Những lễ hội truyền thống và đặc sắc nhất ở Kon Tum
Lễ hội cồng chiêng là một lễ hội được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hoá cồng chiêng tại Tây Nguyên. Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Đó không những là một sự kiện quan trọng của người dân tây nguyên mà còn cả với đất nước Việt Nam. Trong lễ hội nghệ nhân của các tỉnh sẽ trình bày, biểu diễn không gian văn hoá của dân tộc và của tỉnh mình.
Ở Kon Tum, cùng với đàn T'rưng, Klông Pút, Đinh Túk, cồng chiêng là nhạc cụ đặc trưng nhất của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Ngoài vai trò là phương tiện diễn tấu dân gian, cồng chiêng còn thể hiện quyền uy, sự giàu sang của gia đình, dòng tộc, bản làng, là vật thiêng trong tín ngưỡng tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cồng chiêng và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum khá đa dạng, phong phú. Đặc điểm chung, nổi bật của dàn cồng chiêng là sự kết hợp linh hoạt những âm thanh cao, thấp, tạo nên sự phối bè khác nhau. Kết hợp với cồng chiêng còn có cả trống, lục lạc... tạo nên sự hoà âm phong phú. Quyện hoà trong tiết tấu, giai điệu của cồng chiêng là những âm thanh nghe như giai điệu của rừng đại ngàn, của suối reo, thác chảy; lấp lánh sắc màu của nắng, của gió, của đất; là tâm hồn mộc mạc, chân thành, khoáng đạt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Có bộ thì âm điệu trầm hùng, đĩnh đạc như là một sự giới thiệu về đại ngàn Kon Tum hùng vĩ, có bộ thì âm điệu lại réo rắt, nỉ non với những giai điệu, tiết tấu hòa quyện như những lời tự sự kể về những truyền thuyết, những câu chuyện về những dòng sông, con suối, cánh rừng, mùa màng, về đất và người Kon Tum…hết sức trữ tình bằng ngôn ngữ âm thanh vô cùng độc đáo, chỉ riêng có ở nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng.
Thời gian tổ chức: 25/10 hàng năm
Địa điểm: Đồng bào dân tộc Xơ Đăng
Lễ hội mừng lúa mới thường được tổ chức vào khoảng tháng 10 (âm lịch) khi lúa đã chín rộ. Tùy theo phong tục của từng làng mà lễ hội được tổ chức theo quy mô và hình thức khác nhau. Khi lúa bắt đầu chín, già làng thống nhất ngày tốt để chuẩn bị tổ chức nghi lễ mừng lúa mới. Các gia đình chủ động sửa sang nhà cửa, vật dụng trong nhà, người Xơ Đăng cho rằng làm như vậy để thần lúa khi từ rẫy về nhà sẽ không thấy không gian trở nên xa lạ.
Trong ngày này, người phụ nữ chuẩn bị các vật dụng thiêng dùng trong nghi lễ của gia đình, như: gùi thiêng, nồi nấu cơm cúng, dây sirh jrông hoặc dây chỉ (sirh prệh). Lễ mừng lúa mới bắt đầu với nghi thức bà con mang lễ vật gồm ghè rượu, cơm, thịt, ống nứa đi đến bến nước để lấy nước về với buôn làng mình cùng nhau ăn mừng lúa mới.
Lễ hội mừng lúa mới sẽ diễn ra tại mỗi gia đình và tiếp đó là tại nơi sinh hoạt cộng đồng của làng. Khi những bông lúa đã chín rộ, chủ hộ đưa các thành viên trong gia đình đến rẫy lúa của mình dọn cỏ, phát đuờng chuẩn bị thu hoạch lúa. Khi đến rẫy lúa, chủ hộ đến chỗ lúa chín đều nhất đọc lời khấn với ông Trời (Giàng), xin Thần Lúa (Na Soai) cho họ rước hồn lúa về với dân làng, với nhà của mình. Sau đó, cả gia đình bắt đầu công việc tuốt lúa. Tuốt lúa xong, họ đưa lúa về kho để cất giữ, mỗi gia đình chỉ mang một gùi lúa lớn về nhà để cúng lúa mới, trên đường mang lúa về nhà, khi gặp ngã ba, ngã tư, đường rẽ…họ bẻ một cành cây chắn ngang các lối đi phụ, chỉ để lại một lối đi chính từ kho lúa về nhà mình với suy nghĩ không để cho hồn lúa đi lạc lối khác.
