Công Viên Hồ Nước Ngọt Sóc Trăng
Khu công viên văn hóa này rộng khoảng 20ha, trên đường Hùng Vương, thành phố Sóc Trăng. Bao gồm 2 hồ: hồ nhỏ còn được gọi là Hồ Tịnh Tâm từ những năm 60 theo nguyên bản Hồ Tịnh Tâm ở Đại hội Huế (vì ông tỉnh trưởng Ba Xuyên bấy giờ người Huế), hồ lớn được đào năm 1982 là công trình thủy lợi do hàng ngàn người dân Sóc Trăng đào thủ công.
Năm 2000, trong nỗ lực tạo một sân chơi lành mạnh cho sinh hoạt giải trí của người dân đồng thời cũng làm cơ sở tổ chức các sự kiện quan trọng của địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã cho thành lập Ban quản lý dự án Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt, tiến hành nâng cấp cải tạo, xây bờ kè, tráng nhựa đường nội bộ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, xây dựng các trung tâm hội chợ, triển lãm… và mở rộng diện tích đến 20ha, biến nơi đây thành một địa chỉ văn hóa thực sự trong đời sống tinh thần của người dân địa phương.
Hồ Nước Ngọt đã trở thành điểm đến thân quen của mọi người khi mỗi sáng nhiều bà con vào đây đi bộ, tập thể dục, lớp thanh thiếu niên đến đây chơi thể thao, các em thiếu nhi đến đây giải trí sau giờ học với nhiều trò chơi hấp dẫn, người lao động đến đây để thư giản, hưởng chút không khí trong lành sau một ngày làm việc cật lực… Hiện đang có đề án mở rộng khu công viên này và đào thêm hồ.
Nguyên vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, khi thành phố Sóc Trăng còn mang tên gọi Khánh Hưng thuộc tỉnh Ba Xuyên, vị Tỉnh trưởng lúc bấy giờ là Hoàng Mạnh Thường vốn gốc Huế, muốn tạo một dấu ấn Huế trên vùng đất ông trấn nhậm và cũng để thỏa lòng mong nhớ quê hương, đã cho thực hiện nơi đây một hồ Tịnh Tâm theo nguyên mẫu hồ Tịnh Tâm trong đại nội Huế.
Đến năm 1982, xuất phát từ nhu cầu trữ nước ngọt, chính quyền địa phương đã cho đào thêm một hồ khác phía sau hồ Tịnh Tâm và người dân đã gọi hồ mới là “hồ nước ngọt”. Do nơi đây khung cảnh hữu tình với hai hồ nước được trang điểm bởi hàng phi lao thướt tha, những hàng cây xanh tỏa bóng mát đã trở thành góc hẹn hò thân thiết của lứa tuổi học trò nên các em đã gọi bằng cái tên “Đà Lạt 2” trìu mến.
Đến với Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt, vừa bước qua cổng chính đường Hùng Vương là du khách đã bỏ lại đằng sau những dòng xe cộ ngược xuôi ồn ào để hòa vào một không gian khác êm đềm và đằm thắm với rất nhiều cây xanh, từ những hàng cây sao cao vút, những cây phượng già thắm đỏ cả góc trời, những hàng dương liễu tỏa bóng xuống mặt hồ đến những cây bằng lăng tím chen sắc vàng của chùm hoa bò cạp nước, những hàng cau cảnh duyên dáng … Góp thêm vào vẻ đẹp dung dị còn có đến 70.000 con cá chép vàng óng ả nhỡn nhơ trong hồ như điểm thêm nét nhấn nhá vào những gam màu cổ tích…
Tại Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt còn có khu sân khấu ngoài trời phục vụ các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trung tâm triển lãm và hội chợ với qui mô trên 6.000m² có khả năng bố trí trên 250 gian hàng, siêu thị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân cùng hàng chục quán ăn, quán giải khát khác. Hầu hết các hoạt động văn hóa quan trọng của tỉnh Sóc Trăng đều diễn ra tại đây. Vào mỗi dịp Xuân về, không gian hồ như rực rỡ hơn với các loại hoa kiểng, bonsai vừa phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn tại chỗ, vừa đáp ứng nhu cầu trưng bày của người dân trong những ngày Tết tại gia đình. Điểm tích cực đáng ghi nhận là ngoài các đợt hoạt động văn hóa lớn thì nơi đây mới bán vé vào cổng trong những ngày diễn ra sự kiện, còn những ngày khác hồ Nước Ngọt mở rộng cửa đón tiếp mọi thành phần.
Trong những năm gần đây, hồ còn được làm mới bằng việc lắp đặt hệ thống phun nước tự động kết hợp với ánh sáng nghệ thuật đã tạo nên những kiểu phun và mảng màu độc đáo, nhiều mô hình vui chơi, giải trí phù hợp với nhiều lứa tuổi… Hiện Ban Quản lý Khu văn hóa hồ Nước Ngọt đang có kế hoạch kêu gọi đầu tư nhằm triển khai những công trình mới như khu trò chơi điện tử giải trí, khu vườn thú, vườn thực vật… và tiếp tục hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Hy vọng Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt ngày càng được chăm chút, trở thành điểm đến thân thiện không chỉ của người dân Sóc Trăng mà còn của cả bạn bè đến từ khắp mọi miền đất nước..