Cẩm nang du lịch Hà Tĩnh tất tần tật từ A đến Z

Thứ năm, 14/09/2023, 11:56 GMT+7

Cẩm nang du lịch Hà Tĩnh tất tần tật từ A đến Z

1. Tổng quan du lịch Hà Tĩnh

Hà Tĩnh, một vùng đất trên dải miền Trung đầy mộng mơ, luôn khiến người ta trầm trồ, thích thú bởi những bãi cát dài trắng xóa, bờ biển chạy dài xanh mượt, những làng nghề truyền thống nơi những người dân chài hằng ngày cần mẫn ra khơi kiếm sống. Hà Tĩnh đẹp một vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc, chưa được khai phá, khai thác nhiều.
Hà Tĩnh là vùng “Địa linh nhân kiệt”, thời nào cũng xuất hiện những anh hùng, chí sỹ, danh nhân văn hoá, từ 3 Trạng nguyên thời nhà Trần, 148 vị đại khoa thời nhà Nguyễn đến những tên tuổi nổi danh đất nước như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Tập, Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Phan Chánh, Xuân Diệu, Huy Cận…
1.1. Điều kiện tự nhiên
Hà Tỉnh là một tỉnh ở dải đất miền Trung, nằm trong vùng du lịch Bắc Trung bộ
+ Phía bắc giáp Nghệ An
+ Phía nam giáp Quảng Bình
+ Phía tây giáp Lào
+ Phía đông giáp biển Đông
Biển Hà Tĩnh với chiều dài 137 km bờ, nhiều bãi tắm đẹp nhưng có vẻ như đang đầu tư theo kiểu… mạnh nơi nào nơi đó thắng, thậm chí, Khu du lịch Thiên Cầm được xác định là trọng điểm quốc gia nhưng chưa hoàn thành quy hoạch, vướng mặt bằng. Du lịch văn hóa – tâm linh, dẫu là niềm tự hào nhưng khách đến chủ yếu là để tịnh tâm rồi lại đi nơi khác.

1.2. Khí hậu:
- Khí hậu: Hà Tĩnh được chia ra 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhiệt độ trung bình hàng năm 23-240C. Nguồn ánh sáng dồi dào, hàng năm có từ 1.600-1.700 giờ nắng, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản thực phẩm.
- Thuỷ văn: Hệ thống sông ngòi khá dày đặc, phân bố tương đối đồng đều (bình quân 0,14 km đường sông/1 km2 diện tích tự nhiên) ngoài ra còn có 200 hồ chứa, lượng nước mặt hàng năm khá lớn ≈ 6 tỷ m3.Cùng với hệ thống sông ngòi và hồ đập, Hà Tĩnh có mạng lưới thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, chủ động tưới trên 75% diện tích cây lương thực và góp phần quan trọng điều hoà môi trường sinh thái.

2. Phương tiện di chuyển đến Hà Tĩnh

2.1. Ô tô

Hà Tĩnh cách Hà Nội khoảng gần 400km, nếu sử dụng ô tô các bạn mất khoảng 6-7 tiếng di chuyển là có thể có mặt ở đây. Nếu chỉ cần di chuyển tới trung tâm tỉnh, các bạn cứ bám theo tuyến QL1A, chặng đầu của hành trình là tuyến cao tốc Hà Nội – Ninh Bình với gần 100km.

2.2. Xe máy

Với nhiều nhóm bạn trẻ thích di chuyển bằng xe máy, các bạn chỉ cần bám theo tuyến QL1A. Tùy thuộc vào đích đến các bạn cũng có thể đi bằng tuyến đường mòn Hồ Chí Minh để ngắm cảnh.

2.3. Xe khách

Hà Tĩnh nằm giữa miền Trung nơi có tuyến đường huyết mạch là QL1A đi qua với chiều dài hơn 120km, gần 90km đường Hồ Chí Minh cũng chạy qua tỉnh. Nếu sử dụng các tuyến xe khách giường nằm, xe khách chất lượng cao từ Hà Nội các bạn có thể bắt xe tại Bến xe Nước Ngầm. Các tuyến xe đi Hà Tĩnh tại đây chạy liên tục vào các buổi tối sẽ đưa bạn có mặt ở Hà Tĩnh vào sáng sớm.

2.4. Tàu hỏa

Tổng chiều dài tuyến đường sắt Bắc Nam qua Hà Tĩnh là 70km, toàn tuyến có 8 ga hành khách trong đó ga chính Yên Trung và ga Hương Phố đều cách trung tâm Tp Hà Tĩnh khoảng hơn 40km. Với khoảng cách gần như bằng nhau, nếu bạn nào muốn tiết kiệm chi phí hãy chọn xuống ga Hương Phố, từ đây có tuyến xe buýt để về trung tâm Tp Hà Tĩnh.
Từ ga Hà Nội có các chuyến tàu SE11 đi từ Hà Nội lúc 8h và đến Yên Trung lúc 14h30, SE5 đi từ Hà Nội lúc 9hvà đến Yên Trung lúc 15h30 là các chuyến tàu khá phù hợp nếu lựa chọn để du lịch Hà Tĩnh bằng tàu hỏa.

2.5. Máy bay

Hà Tĩnh hiện tại không có sân bay, nếu từ Sài Gòn muốn đến Hà Tĩnh bằng đường hàng không, các bạn có thể lựa chọn một trong hai sân bay của 2 tỉnh hàng xóm là sân bay Vinh (các trung tâm Hà Tĩnh khoảng 50km) hay sân bay Đồng Hới (cách thị xã Kỳ Anh, giáp ranh Quảng Bình khoảng gần 100km).
Tùy từng chặng sẽ do từng hãng hàng không khai thác, nhưng nói chung cả 3 hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam đều có đường bay Sài Gòn – Vinh với giá rẻ nhất khoảng 4000k cho chặng bay khứ hồi. Nếu bay đến Quảng Bình, các chuyến bay của Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet sẽ đưa các bạn tới Đồng Hới sau khoảng 1h30 phút bay.