Tại kho lúa của gia đình, người phụ nữ lấy cây đót đặt lên cầu thang và cửa kho, bà cất lúa vào kho, khấn thông báo với các thần linh biết gia đình mang lúa mới về kho, cầu mong hồn lúa khỏe mạnh, ở yên trong kho, không lạc mất, cầu mong thần linh phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, no đủ quanh năm. Làm lễ xong, người phụ nữ tiếp tục mang số lúa còn lại vào nhà. Lúc này, một phần lúa được đặt trên giàn cúng, một phần lúa khác được đem rang lên.
Bữa cơm đầu mùa dâng cho thần linh với đại ý kính cáo với các thần về lễ ăn lúa mới, xin cho kho thóc đầy, xin cho thú rừng không phá mùa màng.... Thức ăn chuẩn bị trước của mỗi gia đình để ăn cơm mới gồm: thịt rừng, cá suối, rượu ghè. Họ bày mâm cơm, rượu ghè ra giữa nhà. Sau lời khấn của chủ hộ, chủ hộ sẽ nắm vắt cơm đầu tiên để ăn, uống rượu, tiếp đó, mọi người trong gia đình cùng ăn, uống rượu, múa hát đánh chiêng vui vẻ.
Từ sáng sớm của ngày bắt đầu lễ hội, tất cả các gia đình trong làng đều phải đóng kín cửa, không ai được phép ra vào, cơm và các loại thức ăn được nấu sẵn và để lên giàn bếp, rượu ghè cũng được các gia đình chuẩn bị đầy đủ. Già làng là người đầu tiên được phép mở của và đi một mình đến nhà Rông. Sau đó, già làng đánh một hồi trống báo hiệu cho tất cả nam giới trong làng mang lễ vật như: Heo, gà, cá suối, rượu ghè tập trung về nhà Rông. Lễ vật được bày tại cột chính giữa nhà Rông.
Sau lời khấn của già làng: “Ơ Giàng, ơ Thần lúa, hôm nay hồn lúa về với làng chúng tôi, chúng tôi cầu mong thần lúa cho chúng tôi sang năm mới và mãi mãi đừng thiếu lúa để ăn, dân làng không phải đói, xin hồn lúa hãy ở với chúng tôi, cho chúng tôi được no đủ”, già làng ăn cơm mới và uống rượu làm phép, các thành viên trong làng lần lượt uống rượu và ăn cơm mới. Uống rượu ở nhà Rông xong, già làng đưa tất cả mọi người ở nhà Rông lần lượt đi đến từng gia đình trong làng đến mỗi nhà, các gia đình mang cơm rượu, thức ăn ra tiếp đoàn. Già làng làm phép và sau đó mọi người cùng ăn cơm, uống rượu tượng trưng, rồi lại tiếp tục đi đến nhà khác.
Khi đã đi đến tất cả các gia đình trong làng, đoàn lại quay lại nhà Rông, và lúc này tất cả các lễ vật được đưa ra vị trí cây nêu trước nhà Rông. Già làng thông báo cho tất cả các thành viên trong làng tập trung về nhà Rông để mở hội “Ăn mừng lúa mới”. Rượu ghè và thức ăn từ mỗi gia đình được lần lượt mang tới nhà Rông, cả cộng đồng cùng uống rượu, múa hát, đánh cồng chiêng. Đồng bào cứ thế vui hội cho đến khi lửa đã tàn, rượu đã nhạt, mọi người tạm nghỉ, lễ hội chính “mừng lúa mới” của người Xơ Đăng xem như kết thúc đồng bào lại cùng hẹn nhau mùa tới sẽ no đủ hơn, sung túc hơn.
Lễ hội đường phố (lễ hội cồng chiêng) Kon Tum là nơi hội tụ đồng bào các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) được tổ chức ngày 19-03-2016 tại thành phố Kon Tum tỉnh Kon Tum, lễ hội được tổ chức luân phiên trên 5 tỉnh Tây Nguyên, mỗi năm 1 tỉnh
Đây là một trong những sự kiện trọng điểm của Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên đang diễn ra ở Kon Tum (kéo dài từ ngày 18/3-23/3). Tham gia lễ hội có hơn 500 nghệ nhân, nghệ sĩ quần chúng ở 14 đoàn (trong đó có 10 đoàn đến từ các huyện, thành phố của Kon Tum và 4 đoàn đại diện cho các tỉnh ở Tây Nguyên Việt Nam.
