Cẩm nang du lịch tỉnh Thanh Hóa tất tần tật từ A đến Z

Thứ sáu, 22/09/2023, 14:04 GMT+7

Cẩm nang du lịch tỉnh Thanh Hóa tất tần tật từ A đến Z

1. TỔNG QUAN VỀ THANH HÓA

1.1. Vị trí địa lý:
Thanh Hoá nằm ở cực Bắc Miền Trung, cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.560km. Phía Bắc giáp với ba tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Ninh Bình, phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), phía Đông là Vịnh Bắc Bộ.
Thanh Hoá nằm trong vùng ảnh hưởng của những tác động từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Lào và vùng trọng điểm kinh tế Trung bộ, ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi như: đường sắt xuyên Việt, đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ 1A, 10, 45, 47, 217; cảng biển nước sâu Nghi Sơn và hệ thống sông ngòi thuận tiện cho lưu thông Bắc Nam, với các vùng trong tỉnh và đi quốc tế. Hiện tại, Thanh Hóa có sân bay Sao Vàng và đang dự kiến mở thêm sân bay quốc tế sát biển phục vụ cho Khu kinh tế Nghi Sơn và khách du lịch.

1.2. Khí hậu:
- Thanh Hoá nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với 4 mùa rõ rệt.
- Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1600 - 2300mm, mỗi năm có khoảng 90-130 ngày mưa. Độ ẩm tương đối từ 85% đến 87%, số giờ nắng bình quân khoảng 1600-1800 giờ. Nhiệt độ trung bình 230C - 240C, nhiệt độ giảm dần khi lên vùng núi cao .
- Hướng gió phổ biến mùa Đông là Tây bắc và Đông bắc, mùa hè là Đông và Đông nam.
Đặc điểm khí hậu thời tiết với lượng mưa lớn, nhiệt độ cao, ánh sáng dồi dào là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

1.3. Lịch sử dựng nước và giữ nước

- Cuộc khởi nghĩa của Chu Ðạt (156 - 160)

- Cuộc khởi nghĩa bà Triệu (Triệu Thị Trinh) năm 248

- Thời nước Vạn Xuân, Lý Nam Ðế (542 - 556)

- Cuộc khởi nghĩa của Lê Ngọc (đầu thế kỷ VII)

- Thời Dương Ðình Nghệ (? - 937)

- Thời Ngô Quyền (938 - 968)

- Thời Ðại Cồ Việt - Tiền Lê (968 - 1009)

- Thời Nhà Lý (1010 - 1225)

- Thời nhà Trần (1226 - 1400)

- Thời nhà Hồ (1400 - 1407)

- Cuộc kháng chiến 10 năm chống nhà Minh(1418 - 1428)

- Thời Lê sơ (1428 - 1516)

- Thời Lê Mạc (1516 - 1788)

- Thời Tây Sơn

- Thời nhà Nguyễn (1802 - 1945)

- Thời hiện đại

Tháng 9/1942, Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hoá thành lập. Ngày 24/7/1945, nhân dân huyện Hoằng Hoá giành chính quyền huyện thắng lợi. Ngày 19/8/1945, nhân dân thành phố Thanh Hoá và một số huyện tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi. 4 ngày sau, cách mạng thành công trên toàn tỉnh. Ngày 23/8/1945, chính quyền cách mạng tỉnh Thanh Hoá ra mắt đồng bào ở thị xã Thanh Hoá. Ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Cùng với cả nước, lịch sử Thanh Hoá bước vào thời kỳ phát triển mới. Trong thời đại phong kiến, người dân Thanh Hoá đã ghi lại những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, mở nước và giữ nước của cả dân tộc Việt Nam. Thanh Hoá là nơi phát tích của các vương triều: Tiền Lê, Hậu Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, triều Nguyễn. Trong sự nghiệp cách mạng ngày nay, người dân xứ Thanh cũng góp phần xứng đáng đối với cả nước để xây dựng quê hương mình nhanh chóng trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh.

2. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN

Thanh Hóa thuộc vùng Bắc Trung Bộ, điểm cực bắc của tỉnh cách thủ đô Hà Nội 150km. Theo kinh nghiệm du lịch Thanh Hóa, tùy vị trí xuất phát từ miền Bắc hay miền Nam mà bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng những phương tiện như sau:

2.1. Cách di chuyển từ miền Bắc - Thanh Hóa

Từ miền Bắc, bạn sẽ dễ dàng để di chuyển đến Thành Hóa bằng nhiều phương tiện như: tàu hỏa, ô tô, xe máy… Bạn cũng có thể bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát đi bến xe Thanh Hóa với giá vé khoảng 100.000 - 150.000 VNĐ.

2.2. Cách di chuyển từ miền Nam - Thanh Hóa

Từ miền nam, bạn nên chọn máy bay là phương tiện đến Thanh Hóa nhằm tiết kiệm thời gian. Với chặng bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa có mức giá dao động từ 1.000.000 - 1.500.000 VNĐ/ chiều tùy theo hạng ghế và hãng bay.
Từ cảng hàng không Thọ Xuân, bạn sẽ đến trung tâm thành phố Thanh Hóa bằng taxi, xe đưa rước của khách sạn hoặc xe bus. Ngoài máy bay, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa, xe khách.

3. NHỮNG ĐIỂM THAM QUAN DU LỊCH TẠI THANH HÓA

3.1. Suối Cá Thần Cẩm Thủy

Suối cá thần Cẩm Lương là địa điểm du lịch hot nhất trong thời gian qua, là món quà đặc biệt mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất xứ Thanh. Về với suối cá thần, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, có núi, có rừng, có dòng suối róc rách – nơi đàn cá thần tung tăng bơi lội.
Suối cá thần Cẩm Lương nằm tại bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Con suối này thường được người dân địa phương gọi là suối Ngọc hoặc Mó Ngọc. Suối cá thần Cẩm Lương có chiều dài khoảng 2 km, chảy từ hang đá ở chân núi, đổ ra một cánh đồng thung lũng thoai thoải bên bờ nam sông Mã.
Đoạn suối có cá thần chỉ chừng hơn trăm mét tính từ cửa hang, chiều rộng suối là 3 m. Mực nước ở đây chỉ khoảng 40 cm, nước trong vắt, những vị trí không bị đàn cá che khuất có thể nhìn rõ rong rêu và sỏi đá dưới đáy. Tại suối có đến hàng nghìn con cá lớn nhỏ, trọng lượng trung bình từ 2 – 8 kg. Đặc biệt, cá chúa ở suối còn có cân nặng lên đến 30 kg.
Cá chúa chỉ xuất hiện đôi ba lần vào lúc nước lớn. Các giống cá phổ biến ở suối thường là cá chài, cá mại, cá dốc quý hiếm… Hình dáng của chúng khá lạ, màu sắc sặc sỡ, khi bơi thân cá ánh bạc cực kỳ đẹp mắt. Tuy có mật độ cá dày nhưng nước suối cá thần lại không hề bị tanh, người dân địa phương vẫn thường dùng nguồn nước này để nấu ăn.
Theo quan niệm của đồng bào người Mường ở Thanh Hóa thì suối cá thần là nơi linh thiêng, che chở và bảo vệ cho dân làng. Sự đông đúc của đàn cá thần là đại diện cho sự bình yên, ấm no trong cuộc sống người dân. Không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh, ngày nay suối cá thần Thanh Hóa còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

- Giá vé tham quan, du lịch suối cá thần Thanh Hóa

Muốn vào tham quan suối cá thần Cẩm Lương – Thanh Hóa, du khách phải mua vé với mức giá như sau:
Người lớn: 20.000 VND/ vé.
Trẻ em: 10.000 VND/ vé.
Trẻ em chiều cao dưới 1 m: miễn phí.
Giá vé xe điện: 27.000 VND/ người/ chiều khứ hồi.

- Thời điểm lý tưởng để đi suối cá thần Thanh Hóa

Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương mở cửa đón khách quanh năm nên bạn có thể đến đây vào bất kỳ thời gian nào mà mình muốn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đi suối cá thần Thanh Hóa thì thời điểm lý tưởng nhất để đi du lịch là vào mùa hè, từ khoảng tháng 4 cho đến tháng 9 hàng năm.
Lúc này, thời tiết khá đẹp, nước suối trong và mát, mực nước cao nên sẽ có cả cá chúa. Hình ảnh đàn cá tung tăng bơi lội dưới suối hòa cùng ánh mặt nắng trời lấp lánh sẽ khung cảnh ấn tượng mà bạn không thể nào quên Ngoài ra, bạn cũng có thể đi suối cá thần vào mỗi dịp đầu xuân năm mới để cầu may mắn.

- Phương tiện và cách di chuyển đến suối cá thần Thanh Hóa

Xuất phát từ thành phố Thanh Hóa - Suối cá thần Cẩm Lương cách trung tâm thành phố Thanh Hóa tầm 80 km về phía tây bắc, mất khoảng 2 tiếng để di chuyển. Các cung đường Quốc lộ 45, 47 và Tỉnh lộ 217 đều rất dễ đi.

- Kinh nghiệm đi suối cá thần Thanh Hóa – Các hoạt động thú vị

Là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, suối cá thần Cẩm Lương có rất nhiều hoạt động thú vị đang chờ bạn khám phá, chẳng hạn như:
+ Thưởng ngoạn cảnh đẹp tại suối cá thần, cho cá ăn
+ Tham quan Đền Ngọc và Động Cây Đăng

- Ăn gì khi đến suối cá thần Thanh Hóa?

Đến với suối cá thần Thanh Hóa, bạn sẽ có dịp thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất Thanh Hóa. Theo kinh nghiệm đi suối cá thần Thanh Hóa thì bạn nhất định thử các món ăn sau:
+ Cơm lam ăn cùng gà nướng
+ Nem chua
+ Chả tôm

3.2. Thành Nhà Hồ Thanh Hóa - Tòa thành đá hiếm hoi còn sót lại trên thế giới

Thành Nhà Hồ được xây dựng chỉ trong 3 tháng và sau đó tiếp tục hoàn thiện cho đến năm 1402. Địa hình ở đây hiểm trở, núi dốc và sông bao quanh, vừa có ý nghĩa chiến lược trong việc phòng thủ quân sự, vừa có thể phát huy được ưu thế về mặt giao thông đường thủy.
Thành nội được thiết kế theo hình chữ nhật với chiều dài 870,5m theo chiều Bắc - Nam và 883,5m theo chiều Đông sang Tây. Bốn thành Nam - Bắc - Tây - Đông lần lượt được gọi là tiền - hậu - tả - hữu. Các cổng có trong thành nội được xây dựng theo kiểu vòm cuốn, nhiều lớp đá, và đặc biệt là được xây dựng bởi những phiến đá lớn. Thành Nhà Hồ có trình độ kỹ thuật xây những vòm đá cao. Các phiên đá được sử dụng nặng hàng chục tấn được ráp lại với nhau rất tự nhiên, không có chất kết dính những vẫn còn tồn tại sau 600 năm.
Hào Thành được thiết kế rộng hơn 90 mét, đáy rộng 52 mét và sâu 6,5 mét. Để duy trì sức mạnh của Hào thành, người xưa đã sử dụng đá hộc, đá dăm lót ở phía dưới.
Trước mặt Hạo Thành là tòa La Thành. La Thành hiện nay là tòa thành đất rất lớn với chiều cao 6m, rộng 9,2m, có dốc đứng ở mặt ngoài và phía trong thoai thoải, mỗi bậc sẽ cao 1,5m, có chỗ được lát sỏi để gia cố. Toàn bộ La Thành được xây dựng theo địa thế tự nhiên, tạo thành những bức tường thành thiên nhiên hùng vĩ, có chức năng bảo vệ tòa thành và ngăn lũ lụt.
Đàn Tế Nam giao được xây dựng ở phía nam của tòa thành và phía trong của La Thành với diện tích 35.000 mét vuông. Đàn tế này được chia thành nhiều tầng, trong đó tầng trung tâm cao 21,7m. Phần chân đàn cao khoảng 10,5m. Phần đàn tế trung tâm được bao bọc bởi ba vòng tường.

- Thành Nhà Hồ tọa lạc ở đâu?

Thành nhà Hồ tọa lạc tại thị xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố khoảng 45km và cách Hà Nội khoảng 140km. Tòa thành này từng là kinh đô của Việt Nam và hiện là một trong những nền kiến trúc có nhiều cảnh đẹp ở Thanh Hóa, thu hút nhiều du khách đến tham quan.

- Nên đi du lịch Thành Nhà Hồ vào thời điểm nào trong năm?

Bạn có thể đến tham quan khu di tích này vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nhưng nếu bạn muốn hòa mình vào không khí lễ hội như: Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường, Lễ hội Đền Sòng…thì bạn cần tham khảo thời gian trước khi lên lịch trình đến đây tham quan, du lịch.

- Địa điểm nổi tiếng nên tham quan khi du lịch Thành Nhà Hồ

+  Thành Nhà Hồ
+  Suối Cẩm Lương

- Khi du lịch Thành Nhà Hồ nên ăn gì?