3. Phương tiện đi lại ở Hà Tĩnh​​​​​​​

3.1. Xe máy

Có lẽ vì lý do du lịch không mấy phát triển mà việc thuê xe máy ở Hà Tĩnh cũng gần như không có. Nếu ở một nơi xa đến Hà Tĩnh, có lẽ bạn cần có một chút niềm tin để có thể thuê được xe máy tại khách sạn nơi mình lưu trú nếu muốn có xe máy vi vu trong những ngày ở đây.​​​​​​​

3.2. Taxi

Với một số bạn đến Hà Tĩnh bằng phương tiện công cộng và không muốn tự chạy xe trong những ngày ở đây, phương tiện taxi sẽ thuận lợi hơn cả.
Một số hãng taxi ở Hà Tĩnh:
+ Mai Linh: 0239 3 898 989
+ Lam Hồng: 0239 3 777 888
+ Rồng Việt: 0239 3 883 883​​​​​​​

3.3. Xe buýt

Xe buýt là loại hình vận tải công cộng phổ biến ở nhiều địa phương, với một số tỉnh thành xe buýt vừa có giá thành rẻ hơn và có nhiều sự lựa chọn về thời gian hơn so với các tuyến xe khách cố định. Mạng lưới xe buýt ở Hà Tĩnh không thật đầy đủ nhưng cơ bản cũng có một vài lựa chọn để đến các huyện trong tỉnh. Từ các vị trí xe buýt dừng, các bạn có thể sử dụng thêm xe ôm để đến được địa điểm mong muốn.

4. Những Điểm Tham Quan Du Lịch Hà Tĩnh

4.1. Chùa Hương Tích – Ngôi chùa linh thiêng giữa núi rừng Hà Tĩnh

Chùa được xây dựng từ thời Trần, gắn với truyền thuyết cổ xưa xứ Thiên Cầm. Đó là sự tích Bà Chúa Ba – tức công chúa Diệu Thiện, con gái của vua Sở Trang Vương nước Sở đã đến tu hành và đắc đạo ở đây.
Chuyện kể rằng, vua Sở Trang Vương chỉ có 3 người con gái: Diệu Duyên, Diệu Ân, Diệu Thiện. Khi 3 nàng đến tuổi trưởng thành, nhà vua đều muốn 3 người họ cùng lấy quan thần trong triều để có được chỗ dựa vững chắc sau này. Nhưng khác với hai chị em của mình, Diệu Thiện biết được tên tướng quân mình phải lấy là một kẻ ác độc nên đã kiên quyết phản đối khiến vua rất tức giận. Đau lòng, công chúa Diệu Thiện bỏ đi, nương nhờ cửa Phật tại ngôi chùa Hương Tích.
Nhưng tên tướng quân kia không chịu bỏ cuộc, hắn tìm đến tận nơi phóng hỏa ngôi chùa để ép công chúa phải ra. May mắn thay, Diệu Thiện cùng các tăng ni được Đức Phật che chở nên vẫn bảo toàn được tính mạng của mình. Phật còn sai Bạch Hổ đem nàng sang nước Việt Thường Thị để tu hành, đến nơi hang động Thiếu Lĩnh nằm trên núi Hồng Lĩnh. Chẳng bao lâu, tiếng lành đồn xa, Diệu Thiện đã được người người biết đến là một vị sư cô bác ái, nhân từ.
Về phía vua Sở Trang Vương, sau khi con gái bỏ đi thì đau buồn vô cùng, lâu ngày sinh thành tâm bệnh, ngày càng trở nên yếu dần. Một thần y đến bắt bệnh đã chỉ cho vua một cách có thể giúp ngài khỏi bệnh: đó là cần một bàn tay và mắt của một người con gái của vua. Diệu Ân, Diệu Duyên nghe được tin này thì đều run sợ mà kiếm cớ khước từ. Thần y lại mách cho nhà vua một cách khác, đó là đi xin bàn tay và mắt của vị ni cô nổi tiếng từ bi ở nước Việt Thường Thị. Vua nghe xong liền nhanh chóng cử sứ giả sang nước Việt Thường Thị cầu xin. Biết được sự tình, Diệu Thiện không chút chần chừ bèn móc mắt, cắt tay cho sứ giả đem về chữa bệnh cho cha. Mãi đến khi vua uống thuốc, khỏi bệnh và sai người sang tạ ơn, thì mới biết đó chính là vị thuốc làm từ chính bàn tay và mắt của con gái mình.
Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, từ bi của Diệu Thiện, Đức Phật đã hóa phép cho nàng mọc tay và mắt trở lại, sau đó hóa thành Phật Quan Âm. Ở chính nơi nàng đã tu hành và hóa Phật, nhân dân xây dựng lên thành ngôi chùa Hương Tích ngày nay.

