Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa - Tri ân, tôn vinh Anh hùng dân tộc Lê Lợi
Hăm mốt, hăm hai tháng 8 âm lịch hằng năm, đất trời Xuân Lam và Thị trấn Lam Sơn huyện Thọ Xuân tưng bừng khai hội Lam Kinh - một trong những lễ hội truyền thống điển hình nhất xứ Thanh gắn liền tên tuổi, sự nghiệp của người anh hùng dân tộc áo vải, cờ đào - Lê Lợi. Về dự hội, du khách dâng hương kính bái Cao Hoàng Đế- Lê Thái Tổ, chiêm ngưỡng tòa điện uy nghi cổ kính và tinh thần bỗng thấy hào sảng khi thưởng thức trò diễn Xuân Phả độc đáo.
Lễ hội Lam Kinh ra đời ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22/8 âm lịch năm Quý Sửu (1433) và theo một tiền lệ, cứ ba năm được tổ chức một lần. Từ năm 1995 đến nay, tại khu điện cổ Lam Kinh, nơi an nghỉ của Cao Hoàng đế Lê Thái Tổ và các vua, hoàng hậu triều Lê Sơ, Lễ hội Lam Kinh thường niên được tổ chức với quy mô hoành tráng, ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương về dự hội.
Đi hội Lam Kinh, du khách được hòa mình vào một khung cảnh thiên nhiên trong lành, khoáng đạt. Nơi có dòng sông Chu êm đềm, cánh rừng Lim đại ngàn, muôn loài chim quý tìm về làm tổ và cây đa thị ngàn năm tuổi vẫn sống với mạch nước Tây Hồ; dự lễ Tế vua theo nghi thức truyền thống tái hiện nhiều sự kiện trọng đại của thời Lê. Tiếng cồng chiêng và trống hội làm bừng tỏa một không gian núi rừng và ở đấy hào khí Lam Sơn - mạch nguồn văn hóa dân tộc cứ ngấm chảy vào tâm thức của mỗi người đi hội.
Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh tái hiện các sự kiện như Hội thề Lũng Nhai; Lê Lai cứu chúa; giải phóng thành Đông Quan; Vua Lê Thái Tổ đăng quang và không kém phần hấp dẫn ấy là trò diễn Xuân Phả, một trò diễn dân gian đặc sắc có từ thời Đinh mà người Thanh từng ví “ Ăn bánh với giò không bằng xem trò làng Láng” (làng Láng là làng Xuân Phả nơi sản sinh ra tích trò).
Xem trò Xuân Phả, du khách sảng khoái tâm hồn với tinh thần thượng võ, đua sức, đua tài. Ở nhóm trò chính du khách có cơ hội tìm hiểu mối quan hệ bang giao giữa nước ta và các nước láng giềng trong lịch sử qua các tích: Hòa Lan, Chiêm Thành, Tú Huần, Ai Lao, Ngô Quốc. Ấn tượng với các đạo cụ diễn trò như Lốt Voi, Hổ, Ngựa, Kỳ Lân, Gậy trúc… hay những bộ trang phục của ông Phổng, ông Chúa, của Mế nàng được người Xuân Phả công phu làm từ các chất liệu dân gian. Và hơn cả là màn biểu diễn nghệ thuật nhảy múa Siêu đao, Phất cờ, Chèo thuyền, Múa quạt của các nghệ nhân dân gian sẽ làm cho du khách càng không thể quên trò diễn Xuân Phả.
Tuy là điệu múa hát riêng của một làng, nhưng từ lâu, trò diễn Phả đã trở thành vốn di sản lừng danh của người xứ Thanh. Từng được biểu diễn tại Kinh thành Huế thời vua Bảo Đại, tiếng vang tận ra nước ngoài, và hiện nay trò Xuân Phả là sản phẩm du lịch độc đáo làm thi vị hơn chuyến hành hương đi hội Lam Kinh của du khách trên đất quê Thanh.