Khi đến với Thanh Hóa, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức những đặc sản nổi tiếng như nem chua Thanh Hóa, dê đá, chè lam Phủ Quảng, bánh gai, chim mía và hải sản. Những địa chỉ ăn uống bạn không nên bỏ qua trước khi đến Thanh Hóa:
+ Chả Tôm, cháo cá ngon nằm trên đường Phan Chu Trinh
+ Kem xôi thơm lừng nằm ngay ngã Ba Bia rẽ phải khoảng 30m
+ Ốc, bánh khoái vạn người mê nằm ngay đường Tân Bình, bánh đa cua chỗ chợ vườn hoa mới
+ Chân gà nằm ngay đầu đường Cao Thắng.

3.3. Cầu Hàm Rồng Thanh Hóa – Di tích lịch sử hào hùng của Việt Nam

Cầu Hàm Rồng là quần thể du lịch - di tích nổi tiếng, gắn liền với thời kỳ phát triển của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Đến Thanh Hóa mà chưa một lần đặt chân đến đây thì du khách chưa thấy được “linh hồn” cũng như cảm nhận được ý chí quật cường của người dân xứ Thanh.

- Cầu Hàm Rồng ở đâu?

Cách trung tâm thành phố khoảng 3km, cầu Hàm Rồng là địa điểm tham quan nổi tiếng, thu hút nhiều du khách ghé thăm khi du lịch Thanh Hóa.
Địa chỉ: thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

- Cầu Hàm Rồng có lịch sử gì đặc biệt?

Cầu Hàm Rồng là chứng nhân lịch sử hào hùng cho ý chí quật cường của người dân xứ Thanh. Ngày nay, du khách khi đến Thanh Hóa có thể ghé thăm, chụp hình và chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của thành phố từ trên cao. Vậy cầu Hàm Rồng dài bao nhiêu, cầu Hàm Rồng bắc qua sông nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

+ Lịch sử ra đời của cầu Hàm Rồng

Với những du khách yêu thích lịch sử, thích khám phá những công trình văn hóa lâu đời thì đây là một địa điểm không nên bỏ lỡ. Công trình này gắn liền với một thời hào hùng của người dân xứ Thanh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Năm 1904, cầu Hàm Rồng thời Pháp do các kiến trúc sư người Pháp xây dựng với thiết kế vòm thép không có trụ giữa. Cấu trúc ban đầu tương tự như cầu Long Biên (Hà Nội), ở giữa có đường ray xe hỏa, 2 bên là đường dành cho ô tô và xe thô sơ đi lại. Vào lúc bấy giờ, đây là cây cầu hiện đại nhất Đông Dương.
Tuy nhiên, vào năm 1946, nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược, cầu Hàm Rồng cũ đã bị Việt Minh phá hủy theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Mãi đến năm 1962, cây cầu này mới được khởi công xây dựng dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc. Ngày 19/5/1964, cầu Hàm Rồng mới chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động, trở thành cầu có trụ như hiện nay.

+ Cầu Hàm Rồng - chứng nhân lịch sử trong kháng chiến giành độc lập

Nằm ở phía Bắc Thanh Hóa, cây cầu có vị trí giao thông quan trọng và được xem là “yết hầu” của “con đường huyết mạch” một thời. Do đó, cây cầu là chứng nhân lịch sử gắn liền với những biến cố, thăng trầm của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc, đặc biệt là trận không chiến cầu Hàm Rồng năm 1965.
Dưới mưa bom bão đạn, cây cầu vẫn hiên ngang đứng vững, tựa vào núi Hàm Rồng, Thanh Hóa và soi bóng xuống dòng sông Mã. Đến năm 1973, cây cầu được khôi phục với chiều dài 150m và hình ảnh cầu Hàm Rồng Thanh Hóa đã trở thành biểu tượng lịch sử, văn hóa cũng như ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân xứ Thanh.

+ Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cầu Hàm Rồng

Ngày nay, cầu Hàm Rồng đã trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng tại Thanh Hóa. Đứng trên cầu, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm dòng sông Mã êm đềm, nhìn núi Ngọc sừng sững và chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp của xứ Thanh. Tất cả tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, có sông, có núi, có cây cầu nghiêng nghiêng dưới ánh hoàng hôn.

