Cồn Mỹ Phước là một trong những điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng nhất ở Sóc Trăng
Nhắc tới miền sông nước không thể bỏ qua những cồn giữa sông với đủ loại cây trái. Cồn Mỹ Phước là một trong những nơi nổi tiếng nhất ở Sóc Trăng. Cồn Mỹ Phước nằm gần cuối hạ lưu sông Hậu, thuộc địa phận xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Đường đến cồn Mỹ Phước khá thuận tiện, du khách có thể đi theo 1 trong 2 tuyến đường sau:
Phương tiện di chuyển tới Cồn Mỹ Phước
Tuyến thứ nhất: Từ TP. Sóc Trăng đi theo quốc lộ 1A về phía tây bắc khoảng 6km đến ngã ba An Trạch, rẽ phải đi theo tỉnh lộ 1 khoảng 12km đến huyện Kế Sách. Tiếp tục đi theo tỉnh lộ 5 khoảng 10km đến bến phà Nhơn Mỹ rồi qua sông 1km là đến cồn Mỹ Phước.
Tuyến thứ hai: Từ TP. Sóc Trăng đi theo quốc lộ 60 về phía đông bắc khoảng 18km đến xã Đại Ngãi, rẽ trái theo hương lộ 11 khoảng 6km đến bến đò xã Song Phụng (huyện Long Phú) rồi qua sông 1,5km là đến cồn Mỹ Phước.
Đặc điểm của Cồn Mỹ Phước
Nằm giữa sông Hậu, thuộc địa phận xã Nhơn Mỹ, nơi đây có đủ loại trái cây từ sầu riêng, cam quýt tới hồng xiêm, xoài, nhãn,… Tới với nơi đây du khách có thể tha hồ thưởng thức trái cây tươi ngon ngọt mát ngay tại vườn cùng với những món ăn đặc sản dân dã nơi đây. Những ngày cuối tuần được cùng bạn bè tụ tập vui chơi, hái trái cây ngay tại cồn giữa sông cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.
Cồn Mỹ Phước được hình thành do phù sa của sông Hậu bồi đắp, với diện tích tự nhiên khoảng 1.020ha, là nơi sinh sống của hơn 400 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. Từ trên cao nhìn xuống, cồn có hình bầu dục với hai đầu thắt lại, đoạn giữa phình ra với chiều rộng trên 500m.
Với khí hậu, thổ nhưỡng, sông nước đặc thù khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên cồn Mỹ Phước là môi trường thích hợp để các loại cây ăn trái phát triển. Nhờ lợi thế này, người dân trên cồn từ xưa đến nay chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng cây ăn quả trên diện tích canh tác hơn 300ha, với các loại cây ăn trái như: sapôchê (hồng xiêm), nhãn, xoài, mãng cầu (na), chôm chôm, măng cụt, cam, bưởi… Những năm gần đây còn phát triển thêm nghề phụ nuôi ong lấy mật, đầu tư xây dựng nhà vườn du lịch sinh thái. Điểm đến nổi bật ở đây là nhà vườn của ông Tư Việt (diện tích 4,5 ha) với các hạng mục như: khu vườn nhãn, khu nghỉ ngơi cho khách, khu kinh doanh đặc sản miệt vườn, bến đò, khu nhà vệ sinh…
Từ khi kết hợp trồng cây ăn trái gắn với kinh doanh du lịch sinh thái, mỗi năm, cồn Mỹ Phước thu hút rất đông du khách về đây vui chơi, ngắm cảnh và thưởng thức đặc sản địa phương. Thời điểm cồn Mỹ Phước đón nhiều du khách nhất là dịp diễn ra Lễ hội Sông nước Miệt vườn (trong 2 ngày mồng 4 và mồng 5 tháng 5 (âm lịch) hàng năm), với các hoạt động hấp dẫn như: nghi thức, nghi lễ cúng Tết Đoan Ngọ, hội thi làm bánh xèo, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, hội thảo về cây ăn trái, hội thảo sông nước miệt vườn, đua thuyền rồng, đua ca nô, đua vỏ lãi, nhảy bao, đập nồi...
Nhằm tạo thương hiệu du lịch cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách đã đầu tư xây dựng khu du lịch với tên gọi “Khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước” trên diện tích 110 ha, bao gồm các hạng mục: quảng trường, sân khấu ngoài trời, cơ sở lưu trú, hệ thống điện chiếu sáng, sân, cổng, cầu tàu du lịch, cáp treo qua sông,… và các dịch vụ: du thuyền, lướt ván, tham quan bằng xe đạp, xe điện... nhằm phục vụ các sinh hoạt văn hóa, lễ hội cộng đồng. Tháng 6/2012, một số hạng mục như: nhà đón khách, nhà họp, nhà làm việc, quảng trường, hệ thống điện chiếu sáng, cổng, sân, bồn hoa, cầu tàu du lịch và các dịch vụ đã được đưa vào phục vụ du khách. Các hạng mục khác đang tiếp tục được hoàn thiện.
Ngoài ra, huyện cũng đã quy hoạch vùng trồng cây ăn trái quanh năm để tạo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp và từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của cồn Mỹ Phước như: du lịch sông nước miệt vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng… để phục vụ du khách.
Với vị trí địa lý thuận lợi, phong cảnh đẹp, cồn Mỹ Phước đã được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2008. Đây chính là động lực để chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục cố gắng phát huy các lợi thế của địa phương, đưa cồn Mỹ Phước trở thành điểm đến du lịch sinh thái tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng.