Những lễ hội đặc sắc tại Yên Bái

Thứ hai, 31/07/2023, 10:25 GMT+7

Những lễ hội đặc sắc tại Yên Bái - Cũng giống như nhiều tỉnh vùng cao phía Bắc, Yên Bái có nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất này. Khách du lịch sẽ cảm thấy thích thú và muốn trải nghiệm ngay các lễ hội Yên Bái này.

Một sô lễ hội tại Yên Bái:

1. Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải:

Lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và sản phẩm du lịch đặc sắc của Yên Bái tới du khách trong nước và quốc tế. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế du lịch ở đây cũng như tạo nên mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.
Theo như thông tin của ban Tổ chức, sẽ có rất nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn được diễn ra mang dấu ấn riêng của du lịch ruộng bậc thang Yên Bái như: Diễu hành trên đường phố, trải nghiệm hành trình di sản lần thứ 2, lễ hội văn hóa ẩm thực Yên Bái, hội chợ quê tại thị xã Nghĩa Lộ, và triển khai Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”,… Ngoài ra, ngay trên huyện Mù Cang Chải sẽ còn có các hoạt động lễ hội tôn vinh cây chè tổ Suối Giàng, hội thi gã cốm Tú Lệ tại huyện Văn Chấn. Các hoạt động du lịch sinh thái như suối nước nóng, du lịch mạo hiểm tại huyện. Nhằm tôn vinh vẻ đẹp của những ruộng lúa bậc thang chín vàng, đẩy mạnh kinh tế vùng và văn hoá du lịch của Yên Bái nói chung, Mù Cang Chải nói riêng mà hàng năm tại đây, lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức một cách công phu, quy mô lớn và dần trở thành một tour du lịch văn hoá giúp du khách hiểu hơn về mảnh đất vùng cao này.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được coi là một trong những “đặc sản vùng cao” và là mục đích du lịch Đông Tây Bắc của nhiều người. Vào mùa lúa chín thực sự quá đỗi hấp dẫn và trở thành một bức tranh hấp dẫn bất cứ ai vô tình nhìn vào “mùa vàng trên non cao” này.

2. Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà

Lễ hội đền Mẫu Thác Bà có 3 lễ hội chính: Lễ mùa xuân ngày mùng 9 tháng Giêng, lễ hội mùa hè ngày 17 tháng 5, lễ hội mùa thu ngày 10 tháng 10( âm lịch), trong đó lễ hội mùa xuân là lễ hội lớn nhất,  đông đảo bà con nhân dân cùng du khách thập phương lại nô nức về dự hội Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Tương truyền từ thời các vua Hùng, có nàng công chúa tên gọi Minh Đạt được cắt cử trông coi vùng sông Chảy Thác Bà, dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng lúa, dệt vải. Khi bà mất được nhân dân tôn kính, lập đền thờ phụng tại Thác Bà. Đền Thác Bà hay còn gọi là Đền Mẫu Thác Bà, đền quay theo hướng Đông Bắc lứng tựa núi, nhìn ra sông Chảy, nơi đây hội tụ các màu sắc văn hóa dân tộc của 13 dân tộc sinh sống với nhiều lễ hội độc đáo của người Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá,...
Lễ hội được tổ chức tại Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Đến đền Mẫu Thác Bà du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy. Nếu ở phía Nam và phía Đông lên khách có thể đi bằng xe cơ giới đến tận nhà máy thủy điện Thác Bà và lối lên đền Mẫu theo quốc lộ 37 Hà Nội - Yên Bái và tỉnh lộ Tuyên Quang - Thác Bà. Nếu ở phía Tây và phía Bắc tới theo quốc lộ 70 Lào Cai - Hà Nội và đường Đông Hồ phân đoạn Lục Yên - Thác Bà, đi ca nô từ bến cảng Hương Lý và nhiều bến thuyền khác từ các nơi trên hồ Thác Bà đến đền Mẫu.
Nơi đây không chỉ là nơi mang ý nghĩa tâm linh để người dân và hành khách đến chiêm bái, cầu bình an mà còn là điểm hấp dẫn trong hành trình khám phá cảnh quan sinh thái nên thơ của Hồ Thác Bà. Đến đây du khách sẽ được nghe những chiến tích lịch sử gắn với truyền thống giặc ngoại xâm, nơi đây được công nhận là là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh 2004.