- Các địa điểm du lịch gần cầu Hàm Rồng

Sau khi tham quan cầu Hàm Rồng, bạn có thể kết hợp ghé thăm một số địa điểm du lịch lân cận dưới đây để có thêm nhiều trải nghiệm đáng nhớ nhé!
+ Khu du lịch Bến En Thanh Hóa
+ Du lịch bãi biển Sầm Sơn Thanh Hóa
+ Biển Hải Tiến Thanh Hóa
+ Kho Mường
+ Thành nhà Hồ

3.4. Pù Luông Thanh Hóa

Với vẻ đẹp hoang sơ và yên bình, Pù Luông đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho những chuyến đi “xả stress” của mọi người. Nơi đây rất thích hợp cho các du khách muốn chìm đắm trong miền núi rừng để hít thở không khí trong lành mà không cần đi đến những vùng Tây Bắc xa xôi.
Pù Luông nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa và thuộc địa phận của 2 huyện: Bá Tước và Quan Hoá. Sở hữu địa hình núi cao nên Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích khoảng 17.600ha với thảm thực vật đa dạng và phong phú.
Không những thế, Pù Luông còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng rừng rậm nguyên sinh kiểu nhiệt đới xanh theo mùa và các thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Vì thế, tuy nằm cách thành phố Thanh Hoá gần 130km nhưng Pù Luông vẫn là điểm du lịch hấp dẫn và đông đảo mỗi năm.

- Thời điểm du lịch Pù Luông lý tưởng

+ Cuối tháng 5 - đầu tháng 6: Đây là thời điểm những thửa ruộng ở Pù Luông bước vào vụ mùa mới nên khắp nơi sẽ được bao phủ bởi một màu xanh mướt nhẹ nhàng và tươi thắm của lúa mới.
+ Tháng 9 hoặc tháng 10: Đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất vì lúc này, tất cả các cánh đồng và những thửa ruộng bậc thang đều khoác lên chiếc áo vàng óng ánh. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên Pù Luông trù phú.

- Ở đâu khi đi du lịch Pù Luông?

Vì Pù Luông chưa quá phát triển về du lịch nên việc lo lắng về chỗ ở và khách sạn của du khách khi đến Pù Luông là không thể tránh khỏi. Hầu như các du khách đã có kinh nghiệm du lịch Pù Luông đều lựa chọn homestay là nơi ở vì mức giá và chất lượng khá ổn định, phù hợp.
Ngoài homestay thì Pù Luông cũng có các resort và khách sạn nổi tiếng. Nếu bạn muốn nhiều lựa chọn hơn về chỗ ở tại Pù Luông thì có thể tham khảo trước khi đến nhé.

- Các địa điểm check in nổi tiếng ở Pù Luông

Nếu bạn thích trải nghiệm những khu du lịch sinh thái và nhìn ngắm khung cảnh thiên nhiên thì Pù Luông sẽ đáp ứng được hết tất cả yêu cầu của bạn.
+ Bản Kho Mường
+ Thác Hiêu
+ Cổng trời Pù Luông
+ Bản Son - Bá - Mười
+ Chợ phiên Phố Đoàn

- Những món ngon nổi tiếng ở Pù Luông

Không chỉ hòa mình vào thiên nhiên núi rừng mà khi du lịch Pù Luông du khách có thể thưởng thức những món đặc sản của nơi này.
+ Vịt quay Cổ Lũng bản Hiêu
+ Cá suối nướng
+ Canh lá đắng

3.5. Nông trại Golden Cow Thanh Hóa

Nông trại Golden Cow nằm ở địa bàn thông Minh Quốc thuộc xã Lương Sơn huyện Thường Xuân, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 60km. Muốn check-in tại địa điểm này, từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, bạn hãy di chuyển theo quốc lộ 47.
Golden Cow còn được biết đến với tên gọi nông trại Học Đường bởi đây là địa điểm thường xuyên được chọn làm nơi sinh hoạt, dã ngoại vui chơi cho các bạn nhỏ. Nông trại có tổng diện tích là 20ha và được xây dựng theo từng khu vực riêng phục vụ nhu cầu thăm quan của du khách. Ấn tượng nhất tại nông trại Golden cow chính là các khu vườn hoa khoe sắc quanh năm như hoa hồng, bươm bướm, cúc, panse , hướng dương, tam giác mạch, cúc họa mi… Mỗi loài một đều mang vẻ đẹp riêng khiến không gian nông trại trở nên rực rỡ. Các loài hoa sẽ  được trồng linh hoạt vào các mùa trong năm để không gian nông trại luôn rực rỡ và xinh tươi.
Ngoài các vườn hoa thì Golden cow cũng xây dựng khá nhiều khu tiểu cảnh để du khách check-in và thăm quan như cối xay gió, biểu tượng của nông trại, đôi cánh thiên thần, cây cầu gỗ, xích đu kết hợp với những thảm cỏ xanh mướt … Trong khuôn viên nông trại cũng có khu vườn thú, hồ cá, vườn rau, nơi nuôi các loại đồng vật phục vụ nhu cầu thăm quan cũng như trải nghiệm, thưởng thức của du khách. Khu vực nhà chòi và nhà sàn cũng được đầu tư xây dựng chỉn chu, du khách có thể nghỉ ngơi hoặc lưu trú qua đêm tùy nhu cầu khi đến thăm quan nông trại.
Nằm tách xa phố thị nên nông trại Golden Cow có không gian thanh bình, không khí trong lành rất thích hợp với những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần hoặc khi bạn muốn tìm một nơi chốn bình yên để xua đi những mệt mỏi của cuộc sống thường nhật thì đây cũng là địa điểm lý tưởng.
Đến với nông trại Golden cow bạn sẽ được tha hồ ngắm cảnh và hít thở bầu không khí trong lành bằng việc thư thả dạo quanh những vườn hoa khoe sắc rực rỡ. Không gian ở đây rất đẹp và đa dạng nên bạn có thể thỏa sắc đi dạo cả buổi không biết chán. Chưa kể các khu tiểu cảnh được decor xịn sò nên nếu là một tín đồ sống ảo thực thụ thì bạn sẽ tha hồ “tác nghiệp” mệt nghỉ để mang về những bức ảnh check-in đẹp nhất.

