Khi nhắc tới những địa điểm du lịch Sóc Trăng nổi tiếng thì đây là một di tích lịch sử bạn nên ghé qua. Căn cứ tỉnh ủy Sóc Trăng nằm trong một khu rừng tràm thuộc xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.
Khu căn cứ này được xây từ những năm kháng chiến chống Pháp với diện tích lên tới 310 ha. Đây là một trong những căn cứ địa quan trọng góp phần làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến dân tộc. Nơi đây được bao phủ bởi hệ thống cây cối, kênh rạch chằng chịt.
Phía trong khu căn cứ bao gồm nhiều hạng mục như phòng hội nghị, hầm, lán trại của quân y, điện đài, bảo vệ,…Đây chính là một địa điểm du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến của dân tộc.
Từ Trung tâm thành phố Sóc Trăng đến di tích này khá thuận tiện cả về đường bộ lẫn đường thủy. Nếu đi bằng đường thủy du khách sẽ trải qua đoạn đường khoảng 30km, tuy nhiên đi bằng đường bộ sẽ nhanh hơn. Đi theo Quốc lộ 1A, về hướng Bạc Liêu khoảng 20 km đến khu vực gần chợ Nhu Gia, nhìn về phía tay phải sẽ có 1 bảng hướng dẫn chỉ đường vào khu di tích, rẽ phải và đi tiếp khoảng 16 km sẽ tới khu di tích.
Trung tâm của khu di tích là Hội trường, nơi diễn ra hàng ngàn cuộc họp của Đảng bộ và BCH Tỉnh ủy Sóc Trăng trong thời kháng chiến. Trước đây, Hội trường được dựng tạm bằng vật liệu sẵn có trong rừng như: Tràm, lá dừa nước, ... Sau năm Mậu Thân 1968, để thích nghi với tình hình mới, đồng thời xây dựng căn cứ kiên cố để bám trụ kháng chiến lâu dài, Hội trường được xây dựng lại bằng gỗ dầu vuông (15x15cm), mái lợp lá chẻ, có chiều cao 4.7m, dài 20m, rộng 4m và chia làm 05 gian bằng nhau. Hai bên hông của Hội trường còn bố trí 04 căn hầm đúc bằng bêtông, dùng để ẩn nấp khi máy bay hay pháo của địch bắn phá. Trong đó, 02 hầm nổi có thể chứa 10 đến 15 người/cái và 02 hầm chìm chứa 20 đến 25 người/cái. Đặc biệt, nhằm đàm bảo an toàn cho lực lượng lãnh đạo nòng cốt, Khu căn cứ còn trang bị thêm 02 hầm bí mật cách Hội trường khoảng 300m, trong đó chuẩn bị sẵn lương thực dự trữ và các vật dụng cần thiết, mỗi hầm chứa khoảng 10 đến 13 người.
Ngoài ra, Khu căn cứ còn có nhà làm việc của đồng chí Bí thư và nhiều lán trại của các cơ quan trực thuộc được xây dựng dưới hình thức dã chiến.
Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng còn được nhân dân gọi tắt trong thời chiến là Căn cứ Mỹ Phước, bởi vì căn cứ này được hình thành và xây dựng trong khu rừng tràm thuộc xã Mỹ Phước. Trước đây, khu vực này chỉ là cánh đồng hoang vu đầy cỏ dại, rộng hàng chục ngàn ha, sau đó người dân đến đây khai phá, định cư và lập ấp. Đầu thế kỷ XX, sau khi chiếm 06 tỉnh Nam kỳ gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên - địa bàn Sóc Trăng thuộc tỉnh An Giang, Pháp đẩy mạnh khai thác tài nguyên, chiếm đất nông sản, bắt nhân dân đào kênh, rạch và trồng tràm. Lúc bấy giờ (1926), tỉnh Sóc Trăng có 4 quận là Châu Thành, Kế Sách, Long Phú và Phú Lộc, khi đó Mỹ Phước thuộc quận Châu Thành. Đến ngày 25/8/1945, sau khi nhân dân Sóc Trăng giành chính quyền thành công thì rừng tràm này là tài sản của nhân dân.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cả nước khẩn trương xây dựng và củng cố lực lượng chuẩn bị kế hoạch kháng chiến, tiếp tục chống thực dân Pháp xâm lược, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã chủ trương mở rộng công bình xưởng, nhằm chế tạo vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang, phục vụ kháng chiến, do đó tháng 4/1946 công binh xưởng Sóc Trăng ra đời tại khu rừng tràm. Để góp phần làm thất bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp và bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, tháng 9/1947 Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định dời Căn cứ từ Cù Lao Dung (lúc bấy giờ thuộc huyện Long Phú) về rừng tràm Mỹ Phước. Tại đây, BCH Tỉnh ủy đã triển khai Nghị quyết của Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo chiến lược tác chiến cho quân và dân Sóc Trăng trên các mặt trận từ vũ trang đến chính trị. Có thể nói Căn cứ Mỹ Phước lúc bấy giờ là nơi đứng chân chỉ đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng, góp phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chung của cả nước đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp.
Sau năm 1954, khi Mỹ hất chân Pháp vào chiếm Đông Dương, dưới chính quyền bù nhìn của Ngô Đình Diệm, ngày 20/10/1956 tỉnh Sóc Trăng được đổi tên thành tỉnh Ba Xuyên. Bằng chính sách “tố công, diệt cộng” bọn ngụy quyền ra tay sát hại dã man những người cộng sản. Trước tình hình đó, quán triệt tư tưởng trong nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (1959), từ Căn cứ rừng tràm Mỹ Phước, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã phát động phong trào đồng khởi trong toàn tỉnh, bắt đầu con đường cách mạng bạo lực chống đế quốc Mỹ và tay sai. Cũng từ đây, Tỉnh ủy Sóc Trăng tiếp tục đưa phong trào đấu tranh của quân và dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến ngày tỉnh Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng (01/05/1975).
Căn cứ Tỉnh ủy rừng tràm Mỹ Phước là cái nôi của Đảng bộ, là trung tâm điểm cách mạng, đồng thời là một minh chứng, khẳng định lòng tin, sự che chở của dân đối với Đảng, là nguyên nhân, là sức mạnh giúp cho Đảng bộ Sóc Trăng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, đưa quân và dân trong tỉnh giành thắng lợi trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và 21 năm chống Mỹ và tay sai (1954-1975). Trong thời gian đó, dù trải qua muôn vàn khó khăn, hy sinh và gian khổ nhưng căn cứ vẫn đứng vững để BCH Tỉnh ủy lãnh đạo, thực hiện tốt vai trò của mình. Với những giá trị và ý nghĩa ấy, ngày 16/6/1992, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ra quyết định số 734/QĐ-BVHTT công nhận Khu căn cứ Tỉnh ủy là Di tích Lịch sử Cách mạng cấp quốc gia.
Từ năm 2007 đến năm 2009, Khu căn cứ được UBND tỉnh Sóc Trăng đầu tư xây dựng mới một số hạng mục như: Cổng chính, nhà Bia, đền tưởng niệm, nhà trưng bày lưu niệm, nhà sinh hoạt thanh thiếu niên,... cùng với việc phục dựng một số hạng mục trong kháng chiến như: Hội trường, nhà làm việc tỉnh ủy, các hầm tránh pháo, ...
Hiện nay, Khu căn cứ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là điểm đến thường xuyên của học sinh, sinh viên trong các buổi sinh hoạt về nguồn. Đặc biệt, Di tích còn là 1 trong 18 điểm du lịch của tỉnh, phục vụ du khách tham quan và tìm hiểu về lịch sử.