Trần. Chính ngôi nhà này trong thời gian đồng chí Trần Phú học tại trường Quốc Học Huế (1918- 1922) và thời gian đồng chí dạy học ở trường Cao Xuân Dục thành Vinh (1922- 1925) đồng chí thường về thăm nhà vào những dịp nghỉ hè, nghỉ tết. Vì vậy ngôi nhà được gìn giữ và tu bổ làm di tích lưu niệm Trần Phú, nơi thờ tự vong linh đồng chí Trần Phú và vong linh tổ tiên họ Trần.

Nhà thờ vốn nguyên gốc có kiến trúc theo lối tứ trụ, 3 gian không lồi, tường xây bằng đá ong xung quanh nền được ghép bằng đá hộc, mái lợp ngói cẩm trang. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1862 nhưng do ảnh hưởng của trận lũ lụt năm 1945 và cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ bằng không quân lần thứ nhất (1964) ngôi nhà có một số thay đổi nhưng nhìn chung vẫn giữ được kiến trúc như ban đầu. Năm 1962, ngôi nhà được ty văn hoá Hà Tĩnh tu bổ đồng thời mua thêm một ngôi nhà lim 5 gian làm nhà trưng bày bổ sung những hiện vật, tài liệu về thân thế và sự nghiệp đồng chí Trần Phú để phục vụ khách tham quan và nghiên cứu. Năm 1998, khu di tích lưu niệm Trần Phú được mở rộng, xây dựng mới nhà trưng bày.
Nhà trưng bày với hơn 200 hiện vật, những kỉ vật về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú. Chúng ta có thể nhìn thấy phả hệ tiểu chi họ Trần từ đời thứ 15 đến đời thứ 18 trưng bày tại đây. Thân phụ của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ- quê ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và thân mẫu là bà Hoàng Thị Cát, quê ở Xã Dương Châu, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tuy vậy, đồng chí Trần Phú lại được sinh ra tại phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên - nơi thân sinh ông làm giáo thụ vào năm 1904.
Trần Phú hy sinh để lại tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, chí khí kiên cường, tinh thần học tập sáng tạo, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

Núi Quần Hội thuộc thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, là nơi an táng đồng chí Trần Phú cùng thân phụ, thân mẫu, em trai Trần Ngọc Danh của đồng chí Trần Phú. Cách đây gần 80 năm, vào hồi 8h sáng ngày 6/9/1931 đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán dưới đòn roi tra tấn của kẻ thù. Thực dân Pháp đã chôn cất thi hài của ông ở khu công giáo nghĩa trang Đô Thành nay là công viên Lê Thị Riêng ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Gần 70 năm xa cách sau khi tìm thấy hài cốt đồng chí Trần Phú, tại Dinh Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, sáng 12/1/1999 Đảng và Nhà Nước đã tổ chức long trọng lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí từ Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương. Chiều ngày 12/1/1999 hài cốt đồng chí Trần Phú được đưa về tới Vinh bằng máy bay, và đưa về quê hương, chính là trên ngọn núi này để an táng.
Ý kiến bạn đọc