3.6. Bãi biển Sầm sơn Thanh Hóa

Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ, du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa đang là hành trình thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Từ các khu du lịch sinh thái đến các du lịch tâm linh sẽ cho du khách khám phá một Thanh Hóa rất khác, quyến rũ hơn, lãng mạn hơn và sôi động hơn.

- Giới thiệu về Sầm Sơn Thanh Hóa

Địa chỉ: thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Với dòng nước biển trong xanh mát lành, những bãi cát trắng mịn trải dài dưới nắng, du khách đến du lịch biển Sầm Sơn sẽ được hòa mình vào vẻ đẹp vô tận của thiên nhiên, lắng nghe tiếng sóng biển vỗ về, cảm nhận tiếng rì rào của những rặng phi lao trong gió. Và quả đúng như Le Breton, một học giả người Pháp từng nhận xét: “Sầm Sơn là bãi tắm tốt nhất để phục hồi sức khỏe”.

- Du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa mùa nào đẹp nhất?

+ Bạn nên đi vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Vào thời điểm này tiết trời Sầm Sơn rất mát mẻ, không khí trong lành, dễ chịu, vô cùng thuận lợi để bạn có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi trên bãi biển cũng như dưới nước. Nếu bạn và gia đình muốn nghỉ mát Sầm Sơn thì nên đi vào những kỳ nghỉ hè nhé.
Du lịch biển Sầm Sơn Thanh Hóa bạn có thể chọn lựa nhiều phương tiện di chuyển khác nhau sao cho phù hợp với lịch trình của bạn nhất. Ở khu du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa có taxi phục vụ 24/7, xe máy cho thuê, xe điện chạy với giá khoảng 20.000 VNĐ/vòng Sầm Sơn và xích lô với giá khoảng 50.000 VNĐ/người.

- Lưu trú tại biển Sầm Sơn Thanh Hóa

Bạn có thể tham khảo một số khách sạn sau:
+ Địa chỉ: Số 24 đường Lê Văn Hưu.

Khách sạn Đại Nam

Địa chỉ: Số 12 đường Lê Văn Hưu

Khách sạn Crown

+ Địa chỉ: Bãi B, số 5 đường Tây Sơn.

Khách sạn Điện Lực

+ Địa chỉ: Bãi C, đường Hồ Xuân Hương.

- Những địa điểm du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa nổi tiếng

+ Bãi biển Sầm Sơn - Một trong những bãi biển đẹp nhất miền Bắc
+ Điểm du lịch tâm linh Sầm Sơn: Đền Độc Cước, Đền Cô Tiên, Đền Bà Triệu, Nhà thờ Sầm Sơn
+ Hòn Trống Mái
+ Núi Trường Lệ
+ Làng chài Sầm Sơn
+ Chợ hải sản Sầm Sơn

- Du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa ăn gì ngon?