3. Lễ hội Cấp Sắc Của Người Dao Đỏ

Cấp sắc là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu của người Dao đỏ để công nhận sự trưởng thành của một người đàn ông, một người phụ nữ. Cùng với nhiều người dân ở tỉnh Yên Bái chào đón năm mới, đồng bào Dao đỏ xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tổ chức nghi lễ cấp sắc. Đây là nghi lễ được lưu truyền từ xa xưa đến nay trong cộng đồng người Dao đỏ, thể hiện khát vọng ấm no, hạnh phúc. Lễ tổ chức hằng năm vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng. Người dao đỏ có thể tổ chức cấp sắc cho tối đa 13 người mỗi đợt , niếu ít thì phải theo số lẻ 3,5,7...
Trong lễ này, sau bước báo cáo tổ tiên của các thầy cúng, tiếng trống chiêng của lễ cấp sắc đã vang lên để báo hiệu buổi lễ cấp sắc của gia đình đã bắt đầu. Các thầy cúng và các cặp vợ chồng là con cái trong gia đình chào hỏi nhau trước bàn thờ tổ tiên để bắt đầu các thủ tục của lễ.
Theo truyền thống của người Dao đỏ, một lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3đèn, 7 đèn, 12 đèn. Với lễ cấp sắc được tổ chức theo bậc 7 đèn trong thời gian 3 ngày, 3 đêm. Các nghi lễ chính trong lễ cấp sắc này gồm lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. Các thầy cúng đánh trống mời tổ tiên về dự, báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ.
Lễ cấp sắc của người Dao mang ý nghĩa giáo dục về truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về nhân cách đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hôi. Nghi lễ giúp bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống cảu người Dao đỏ, góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thêm sắc màu. Khi quý vị đến đúng dịp lễ hội thì sẽ được đoàn người Dao đỏ mặc rực rỡ làm tăng thêm sự sinh động cho vùng núi rừng vùng Tây Bắc.

4. Lễ hội Hoa Ban Mường Lò

Vùng Mường Lò tỉnh Yên Bái là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống và có nhiều phong tục, lễ hội, các tục cúng giỗ đặc sắc. Bên cạnh những lễ hội như: Rằm tháng Giêng, Tết Síp xí, Xên bản, Xên Mường…, lễ hội Hoa ban là một hoạt động văn hóa khá tiêu biểu của vùng đất và cuộc sống tinh thần của người Thái Mường Lò. Hội Hoa ban là ngày vui của họ hàng, của bản, mường và là dịp cho trai, gái gặp gỡ, hò hẹn. Cứ đến ngày 5/2 âm lịch hàng năm, lễ hội Hoa ban được tổ chức. Địa điểm tổ chức thường là ở hang Thẳm Lé. 
Sự tích về hoa ban gắn liền với chuyện tình bi thương nhưng sâu nặng trong câu chuyện cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Chuyện kể rằng: Thuở xa xưa, có một người con gái Thái xinh đẹp tên là Ban, đem lòng yêu chàng trai nghèo cùng bản nhưng bị cha mẹ cấm cản và ép gả cho con nhà tạo mường giàu có.
Buồn bã và đau khổ, nàng chạy vào rừng tìm người yêu nhưng gọi khản cả tiếng mà không thấy bóng dáng chàng đâu. Sau khi vượt qua một dãy núi cao, nàng đã kiệt sức và ngã gục bên một tảng đá.
Nơi nàng nằm xuống mọc lên một cây hoa có búp trắng muốt như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu sau, loài hoa ấy đã mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc.
Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban. Từ bao đời nay, hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa – tâm linh của nhân dân vùng Tây Bắc.

Với mục đích tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp hoa ban, khẳng định giá trị, vị trí của hoa ban trong đời sống văn hóa, tinh thần các dân tộc ở Điện Biên, từ năm 2014, tỉnh Điện Biên đã tổ chức thường niên Lễ hội hoa ban vào dịp tháng 3 – mùa ban nở. Lễ hội là dịp để quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên tới du khách cũng như bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó bảo tồn và phát triển các loại hình di sản văn hóa dân tộc tiêu biểu; biến các giá trị di sản thành nguồn lực nội tại để thúc đẩy du lịch; kết nối với những tiềm năng, thế mạnh khác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên.