Với những người dân sinh sống và làm việc tại thành phố Kon Tum - nơi diễn ra lễ hội đường phố thì đây có lẽ là dịp may mắn để họ được trở về với những nét văn hóa xa xưa của từng dân tộc. Những nhạc cụ, những điệu múa, những tiết tấu cồng, chiêng cùng những trang phục văn hóa đại diện cho từng nhóm dân tộc là điểm nhấn cho lễ hội đường phố năm nay. Trên mỗi đoạn đường có đoàn nghệ nhân đi qua, hàng nghìn người dân chen kín hai bên đường để cùng nhau thưởng lãm.
Hòa trong không khí lễ hội đường phố ấn tượng này, người dân và du khách có cơ hội trải nghiệm không khí lễ hội của đồng bào các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên. Đồng thời, tìm hiểu văn hóa truyền thống bản địa của đồng bào ở các tỉnh Tây Nguyên qua các nhạc cụ truyền thống, các trò chơi dân gian... được các nghệ nhân, nghệ sĩ quần chúng trình diễn trong suốt hành trình của lễ hội.
Trong âm vang cồng chiêng - linh hồn của nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc ở “miền mơ tưởng”, các đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ của đồng bào các dân tộc Bana, Gia Rai, Giẻ Triêng, Xơ Đăng... ở 5 tỉnh Tây Nguyên diễu hành qua các tuyến phố trong sắc phục truyền thống của dân tộc mình.
Thời gian tổ chức: Tháng 11 - 12 Dương lịch hàng năm
Địa chỉ: Vùng Ba Na, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum
Puh Hơ Drih là một trong những lễ hội ở Kon Tum đặc sắc được tổ chức sau khi thu hoạch mùa màng. Khi đó người đứng đầu buôn làng sẽ tổ chức cho mọi người cùng nhau sửa sang lại nhà rông và các máng nước để đón lễ hội. Người Rơ Ngao quan niệm, lễ hội nổi tiếng ở Kon Tum này được tổ chức với ý nghĩ cầu mong cho dân làng luôn được ấm no, tránh xa dịch bệnh và các thế lực xấu. Lễ hội được tổ chức tại nhà Rông với phần cúng lễ và hiến tế bò, gà, heo... Tất cả mọi người dân trong buôn làng cùng nhau mặc trang phục truyền thống, đánh cồng chiêng, liên hoan ẩm thực và ca hát...
Hiện nay, lễ hội Puh Hơ Drih không chỉ là hoạt động tâm linh truyền thống với ý nghĩa cảm ơn đất trời ban cho mùa màng bội thu, mà còn là dịp để tất cả mọi người dân cùng nhau vui chơi, uống rượu cần và đánh cồng chiêng. Lễ hội được tổ chức cũng là dịp để người dân thể hiện tinh thần đoàn kết và bảo tồn những nét đẹp văn hóa cho thế hệ mai sau.
Lễ bỏ mả hay còn gọi là lễ Pơ thi. Đây là lễ hội lớn của người Jrai và Bahnar. Người Jrai và Bahnar cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên tin rằng, sau khi chết, linh hồn sẽ về thế giới bên kia sống với tổ tiên. Nhưng linh hồn của người chết không đi hẳn, không sống hẳn với thế giới bên kia, mà sau một thời gian sẽ trở lại- tái sinh làm người bằng cách nhập vào thể xác của những đứa trẻ. Chính do quan niệm như vậy nên họ có cách ứng xử riêng với người chết, và có tục làm lễ bỏ mả để tiễn đưa linh hồn người chết ra đi.
Chỉ sau lễ bỏ mả đó, linh hồn người chết mới hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc với cuộc sống, mới thực sự về với cội nguồn của mình, còn người sống thì được giải phóng khỏi mọi liên hệ với người chết.
Lễ bỏ mả là một trong những lễ hội mang sắc thái văn hóa độc đáo nhất của người Tây Nguyên, là cả một truyền thống ứng xử đầy tính nhân văn của người sống đối với người chết. Tiếng cồng chiêng trầm hùng, những điệu múa trang trọng lưu luyến, những ngôi nhà mồ uy nghi, những pho tượng mồ trầm tư đầy gợi cảm, những bữa ăn cộng cảm với những món ăn truyền thống, những bài cúng lâm ly tràn đầy chất văn nghệ dân gian… tạo nên bức tranh văn hóa sống động của lễ hội bỏ mả, góp phần cùng với những lễ hội khác tô điểm cho bức tranh văn hóa Tây Nguyên giàu bản sắc, vô cùng độc đáo, hấp dẫn, lôi cuốn một cách kỳ lạ.