Kiến trúc chùa Hương Tích Hà Tĩnh

Chùa Hương Tích thực chất là một quần thể di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam cổ truyền, bao gồm nhiều ngôi chùa thờ Phật, đền thờ Thần và một số ngôi đền mang đậm nét đặc trưng của tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu. Quần thể này được chia thành 3 phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh mẫu (nơi dân gian tương truyền rằng công chúa Diệu Thiện đã đắc đạo hóa Phật ở đó. Phía sau chùa là những bóng cây cổ thụ tỏa bóng rêu phong, những tảng đá lớn vươn mình trong mây trời tạo nên một vẻ cổ kính rêu phong, mang vẻ cô tịch, trầm tư huyền ảo đến lạ kỳ cùng sự thiêng liêng của miền đất Thánh. Ngoài ra, xung quanh quần thể còn có sự xuất hiện của nhiều thắng cảnh như miếu Cô, am Phun Mây, động Tiên nữ, suối Tiên tắm, khe Quỷ khóc,…
Một trong những nét đặc sắc nhất trong kiến trúc của quần thể di tích chùa Hương Tích chính là cung Tam Bảo, nơi ngụ tại của nhiều pho tượng Phật có niên đại hàng trăm, hàng nghìn năm, trong đó đặc biệt phải kể đến 50 pho tượng Phật cao ngang tầm ngực, đang trong tư thế ngồi im thanh tịnh, mây gió vờn quanh. Lưu Công Đạo trong “Thiên Lộc Huyện Phong Thủy Cổ Chí” năm 1811 đã mô tả: “Trên đỉnh núi có bức thành đá, bên thành có 99 cái nền, cái nào cũng được ghép bằng đá mài đẽo trơn phẳng làm nền gọi là Trang Vương. Người ta lấy đá xây thành am. Trong am đặt tượng Quan âm và một số tượng bằng đá. Bên phải am có chùa Phật, bên trái am có đền thờ đại vương Núi Hồng. Trong đền có tâm bia vua ban chữ thếp vàng. Một con suối xanh theo bậc đá đi lên, mỗi bước là một phong cảnh khác nhau. Lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở miền Hoan Châu”.

4.2. Ngã ba Đồng Lộc Hà Tĩnh - Đất Thiêng của 10 đóa hoa rực rỡ anh hùng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa chỉ đỏ, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do thống nhất Tổ quốc, vì hoà bình.
Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.
Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông.
Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.
Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người - chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường.
Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, tổng đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh làm việc thường trực tại ngã ba Đồng Lộc. Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, do Võ Thị Tần-24 tuổi, làm tiểu đội trưởng được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua.
Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc với niềm vui được gửi gắm trên từng chiếc xe đi qua. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã ba lần các cô bị vùi lấp, nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi trúng vào đội hình 10 cô gái. Một, hai phút, rồi năm phút trôi qua. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Các cô đã hy sinh.
10 cô gái Đồng Lộc kiên cường dũng cảm: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi) đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ.
Mười đóa hoa ấy vừa độ mười tám, đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời người - đã mãi mãi ra đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, khát vọng của ước mơ, hoài bão. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc.
Những chiến công của các chị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam. Máu của các chị đã góp phần tô thắm màu cờ của Tổ Quốc.

4.3. Núi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - Huyền tích về một vùng đất danh nhân

Theo truyền thuyết thì Hồng Lĩnh còn là kinh đô của nước Việt cổ - Việt Thường thị. Cũng theo truyền thuyết thì vua Kinh Dương vương trước khi mở nước đã xem phong cảnh Hồng Lĩnh, thấy núi non hùng vĩ nên đã chọn nơi đây làm Kinh đô. Tại đây, Kinh Dương vương đã kết duyên cùng Thần Long về sau sinh ra Long Vương (tức Lạc Long Quân). Dẫu đó là truyền thuyết nhưng đã khắc vào ngọn núi này những dấu ấn lịch sử thật sâu đậm. Ngoài ra, xung quanh vùng đất này thời gian gần đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học từ thời đại đồ đá mới, đồ đồng và đồ sắt đã cho thấy từ rất xa xưa vùng đất này đã có cư dân Việt cổ sinh sống. Theo dòng lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, Hồng Lĩnh đã chứng kiến biết bao sự kiện bi hùng, tích tụ khí chất của con người xứ Nghệ để trở thành một vùng văn hóa - Văn hóa Hồng Lam.
Hồng Lĩnh ngày nay vẫn sừng sững uy nghi như hàng triệu năm trước, trấn giữ phong ba cho vùng đất Hà Tĩnh. Điểm xuyết cho cảnh trí thiên nhiên còn là những công trình nhân tạo, trên núi Hồng Lĩnh có những di tích lịch sử văn hóa vô giá, nhiều ngôi chùa nổi tiếng đến nay như: chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm, chùa Chân Tiên. Bao quanh dãy núi Hồng Lĩnh là những làng quê nổi tiếng và ở đó từ bao đời nay luôn xuất hiện những danh nhân kiệt xuất làm rạng danh đất và người Hà Tĩnh như: cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy, Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ, Đại thi hào Nguyễn Du, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.
Người dân Hà Tĩnh hôm nay đang tô điểm thêm cho cảnh sắc Hồng Lĩnh, dưới chân núi là các khu đô thị, làng mạc được hình thành dân cư đông đúc kinh tế văn hóa phát triển. Đến với danh thắng núi Hồng Lĩnh, du khách được trải nghiệm khám phá một vùng đất có nhiều cảnh đẹp, di tích văn hóa lâu đời, chắc chắn sẽ lưu lại những ấn tượng sâu sắc, một nét chấm phá mới trong bản đồ du lịch Hà Tĩnh.