5. Lễ hội Bung Lỗ Yên Bái:

Lễ hội “Bung Lổ”, hay còn gọi lễ hội Cầu mưa truyền thống của người Dao Họ (Dao quần trắng) xã Đông An, huyện Văn Yên mang đậm giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của người Dao Họ. Hàng năm lễ hội “Bung Lổ” sẽ được tổ chức vào khoảng từ ngày 5 đến ngày 15 của tháng 5 Âm lịch. Khác với Lễ cấp sắc của người Dao đỏ, lễ hội này người chủ trì là thầy múa, đồng thời cũng là người giữ vai trò chủ đạo, điều khiển tiến trình của lễ hội.
Từ “Bung Lổ” trong ngôn ngữ của người Dao là cầu mưa. Do đó họ tổ chức  lễ hội này để cầu trời đất, cầu Ngọc Hoàng, Thiên Lôi và các vị thần linh cùng ông bà tổ tiên phù hộ cho dân làng mưa thuận gió hòa. Dân tộc Dao từ xa xưa sống chủ yếu dựa vào ruộng, nương, tự cung tự cấp với phương thức canh tác cổ truyền dựa vào tự nhiên là chính. Trước đây, thời tiết hạn hán kéo dài, mùa màng thất thu từ 3 đến 5 năm, người Dao Họ trong xã lại họp nhau lại tổ chức Lễ hội “Bung Lổ”. Như vậy họ mới có thể có mùa màng bội thu, thu hoạch thóc đầy bồ, chăn nuôi lợn đầy nhà, gà đầy sân. Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ sẽ được tổ chức với quy mô toàn xã, vì thế nên công tác tổ chức thường sẽ được bàn bạc và thống nhất rất kỹ lưỡng.
Sau khi thống nhất tổ chức lễ hội, dân làng quyết định chọn và tổ chức tại một gia đình trong xã. Gia đình được chọn phải là nhà có uy tín trong làng và trong nhà cũng có người làm “thầy đạo” hoặc “thầy múa”. Chủ nhà phải là người am hiểu về lễ hội và có kinh nghiệm trong tổ chức lễ hội.
Trong lễ hội, các lễ vật và dụng cụ liên quan đến nghi lễ như: lợn, gà, rượu, gạo, hương, giấy bản màu… được chủ nhà lo liệu. Lễ vật cần thiết trên bàn thờ chỉ là mâm cúng đơn giản, các lễ vật chỉ mang tính tượng trưng, ý tưởng. Ngoài ra còn sử dụng thêm một số dụng cụ khác như: lán cúng “Màn giù”, mâm cúng, mặt nạ, cờ đuôi rồng, thanh la, đao, kiếm gỗ…
Tiếp theo là hai người múa “vạn pù” cầm dải vải có tua múa theo điệu “trừ tà”. Người đeo mặt nạ là ông “sán cô” tượng trưng cho người khai thiên lập địa, múa các điệu mang tính chất vui hoặc mang tính phồn thực làm động tác giao lưu với đất trời. Đi giữa là một thầy cầm sách và kiếm phép, cái lanh, “lệnh bài”, theo sau là một vài học trò. Đến gần khu vực lán cúng, thầy làm lễ xua đuổi tà ma lấy lán làm lễ cầu mưa. Tiếp theo là màn cúng “Thào Phanh” (cúng, múa mời tổ tiên). Màn cúng này được tiến hành trong nhà, ở gian chính giữa có đặt bàn thờ.
Đến cuối màn cúng là giai đoạn thăng hoa và hóa phép của thầy cúng, biến hóa ngọn nến trong mâm thành những viên ngọc có các màu xanh, đỏ, trắng khác nhau và tặng gia chủ. Những viên ngọc này chỉ là hình ảnh tượng trưng, được những người tham gia trong lễ hội tưởng tượng ra. Gia đình nào tổ chức lễ hội cầu mưa mà thầy hóa phép thành ngọc và được tặng viên ngọc đó thì năm đó không chỉ riêng gia đình này mà cả dân làng được phù hộ làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.
Màn cúng thứ 3 là cúng vào lán (Pẹa Tàn). Bắt đầu vào màn cúng, cả thầy đạo và thầy múa cùng làm thủ tục cúng tế. Nội dung bài cúng vẫn là báo cáo và mời thần linh, tổ tiên về dự lễ cầu mưa và công nhận, phù hộ cho con cháu mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm. Ban đêm lại diễn ra màn múa cao trào nhất của lễ hội Cầu mưa. Các thầy dùng gậy, kiếm, đao để múa, mặt nạ không được dùng múa trong màn này. Màn cũng này có điệu múa gà độc đáo. Gà ở đây là gà thật để múa và dâng lễ.
Mỗi vị thần tới dự đều được dâng cúng lễ một con gà. Những con gà này đều do các thầy cầm múa. Các thầy phụ lễ cầm gà múa khắp lán thờ nhằm nhặt hết xấu xa. Đội hình múa theo hình vòng tròn, mỗi vòng múa động tác khác nhau như múa dứ mổ, múa để gà trên đầu gối nhảy lò cò, múa cầm gà ngang lưng, múa dâng gà lên cao, mỗi động tác múa ba vòng. Kết thúc múa gà là điệu trống đổ hồi chín tiếng, tượng trưng gà vỗ cánh bay cao, bay xa, mang xấu xa đổ ra sông, ra biển.
Màn cúng có ý nghĩa quan trọng nhất trong lễ hội là cúng lấy dòng làm nước, đánh dấu sự thành công của lễ hội. Khi hai thầy ngồi trên đài, ở phía dưới bà con dân bản sẽ lấy cỏ, cây đốt thành ngọn lửa. Hành động có ngụ ý hăm dọa, nếu không lấy được con dòng về làm nước sẽ tiếp tục đốt lửa thiêu cháy con dòng.
Màn này diễn ra trong hai tiếng, thường thì sau khoảng thời gian đó sẽ có mưa thật. Nhưng đợi mãi trời không mưa, họ làm một dòng nước giả tưới đều khắp giống như có mưa tới. Khi có mưa, tất cả mọi người cùng hô to “Có mưa rồi”. Như vậy có nghĩa là Ngọc Hoàng đã nghe thấy lời cầu khấn của thần dân dưới hạ giới, sai thiên lôi tạo mưa cứu giúp dân bản. Ơn Ngọc Hoàng, thần linh, tổ tiên phù hộ cho mưa xuống, gia chủ mổ lợn, gà làm lễ vật tạ ơn. Một con lợn được mổ ra chia làm nhiều phần, làm lễ cúng, khấn dâng lễ vật tạ ơn đến từng vị.

