Tháp Hòa Lai – Di tích cổ của vương quốc champa còn sót lại

Thứ ba, 26/09/2023, 16:10 GMT+7
Là một cụm đền tháp Chăm nổi tiếng tại Ninh Thuận mang phong cách kiến trúc nghệ thuật điển hình của Champa trong khoảng thế kỷ IX đến thế kỷ XII.
Ninh Thuận, hiện có hai ngọn tháp Chăm đứng cạnh Quốc lộ 1A, nhưng lại được gọi là Ba Tháp, bởi trong quá khứ tại đây có ba ngôi tháp nhưng có một ngôi tháp đã bị sụp đổ nên mới có tên gọi như vậy. Ngoài tên gọi Ba Tháp, người Ninh Thuận còn gọi đây là đền tháp Hòa Lai. Xưa kia địa danh này mang tên là Bal Lai (thủ đô đã điêu mất). Chính từ Bal Lai này đã được phiên âm thành Hòa Lai.
Tháp Hòa Lai nằm ở huyện Ninh Hải, phía bắc của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, cách ranh giới Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 8km. Tháp Hòa Lai Ninh Thuận gồm ba tháp, nằm trên khu đất cao có hình chữ nhật dài khoảng 200m và rộng gần 130m. Cụm tháp này ngoài ba tháp chính còn có khá nhiều công trình phụ trong đó có tháp cổng, tường bao, khu sân ngoài có nhà dài,…nhưng đến nay chỉ còn là vết tích.
Được xây dựng ở thế kỷ IX, qua thời gian, không chỉ các công trình phụ bị hư nát, tháp trung tâm bị hư hại khá nhiều chỉ còn lại phần nền, ngay cả ba tháp hiện cũng chỉ còn 2 tháp ở phía Bắc và phía Nam. Tuy nhiên, những gì còn lại đều rất hòa hợp với nhau, thể hiện một chất riêng rất đặc biệt:
+ Ngôi Tháp Bắc cao, hoàn toàn được xây bằng gạch, mặt tường gạch chạm khắc hoa văn mặt chim, thú huyền thoại, hoa lá… đầy tinh xảo. Ở hướng Đông tháp có một cửa vào, 3 hướng còn lại chỉ là cửa giả như bao đền tháp khác. Càng vào trong, tháp xây dựng gạch nhỏ dần lên, có các ô hình tam giác để gắn đèn khi cúng tế.
+ Tháp Nam cao hơn Bắc, cũng được xây bằng gạch, mặt tường gạch chạm khắc hoa văn nhưng ở dạng đang phác thảo. Toàn bộ thân tháp là một khối lập phương khoẻ nhô lên từ một phần bệ vuông và đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn.
Đúng thuần theo phong cách nổi bật một thời, lối trang trí hoa văn bên của tháp Nam và Bắc độc đáo ở vòm cửa tò vò trùm trên cửa ra vào, ở các trụ ốp, ở bộ diềm mái, các cửa giả và ô khảm của các tầng mang nét rất xưa và riêng. Đặc biệt là vành của cửa vòm được phủ kín bằng những hoa văn hình cuộn vọt ra từ miệng của quái vật Kala trên đỉnh là một điểm nhất rất hấp dẫn. Ngoài ra, lối phong cách hòa lai còn ấn tượng bởi hình ảnh của khoảng tường giữa hai trụ ốp được phủ bằng các hình chạm khắc hoa lá; bộ diềm mái là nơi hiện diện những hoa văn tràng hoa chạy dài và hình các thần điểu Garuda đang xoè cánh…
Trải qua một chặng đường dài với nhiều thăng trầm và bị bỏ rơi, đến nay Tháp Hòa Lai Ninh Thuận đã được quan tâm, chú trọng hơn rất nhiều. Hy vọng trong tương lai rất gần, du khách khắp nơi mỗi khi ghé thăm Ninh Thuận, đều có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàn thiện của cụm tháp Hòa Lai sau khi đã được trùng tu.
Ý kiến bạn đọc