4.4. Khu du lịch  sinh thái Hồ Trại Tiểu - Đà Lạt thơ mộng của Hà Tĩnh

Đi qua những đồi thông gió reo khẽ bạn sẽ thấy mình như đang lạc trong một khu rừng huyền bí, thả mình trong cảm giác mơ hồ. Sau đó bạn có thể thuê một chiếc thuyền du lịch để ngắm cảnh. Lướt nhẹ trên dòng nước chiếc thuyền sẽ cho bạn cảm nhận hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lòng hồ rộng mênh mông như đi mãi không thấy điểm dừng, sóng vỗ nhẹ mạn thuyền gợn từng lớp lăn tăn cho du khách cảm giác bồng bềnh êm ái.
Đi thuyền ngược lên Khe Thờ bạn sẽ gặp những con suối hiểm trở, dòng nước chảy mạnh uốn quanh làm cho việc di chuyển bằng thuyền thêm khó khăn. Lên khu vực gần Khe Thờ cảnh vật ngày càng hoang sơ, hoang dã, ngày càng xa với những dấu hiệu có con người sinh sống. Thiên nhiên quanh năm cây cối um tùm bao phủ một màu xanh mát bất tận. Đứng từ đây bạn có thể ngắm toàn cảnh hồ Trại Tiểu một cách bao quát nhất, lòng hồ xanh thẳm lặng im, miên man mãi mà không thấy điểm dừng cho ánh mắt.
Quanh hồ có những trang trại của người dân, bạn có thể dừng thuyền bước lên bờ vào thăm khu trang trại nhiều cây con thú vị. Tới đây được thưởng thức nhiều thức trái cây ngon mà lạ miệng: bưởi Phúc Trạch, cam Hương Sơn, Hồng Đông Lộ…
Ngoài ra, đến hồ Trại Tiểu bạn có dịp hóa thân thành những chú ngư, chú tiều đi kiếm củi quanh bìa rừng hay thả cần câu cá. Câu cá ở đây rất yên tĩnh, bạn rất dễ săn những những chú cá to sống lâu năm trong lòng hồ. Để có trải nghiệm lạ hơn bạn hãy thử câu cá ban đêm, không gia dường như thu lại trước đầu cần câu, mọi thứ xung quanh im ắng thanh tịnh đến lạ thường.
Tưởng chừng như nơi đây dành cho những người tu hành đến ở ẩn, hay những người chỉ thích không gian yên tĩnh sinh sống một mình.
Ban đêm bạn có thể nghỉ lại ở hồ trên những gian nhà nổi ven bờ. Ở đây có hẳn một hệ thống nhà nghỉ sinh thái nổi trên hồ để phục vụ khách du lịch ở qua đêm. Cảnh vật đêm xuống khó có ngôn ngữ nào để tả từ bầu không khí đến khoảng không gian mờ nhạt cùng ánh trăng yếu ớt vô cùng lãng mạn, đáng nhớ.
Từ dãy núi Giăng Màn những giọt nước tích tụ lại đem đến nguồn nước tươi mát vô tận cho hồ Trại Tiểu. Vì mục đích tưới tiêu, thủy lợi từ rất sớm người dân đã biết ngăn đập giữ nước phục vụ cho cuộc sống nông nghiệp cũng như các hoạt động thủy lợi khác. Do phát hiện ra tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên săn có, nên công ty thủy lợi Can Lộc đã cải tạo, phát triển nơi đây thành một khu du lịch sinh thái nổi tiếng ở Hà Tĩnh

4.5. Khu di tích Nguyễn Du - Về Hà Tĩnh thăm Đại thi hào dân tộc

Di tích lịch sử Khu lưu niệm cụ Nguyễn Du được xây dựng để các nho sỹ, văn sỹ và du khách trong và ngoài nước yêu thích Truyện Kiều đến thắp hương tưởng niệm tại mộ cụ Nguyễn Du - một Đại thi hào dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới. Đây là khu di tích văn hóa nằm trong quần thể di tích dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Quần thể di tích này là một tổ hợp bao gồm nhiều di tích: đền thờ Đại Vương tiến sĩ Nguyễn Huệ; đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng; đàn tế Nguyễn Quỳnh; 2 ngôi nhà Tư văn; khu mộ đại thi hào Nguyễn Du, bảo tàng Nguyễn Du và nhà thờ Nguyễn Du.
Ngôi nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng vào năm 1825, ngay trên mảnh vườn nhà cụ thuộc xóm Tiền Giáp. Bên trong có bàn thờ xây bằng vôi cát, phía trên có treo bức hoành phi đề 4 chữ “Hồng sơn thế phả” do Hoàng Phù Phái, tước trung hiếu đại phu đời nhà Thanh tặng vào năm thứ 55 triều Càn Long (1790) cùng bài vị bằng đá có khắc dòng chữ “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh”.
Tiếp theo nhà thờ Nguyễn Du là đến bảo tàng nguyễn Du - nơi trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật gốc quý liên quan trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du. Hiện nay, đây là khu vực trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du...
Đến Khu lưu niệm cụ Nguyễn Du, du khách vừa có dịp được ngắm nhìn phong cảnh nơi đây vừa có dịp được tìm hiểu thêm về giá trị văn hóa lịch sử, tính nhân văn của quần thể di tích Nguyễn Tiên Điền. Đặc biệt, nếu đến đây vào những ngày đầu xuân, du khách sẽ được thưởng thức những đêm thơ Nguyễn Du tại nhà Tư văn trong Khu lưu niệm Nguyễn Du.
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, như Giới hiên công Nguyễn Huệ, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, Địch Hiên công Nguyễn Điều, Quế Hiên công Nguyễn Nễ...
Những di sản văn hóa trong Khu di tích còn được bảo tồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học. Giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng như việc nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cho nền văn học Việt Nam. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng, văn hóa làng xã Việt Nam nói chung trong sự phát triển của lịch sử dân tộc.

4.6. Khu di tích Trần Phú - Nơi an nghỉ của cố Tổng Bí thư Trần Phú
Quần thể khu di tích được chia làm 3 phần bao gồm: nhà thờ, nhà trưng bày và khu mộ.
Nhà thờ tiểu chi họ Trần (chi thứ 2) nguyên là ngôi nhà dân dụng cụ Trần Viết Tân - cố nội đồng chí Trần Phú- xây dựng năm 1862. Sau khi ông Tân qua đời, ngôi nhà được ông Trần Viết Tiến kế tự. Khi ông Tiến mất, ngôi nhà được ông Trần Văn Phổ- thân sinh đồng chí Trần Phú thừa hưởng. Đầu năm 1901 khi ông Phổ mang theo cả gia đình vào huyện Tuy An, tỉnh Phú yên dạy học thì ngôi nhà này được ông Đồ Câu- chú ruột Trần Phú- sử dụng. Cho đến khoảng đầu năm 1930 khi ông Đồ Câu mua được ngôi nhà 3 gian đặt cạnh đây thì ngôi nhà này được ông hiến tặng cho dòng họ và từ đó tới nay trở thành nhà thờ tiểu chi họ Trần. Chính ngôi nhà này trong thời gian đồng chí Trần Phú học tại trường Quốc Học Huế (1918- 1922) và thời gian đồng chí dạy học ở trường Cao Xuân Dục thành Vinh (1922- 1925) đồng chí thường về thăm nhà vào những dịp nghỉ hè, nghỉ tết. Vì vậy ngôi nhà được gìn giữ và tu bổ làm di tích lưu niệm Trần Phú, nơi thờ tự vong linh đồng chí Trần Phú và vong linh tổ tiên họ Trần.