6. Lễ hội Tằng Cẩu:

Một tục lệ không thể thiếu của các cô gái Thái Đen Mường Lò Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái) trước khi về nhà chồng, phải tiến hành nghi Lễ Tằng Cẩu để rũ đi những vẩn đục của quá khứ, được nhẹ nhàng, thanh sạch, bước vào một cuộc sống mới.
Cô dâu được búi tóc ngược lên đỉnh đầu trong lễ Tằng Cẩu, để thông báo cho mọi người biết mình đã có chồng. Lễ Tằng cẩu được thực hiện theo từng bước rất cụ thể, chặt chẽ và độc đáo. Lễ vật nhà trai chuẩn bị cho cô dâu gồm: 1 sải khăn piêu, khít, đôi vòng tay và hoa tai bạc, nhẫn vàng hoặc bạc, trâm cài tóc, chiếc gương nhỏ, chiếc lược sừng và 1 lọn độn tóc đem sang nhà gái tặng cô dâu.
Trong ngày làm lễ Tằng cẩu, nhà trai cử một đoàn sang nhà gái gồm những thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khỏe mạnh, tháo vát, am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán và thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới. Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu.
Các bước tiến hành lễ, trước tiên là phần gội đầu cho cô dâu, hai cô gái phù dâu sẽ giúp cô dâu xoã tóc và gội đầu bằng Nặm Khảu má (nước ngâm gạo nếp) đựng sẵn trong ống tre nứa cùng với nước đun lá bưởi, lá xả, tre ngà, hương nhu, long não. Bởi người Thái Đen tâm niêm dưới làn nước trong mát của dòng suối, nước suối sẽ cuốn trôi đi tất cả những gì mòn cũ của ngày quá khứ và để được nhẹ nhàng, thanh sạch bước qua một cuộc sống mới. Sau khi, gội đầu xong, cô dâu sẽ vấn tóc quanh đầu rồi cùng chúng bạn trở về bản.
Từ chân cầu thang, cô được đón rước và bước chậm rãi từng bậc lên nhà sàn. Đến Tang chan (ngoài sàn) cô ngồi vào giữa một hàng ghế mây, hướng về phía mặt trời mọc. Hai thiếu nữ phù dâu cùng phụ nâng khay đựng đồ trang sức do nhà trai mang sang.
Tiếp đó, Nai cẩu (người được chọn để Tằng cẩu cho cô dâu) đứng ở phía sau lưng cô, nhẹ nhàng chải tóc rồi dùng hai tay vuốt ngược tóc từ phía sau gáy lên kèm theo lọn tóc độn và búi cuốn chặt lại từ trái sang phải hoặc ngược lại. Khi búi tóc đã hoàn chỉnh. Nai cẩu khẽ nâng chiếc trâm bằng bạc xuyên búi tóc để giữ cho cẩu không thể xổ rối tung và chiếc trâm bạc xinh xắn nổi bật trên nền đen óng mượt của búi tóc cô dâu mới.
Khi lễ Tằng Cẩu xong, Nai cẩu khẽ hát những lời dặn dò yêu thương và chúc mừng hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa “Mái tóc dài, chải cho mượt/ Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”/ Từ nay về sau, người đã có chồng/ Nước không đổi dòng/ Lòng không đổi hướng, con ơi”.
Lễ Tằng cẩu được người Thái đen coi trọng, bởi nó để lại dấu ấn quan trọng trong suốt cả cuộc đời người phụ nữ dân tộc này.
Dân tộc Thái có vốn văn học cổ truyền quý báu với kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao…cùng nhiều điệu múa (khắp) độc đáo: xoè Thái, múa sạp. Và một nét văn hóa độc đáo, làm nên nét riêng có của núi rừng Tây Bắc chính là Lễ Tằng Cẩu của người Thái Đen.
Ý kiến bạn đọc