Ăn gì ở Sầm Sơn là câu hỏi mà nhiều du khách băn khoăn khi du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa. Nơi đây là vùng đất không chỉ có những danh lam thắng cảnh tươi đẹp mà còn có rất nhiều đặc sản, những món ăn nổi tiếng để lại ấn tượng khó quên cho bất cứ du khách nào.
+ Các món hải sản
+ Nem chua - Đặc sản nổi tiếng Thanh Hóa
+ Chè lam Phủ Quảng
+ Cháo lươn
+ Chả tôm

3.7. Khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Bến En Thanh Hóa

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nét đẹp hùng vĩ, nguyên sơ, vườn quốc gia Bến En thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm và là niềm tự hào to lớn của mỗi người con xứ Thanh.
Khu du lịch sinh thái Bến En là một trong những thắng cảnh nổi tiếng với hệ sinh thái sinh học vô cùng phong phú, đa dạng, là quần thể du lịch sinh thái, nuôi trai lấy ngọc kết hợp với bảo tồn vườn quốc gia Bến En - nơi được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”.
Khu du lịch Bến En nằm trải dài giữa hai huyện Như Thanh và Như Xuân, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 45km theo hướng Tây Nam.
Được thành lập vào năm 1992 với điện tích lên đến khoảng 15.000ha, vườn quốc gia Bến En là khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú. Nơi đây còn được bao quanh bởi hồ Sông Mực rộng hơn 4000ha, mặt hồ tĩnh lặng, xanh biếc quanh năm như một đôi tay thiên nhiên rộng lớn ôm lấy trái tim vườn quốc gia Bến En.
Tọa lạc trên dải đất miền Trung khô cằn, khu du lịch sinh thái Bến En là một điểm đến lý tưởng được nhiều người lựa chọn bởi nét đẹp hoang sơ, độc đáo của núi rừng hùng vĩ.

- Đi vườn quốc gia Bến En mùa nào đẹp nhất?

Vào mỗi thời điểm thì vườn quốc gia Bến En lại có những vẻ đẹp khác nhau nên dù đi vào bất cứ khoảng thời gian nào trong năm thì bạn đều sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ. Tuy nhiên, thời điểm lý tưởng nhất để tham quan khu du lịch sinh thái Bến En là vào mùa hè.

- Khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vườn quốc gia Bến En

Vườn quốc gia Bến En có hệ nguyên sinh động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng với hơn 462 loài cây cùng với khoảng 125 họ thực vật. Trong đó nổi bật với cây lim xanh nổi tiếng ở Việt Nam có tuổi đời lên đến vài trăm năm với đường kính thân đạt gần 3m. Tại đây cũng bảo tồn nhiều loại cây và dược liệu quý hiếm khác như chò chỉ, bù hương, vàng tâm, sến mật, lát hoa, lim, xẹt, trai lý,...
Đặc biệt, nơi đây với diện tích hồ Sông Mực rộng khoảng 4000ha, mực nước rất sâu, trong xanh thăm thẳm tạo nên một khung cảnh rất dịu dàng, nên thơ.
Khi tham quan khu du lịch sinh thái Bến En, bạn tuyệt đối đừng bỏ lỡ những hoạt động này:
+ Đi thuyền trên hồ Sông Mực
+ Tham quan vẻ đẹp kỳ bí của hang Ngọc
+ Viện bảo tàng Bến En
+ Trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương
+ Quan sát động vật hoang dã
+ Cắm trại ngoài bìa rừng

- Ăn uống và nghỉ ngơi ở đâu khi đi khám phá khu du lịch sinh thái Bến En?

Đến vườn quốc gia Bến En, bạn đừng bỏ lỡ những món ăn mang đậm hương sắc của nơi đây như các món ăn được làm từ cá mè đánh bắt ở hồ Sông Mực. Ngoài ra, có thể thưởng thức những món ăn nổi tiếng của người dân bản địa như canh gà, canh đắng.
Đặc biệt, khi tới bản Vơn - nơi mang đậm những nét truyền thống của người Thái cổ xưa, bạn nhớ thưởng thức món rượu cần đặc sản. Hương vị đặc biệt này sẽ lưu giữ dấu ấn khó phai trong lòng bạn đấy.
Để thuận tiện cho việc di chuyển, bạn nên thuê khách sạn gần trung tâm thành phố Thanh Hóa để thuận lợi cho hoạt động du lịch dài ngày. Bạn có thể tham khảo khách sạn Central Hotel Thanh Hoa, Melia Vinpearl Thanh Hoa, Muon Thanh Grand Thanh Hoa Hotel, Phoenix Hotel Thanh Hoa,...