Nhà thờ vốn nguyên gốc có kiến trúc theo lối tứ trụ, 3 gian không lồi, tường xây bằng đá ong xung quanh nền được ghép bằng đá hộc, mái lợp ngói cẩm trang. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1862 nhưng do ảnh hưởng của trận lũ lụt năm 1945 và cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ bằng không quân lần thứ nhất (1964) ngôi nhà có một số thay đổi nhưng nhìn chung vẫn giữ được kiến trúc như ban đầu. Năm 1962, ngôi nhà được ty văn hoá Hà Tĩnh tu bổ đồng thời mua thêm một ngôi nhà lim 5 gian làm nhà trưng bày bổ sung những hiện vật, tài liệu về thân thế và sự nghiệp đồng chí Trần Phú để phục vụ khách tham quan và nghiên cứu. Năm 1998, khu di tích lưu niệm Trần Phú được mở rộng, xây dựng mới nhà trưng bày.
Nhà trưng bày với hơn 200 hiện vật, những kỉ vật về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú. Chúng ta có thể nhìn thấy phả hệ tiểu chi họ Trần từ đời thứ 15 đến đời thứ 18 trưng bày tại đây. Thân phụ của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ- quê ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và thân mẫu là bà Hoàng Thị Cát, quê ở Xã Dương Châu, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tuy vậy, đồng chí Trần Phú lại được sinh ra tại phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên - nơi thân sinh ông làm giáo thụ vào năm 1904. Trần Phú hy sinh để lại tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, chí khí kiên cường, tinh thần học tập sáng tạo, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

5. Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Hà Tĩnh

5.1. Lễ hội Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh rộn ràng mùa trẩy hội

Lễ hội chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh diễn ra trên địa bàn xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa Hương Tích được xây dựng từ đời nhà Trần (thế kỷ XIII), chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, gắn với truyền thuyết tu hành đắc đạo của công chúa Diệu Thiện. Ngôi chùa này được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” - thắng cảnh đẹp nhất xứ Nghệ Tĩnh. Thời gian qua, chùa Hương Tích đã được chính quyền các cấp và các tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nhiều hạng mục khang trang hiện đại nhưng không làm mất đi vẻ cổ kính của chùa gốc và cảnh quan thiên nhiên.
Không gian lễ hội kéo dài từ cầu Hạ Vàng (quốc lộ 1) qua xã Thiên Lộc đến chùa Thượng, trong đó, các điểm chú trọng gồm: Hạ Vàng, khu vực xã Thiên Lộc, khu vực Ban quản lý (BQL) Khu du lịch chùa Hương Tích, bến thuyền, ga cáp treo, miếu Cô, miếu Cậu, khu vực chùa chính, chùa Thượng.
Ngày khai hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc ca ngợi về quê hương đất nước, mừng Đảng, mừng xuân và về chùa Hương Tích; các giải thể thao, trò chơi dân gian như: bóng chuyền nam, chạy, leo núi, giải vật cổ truyền, đua thuyền, đẩy gậy, kéo co, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, hội thi mâm ngũ quả...

5.2. Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Di sản văn hóa phi vật thể Hà Tĩnh

5.2.1. Tri ân bậc Đại danh y “đức cao vọng trọng”

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông bắt nguồn từ tín ngưỡng của người dân Hương Sơn trong việc tri ân Đại danh y Lê Hữu Trác (thế kỷ XVIII), người có công lao to lớn trong việc dùng y thuật của mình để chữa bệnh cứu người.
Đại danh y Lê Hữu Trác (1724 -1791) sinh ra tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), trong một gia đình có truyền thống khoa cử. Cha ông là Lê Hữu Mưu đỗ Đệ tam giáp Tiến sỹ làm Thị lang Bộ Công và triều Lê Dụ Tông; mẹ là bà Bùi Thị Thưởng, một phụ nữ thông minh, hiền lành quê ở Bàu Thượng, Tĩnh Diệm, Hương Sơn (nay là xã Quang Diệm, Hương Sơn).
Trong sự nghiệp của mình, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã sưu tầm và phát hiện trên 300 vị thuốc nam, tổng hợp 2.854 phương thuốc chữa bệnh phổ biến cho Nhân dân. Riêng cuốn "Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập và 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền dân tộc, được xem là báu vật của nền y học Việt Nam. Đặc biệt, với 9 bài học về y đức dành cho người thầy thuốc chữa bệnh cứu người trong Y huấn cách ngôn mà ông để lại mãi là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho thế hệ sau tiếp nối.
Với những đóng góp to lớn cho dân tộc, sau khi Lê Hữu Trác mất, hằng năm, vào dịp ngày giỗ của ông, người dân Hương Sơn tề tựu dâng hương, hoa làm lễ tế bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức của vị danh y. Về sau, người dân cũng tổ chức nhiều hoạt động hội với các trò chơi dân gian nhằm tạo không khí sôi nổi, vui chơi trong dịp đầu xuân.
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng từ đó mà hình thành, phát triển, trở thành nét văn hóa không thể thiếu mỗi dịp xuân về của người dân vùng lân cận nói riêng và Hương Sơn nói chung. Năm 2015, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
“Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông không chỉ giúp các thế hệ người dân Hương Sơn tiếp nối truyền thống tri ân cội nguồn mà còn là dịp để chúng tôi được hòa vào không khí mùa xuân sôi nổi. Qua đây động viên, khích lệ mỗi người có trách nhiệm, nỗ lực xây dựng quê hương, nhất là mỗi mùa xuân đất nước ngày càng khang trang, đổi mới”.

5.2.2. Lan tỏa giá trị di sản

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông gắn với quần thể khu di tích về Đại danh y Lê Hữu Trác trải dài trong không gian 8km, trên địa bàn 3 xã Sơn Trung (khu mộ và tượng đài), Quang Diệm (nhà thờ) và Sơn Giang (chùa Tượng Sơn) đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1990.
Như nhiều lễ hội khác, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra vào ngày 13 và 14 tháng Giêng hằng năm với lễ dâng hương tại khu mộ, nhà thờ; lễ rước từ khu mộ về nhà thờ; lễ cầu an, cầu sức khỏe tại chùa Tượng Sơn. Bên cạnh phần lễ là phần hội, gồm nhiều trò chơi dân gian, hội thi như: đua thuyền trên sông Ngàn Phố, thi trưng bày diều, nấu bánh chưng, trò chơi đẩy gậy, vật tay…
Lễ khai hội diễn ra vào mùng 8 tháng Giêng với hội thi đua thuyền trên sông Ngàn Phố. Hàng nghìn người dân từ khắp các xã, thị trấn của huyện Hương Sơn háo hức tham gia càng thấy được sức lan tỏa mạnh mẽ của lễ hội trong đời sống người dân nơi đây.

5.3. Chùa Chân Tiên – Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Hà Tĩnh

Cấu trúc chùa gồm 3 tòa: thượng điện, trung điện kiệu long đình và bái đường. Nơi đây còn lưu giữ được một số câu đối lâu đời, ca ngợi công lao của Đức Thánh mẫu, theo thông tin từ báo Hà Tĩnh. Lễ hội chùa Chân Tiên được tổ chức hằng năm vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, sau phần dâng hương tế lễ là phần hội với các hoạt động giao lưu văn nghệ, thả hoa đăng, đua thuyền trên Bàu Tiên, đấu vật truyền thống, bóng chuyền bãi biển, kéo co, đánh cờ thẻ, thả diều, cắm trại...
Đến đây, ngoài việc lễ chùa, du khách còn được giao lưu văn hóa - văn nghệ, từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh non nước hữu tình, tham quan các dấu tích gắn liền với những câu chuyện kỳ thú, tắm biển Thịnh Lộc và thưởng thức các món ăn đặc sắc của cư dân bản địa. Về với lễ hội chùa Chân Tiên là về với tình yêu khát vọng và lòng yêu thương con người để cầu mong cho quốc thái dân an, trăm họ tốt lành, cho cuộc sống vĩnh hằng, cuộc đời đơm hoa kết trái. Đến chốn thiêng này, du khách sẽ trút bỏ được những ưu tư, phiền muộn để quyện hòa với thiên nhiên.
Thông qua lễ hội để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn, ngưỡng vọng tâm linh, thể hiện văn hóa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Chùa Chân Tiên được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992. Hiện, các cấp, ngành, nhà chùa đang có kế hoạch trùng tu, tôn tạo để đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của người dân. Mùa lễ hội năm nay, Ban Tổ chức đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa để thu hút hàng nghìn du khách gần xa và Nhân dân trong vùng tham gia.

6. Những món ngon không thể bỏ qua khi đi du lịch Hà Tĩnh

6.1. Hải sản Hà Tĩnh

Với ngư trường chính ở vùng rộng, ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu đánh bắt trong ngày nên hải sản đều rất tươi ngon. Hải sản sau khi được mang lên bờ, những loài còn sống như: cua, ghẹ, tôm, tôm tít… sẽ được các nhà hàng thả vào bể nước, còn những loài khác sẽ chuyển cấp đông và chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn.
Một trong những đặc sản của Hà Tĩnh, chính là mực nhảy Vũng Áng. Mực nhảy được ngư dân dân đánh bắt từ biển rất tươi ngon và được nuôi trong những lồng nước ngọt, du khách có thể chọn và mua, sau đó nhờ chế biến ngay tại sạp với thực đơn đa dạng và phong phú.

6.2. Gỏi cá đục

Cá đục dài khoảng 13-18cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tư­ơng tự loài cá bống nư­ớc ngọt. Cá đục có thể chế biến đ­ược rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu nh­ư mùa nào cũng có.
Gỏi cá đục chế biến khá công phu và phải làm đúng cách ăn mới ngon. Cá đục còn tư­ơi, tách đôi, bỏ x­ương ngâm với chanh vắt chừng 15 phút. Sau đó vớt ra, vắt khô, để ráo. Mu dừa nạo nhỏ, trộn đều với cá. Lạc rang đâm mịn trộn với nư­ớc cá, n­ước dừa dùng làm n­ước lèo. Một gia vị nữa không thể thiếu là ớt t­ươi và tỏi. Ớt và tỏi giã nhỏ, trộn vào n­ước lèo, vừa ăn vừa xuýt xoa mới tuyệt!
Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non.., cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng, khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nư­ớc lèo. Khi ăn gỏi cá đục, bạn sẽ cảm nhận đ­ược vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.

6.3. Bánh mướt cuốn ram

Bánh mướt cuốn ram (bánh cuốn nem rán) là món ăn sáng dân dã, đặc trưng của người dân Hà Tĩnh. Bánh mướt được làm từ gạo tẻ ngâm trong nước nhiều giờ sau đó đem nghiền thành bột rồi tráng mỏng bằng tay. Nguyên liệu làm món ram cầu kỳ hơn, gồm thịt, miến, mộc nhĩ, hạt tiêu, hành… cuộn chặt trong lá bánh mỏng rồi rán giòn. Ram nóng quấn trong lá bánh mướt mỏng tang ăn kèm với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt mang đến hương vị khó cưỡng.

6.4. Bánh bèo Hà Tĩnh

Khác với bánh bèo của Huế, bánh bèo Hà Tĩnh được làm từ bột lọc (bột sắn), nhân bánh làm từ tôm non bóc vỏ hoặc thịt nạc trộn với mộc nhĩ được xào lên. Bánh bèo Hà Tĩnh thưởng thức theo hai cách: bánh bèo chan nước mắn pha, rắc thêm hành khô và bánh bèo nước từ nước xương hầm được chan sin sít vào với bánh. Chính nguyên liệu và cách thưởng thức đã tạo nên hương vị riêng cho món bánh bèo Hà Tĩnh. Đây là món quà ăn vặt được nhiều người ưu thích đặc biệt là giới trẻ.

6.5. Cháo canh Hà Tĩnh

Cháo canh có mặt ở nhiều nơi, nhưng ở Hà Tĩnh lại có vị riêng biệt. Sợi cháo canh làm bằng bột mì nên có độ dẻo và dai. Sau khi nhào bột, sợi được xắt ra dài chừng 2/3 thân đũa ăn cơm, sợi bánh có màu trắng đục. Nước dùng của cháo canh vừa có vị ngọt của xương hầm, vị thơm của hành tím, vị béo của tôm, vài lát giò lụa, thêm nhúm hành lá, ngò tàu, vài lát ớt thôi, bạn đã thấy món ăn hấp dẫn vô cùng.

6.6. Hến sông La

Như một món quà được thiên nhiên ban tặng cho dòng sông La hiền hòa, người dân các xã ven sông từ xưa đến nay vẫn gìn giữ nghề cào hến. Những con hến bé li ti qua nhiều công đoạn chế biến khá tỉ mỉ có thể chế biến ra nhiều món ăn lạ miệng nhưng không kém phần hấp dẫn như hến xào, canh hến, lẩu hến, cháo hến, đặc biệt nước hến có vị ngọt đậm đà… tạo nên một hương vị đặc trưng, ngon đến lạ lùng. Dù đi xa, câu hát rao “Hến ngọt, rọt nậy, đong đầy, bán rẻ ai mua” vẫn níu bước chân người xa quê tha thiết tìm về.

6.7. Dê núi Hương Sơn

Hầu như khách bình dân hay thượng lưu đến huyện Hương Sơn đều thích thưởng thức món đặc sản thịt dê núi. Đặc biệt, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn nổi tiếng với nghề nuôi dê truyền thống từ bao đời nay.
Với lợi thế địa hình nhiều đồi núi cùng hang động, khe suối… dê ở Sơn Tiến được người dân thả nuôi tự nhiên hoặc nuôi nhốt. Nếu nuôi dê trong chuồng, chủ nuôi vẫn thường xuyên vào rừng chặt đủ thứ lá cây dê ưa thích mang về để vỗ béo cho dê.

6.8. Bún bò Đò Trai

Đây là món được người dân địa phương khuyên là món ăn bạn nhất định phải thử mỗi khi có cơ hội ghé qua vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Có cách ăn khá giống với món bún chả nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, bún bò Đò Trai không để bún sẵn vào bát nước dùng mà cho ra đĩa riêng. Sợi bún Đò Trai to, tròn, có màu hơi nâu như hoa cau, bởi được làm theo cách thủ công hoàn toàn bằng tay từ một loại gạo quê vẫn thường được người dân nơi đây sử dụng để nấu rượu. Thịt bò được sử dụng để làm ra món bún cũng phải từ chính những con bò được chăn thả ven đê nơi vùng quê Đức Thọ.
Bún được ăn kèm cùng các loại rau thơm, xà lách và bánh đa (còn gọi là bánh tráng). Các gia vị cần thiết khác như chanh, ớt, dấm tỏi và sa tế giúp cho món ăn trở nên hoàn hảo

7. Ở Đâu Khi Đi Du Lịch Hà Tĩnh

7.1. Vinpearl Hotel Ha Tinh
Địa chỉ: Hà Huy Tập, Hàm Nghi, Tp Hà Tĩnh, Hà Tĩnh

Điện thoại: 0239 3638 866
7.2. Eagle Hotel
Địa chỉ: 268 Trần Phú, Thạch Linh, Tp Hà Tĩnh, Hà Tĩnh

Điện thoại: 0239 6508888
7.3. Khách Sạn Ngân Hà
Địa chỉ: 158 Trần Phú, Tp Hà Tĩnh, Hà Tĩnh

Điện thoại: 0239 3698686
7.4. Khách sạn Thanh Bình
Địa chỉ: 179 Hà Huy Tập, Nam Hà, Tp Hà Tĩnh, Hà Tĩnh

Điện thoại: 0239 3608855
7.5. White Palace Hotel
Địa chỉ: 139 Hà Huy Tập, Nam Hà, Tp Hà Tĩnh, Hà Tĩnh

Điện thoại: 0917177386

8. Mua Gì Về Làm Quà Khi Đi Du Lịch Hà Tĩnh

8.1. Kẹo cu đơ

Trước kia ở làng Thịnh Xá bên kia sông Ngàn Phố có nhà ông Cu Hai chuyên nấu kẹo lạc. Những đứa trẻ trong làng thường hay rủ nhau đến để xin vét nồi bằng ám hiệu “Cu Hai”. Đi miết, sợ cha mẹ biết mà mắng mỏ nên mỗi lần rủ rê nhau, những đứa trẻ ấy đã gọi chệch đi là “Cu đơ” (từ phiên âm của số 2 trong tiếng Pháp). Lâu dần, cách gọi của trẻ con cũng lan sang cả người lớn. Và, loại kẹo độc đáo ấy cũng được mặc định một tên gọi mới là Cu đơ. Kẹo cu đơ ban đầu chỉ được nấu ở làng Mân Xá hai bên sông Ngàn Phố, về sau có một người thiếu sinh quân từ thị xã Hà Tĩnh lên trọ học ở đây đã học nghề và đem về phổ biến ở phố thị. Đây là một loại kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm đậu phộng làm nhân, rồi đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại với nhau để nguội.

8.2. Bánh đa vừng

Bánh đa Hà Tĩnh dày, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen. Bánh được làm hoàn toàn bằng gạo non, là thứ gạo mới, không dùng loại gạo các mùa trước vì sẽ làm mất đi vị thơm, béo của bánh.

8.3. Bánh gai làng Khóng

Những chiếc bánh gai đen bóng mang hương vị ngọt thơm của mật mía, cái dẻo dính của nếp, quyện vị béo của đậu xanh, cùi dừa từ lâu đã là một sản vật nức tiếng của vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nghề làm bánh gai ở làng Khóng có truyền thống khoảng hơn 50 năm nay. Mọi nguyên liệu làm bánh đều được người dân sản xuất ngay tại địa phương. Đây là thứ bánh ăn nguội, thường được người dân dùng vào các dịp ăn hỏi, làm quà biếu.

8.4. Bánh đa kê Nghi Xuân

Bánh đa kê tuy chỉ là một thức quà quê dân dã, đơn giản nhưng chứa đựng cả một nét văn hóa và gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên ở huyện cực Bắc tỉnh Hà Tĩnh. Nguyên liệu làm bánh đa kê rất đơn giản, bao gồm hạt kê đã xát vỏ, đậu xanh, bánh đa và các gia vị cần thiết như muối, mì chính, tinh bột nghệ. Đầu tiên người làm hàng phải ngâm kê trong khoảng 2 tiếng rồi vò và đãi sạn cho thật sạch, để ráo. Nồi nước nấu kê được bỏ thêm chút muối, mì chính và tinh bột nghệ để bánh có màu vàng tươi đẹp mắt. Sau khi đun sôi hỗn hợp thì cho kê vào lấy đũa đánh thật đều tay cho đến khi kê đặc mới được thả đũa ra.

8.5. Ruốc rươi Nghi Xuân

Với người dân ven sông Lam, ruốc rươi từ lâu là món ăn không thể thiếu với từng gia đình mỗi độ tết đến. Trước đây, người dân muối rươi chỉ để phục vụ gia đình, biếu người thân, nhưng những năm gần đây đã trở thành món hàng đặc sản, mang về nguồn thu lớn mỗi dịp tết.

8.6. Cam bù Hương Sơn

Cam bù thường bắt đầu ra hoa vào mùa xuân và chín vào dịp Tết Nguyên Đán. Cam có quả hình cầu, vỏ dày và mọng nước, lúc chín vỏ màu da cam rất đẹp. Mùi của cam rất thơm và hấp dẫn với mùi đặc trưng của vỏ cam. Trọng lượng trung bình mỗi quả từ 250 ÷ 300g, có quả đạt hơn 1,2 kg. Cam bù được trồng ở hầu hết các xã của huyện Hương Sơn nhưng trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phúc, Sơn Phú, Sơn Hàm, Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Thọ (huyện Vũ Quang).

8.7. Bưởi Phúc Trạch

Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của huyện miền núi Hương Khê, nổi tiếng bưởi có hình dáng cầu tròn, nhỏ chứ không to, khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, mùi thơm nhẹ tự nhiên. Múi bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trông rất đẹp mắt, rất thích hợp cho du khách mua về làm quà.

8.8. Cam Khe Mây

Cam Khe Mây đã khẳng định được thương hiệu bởi vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, tép mọng nước. Cam đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân vùng Khe Mây (Hương Khê)

8.9. Nấm tràm Kỳ Anh

Sau mỗi cơn mưa, người dân các xã vùng cao của Kỳ Anh lại tích cực tìm về những rừng tràm để hái nấm. Nấm tràm có màu nâu tím, ăn ban đầu có vị nhẫn đắng nhưng sau đó sẽ ngọt hậu, bùi béo và rất thơm. Nấm tràm mọc nhiều từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch nên nếu có dịp đi qua Kỳ Anh vào thời gian này, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội mua chút ít về làm quà nhé.

9. Thời Gian Lý Tưởng Để Đi Du Lịch Hà Tĩnh

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Hà Tĩnh là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu chuyển tiếp của miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và có một mùa đông giá lạnh của miền Bắc, nên thời tiết, khí hậu ở Hà Tĩnh rất khắc nghiệt. Hàng năm, Hà Tĩnh có hai mùa rõ rệt.
- Từ tháng 11 đến khoảng tháng 2 năm sau là thời điểm mùa đông, Hà Tĩnh mang cái lạnh của miền Bắc nhưng lại tương đối khô. Thời điểm này phù hợp để có những hành trình du lịch văn hóa, tâm linh ở Hà Tĩnh.
- Từ tháng 4 đến tháng 10, đây là mùa nắng gắt, có gió Tây Nam (thổi từ Lào) khô, nóng. Khoảng thời gian này phù hợp để đi du lịch biển Hà Tĩnh như Thiên Cầm hay các bãi biển ở Nghi Xuân.
10. Một Số Tour Du Lịch Tham Khảo
- Hà Nội – Thiên Cầm – Sầm Sơn – Hà Nội 4N3Đ
+ Ngày 1: Hà Nội – Ngã Ba Đồng Lộc – Thiên Cầm
+ Ngày 2: Thiên Cầm – Hồ Kẻ Gỗ
+ Ngày 3: Thiên Cầm – Hương Tích – Sầm Sơn
+ Ngày 4: Sầm Sơn – Hà Nội
- Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình 5N4Đ
+ Ngày 1: Hà Nội – Vinh
+ Ngày 2: Cửa Lò – Ngã 3 Đồng Lộc – Thiên Cầm
+ Ngày 3: Hà Tĩnh – Quảng Bình
+ Ngày 4: Đồng Hới – Phong Nha
+ Ngày 5: Khám phá Động Phong Nha – Hà Nội
Ý kiến bạn đọc