4. THANH HÓA CÓ NHỮNG LỄ HỘI GÌ ĐẶC SẮC

4.1. Lễ hội Bánh Chưng Bánh Giày Thanh Hóa - Tổ chức vào thời gian nào?

Thường niên được tổ chức vào các ngày 11, 12, 13 tháng 5 âm lịch tại thị xã du lịch Sầm Sơn - Thanh Hóa. Đây là lễ hội gắn với tục thờ tổ nghề dệt Súc và thờ thần Độc Cước (một chân) của cư dân vùng biển Sầm Sơn với một lòng cầu nguyện cho mùa màng tốt tươi, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận gió hòa…
Lễ hội được xem là một trong những sự kiện văn hóa đáng chú ý, thu hút được đông đảo du khách về thưởng lãm dự hội. Diễn ra với nghi thức truyền thống gồm phần lễ và hội. Du khách sẽ được chứng kiến phần rước kiệu độc đáo và hoành tráng của hàng ngàn cư dân diễu quanh trên các đường phố chính rồi tề tựu tại khu vực đền Độc Cước. Tại đây diễn ra màn tế lễ trang nghiêm, đọc chúc văn tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, tiên tổ đã có công khai phá và xây dựng vùng đất Sầm Sơn huyền tích.
Sau phần tế lễ là phần hội tưng bừng, huyên náo. Cùng ngư dân làng biển thân thiện, du khách có thể tham gia vào những sinh hoạt văn hóa cộng đồng như đi cà kheo, kéo co. Tâm điểm thu hút người xem vẫn là cuộc thi làm bánh giữa 7 làng của thị xã Sầm Sơn. Du khách ấn tượng với màn trình diễn làm bánh, càng không thể quên những chiếc bánh chưng xanh thẫm, bánh dày trắng muốt do bàn tay tài hoa, điêu nghệ của ngư dân đất biển.
Dự hội du khách còn được cùng các đội rước kiệu bánh đoạt giải về tế lễ tại đền thờ vị thần tối linh Độc Cước Sơn Triều và háo hức hưởng lộc thơm cùng cư dân bản địa để hy vọng về những điều tốt lành cho bách gia trăm họ.

4.2. Lễ hội đền bà Triệu Thanh Hóa

Hằng năm, từ ngày 19 đến 24.2 Âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại đổ về dự hội với dân làng Phú Điền để tưởng nhớ Bà Triệu. Đây là một hoạt động văn hóa mang ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh khí phách anh hùng của hậu thế đối với Bà Triệu - nữ Anh hùng dân tộc của xứ Thanh.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu nằm cạnh Quốc lộ 1A thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách thủ đô Hà Nội khoảng 120 km về phía Nam, cách thành phố Thanh Hóa 17 km về phía Bắc.
Vương Bà Triệu Trinh Nương, húy là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2/10 năm Bính Ngọ (tức năm 226) tại vùng Quan Yên, quận Cửu Chân (nay là huyện Yên Định). Bà là anh thư hào kiệt, đẹp người đẹp nết, ý chí kiên cường, giỏi võ nghệ, mưu trí hơn người. Cha mẹ mất sớm, Triệu Thị Trinh ở với anh trai là Triệu Quốc Đạt – quan huyện lệnh có lòng yêu nước, thương dân.
Không cam chịu ách độ hộ tàn bạo của nhà Ngô đối với nhân dân ta, khi tuổi 17 - 18 Triệu Thị Trinh đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập trung lực lượng, dấy binh khởi nghĩa ở vùng núi Quan Yên. Nhân dân khắp nơi hưởng ứng tham gia, trong một thời gian ngắn - lực lượng nghĩa quân lên đến hàng vạn người. Sau khi Triệu Quốc Đạt mất, bà được nghĩa quân tôn làm chủ tướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
Bước đầu, cuộc khởi nghĩa đã giành được nhiều thắng lợi, làm “chấn động Giao Châu” Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, năm Mậu Thìn (năm 248) triều Đông Ngô đã phải cử viên tướng Lục Dận - có nhiều kinh nghiệm đàn áp các cuộc khởi nghĩa, giữ chức Thứ Sử Giao Châu chỉ huy một đạo 8.000 quân sĩ, có cả chiến thuyền yểm trợ đối phó với khởi nghĩa Bà Triệu.
Sau nhiều tháng vây hãm căn cứ chỉ huy cuộc khởi nghĩa tại núi Tùng ở thôn Bồ Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) với hàng chục trận đánh đã diễn ra, nhưng giặc Ngô vẫn không đánh bại được nghĩa quân. Cuối cùng quân Ngô đã dùng mưu thâm kế hiểm đàn áp nghĩa quân, để giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng. Sau khi hóa, bà hiển thánh phù dân, giúp nước.
Tương truyền, thế kỷ VI vào thời Tiền Lý Nam Đế (544 - 548) Bà Triệu hiển thánh âm phù vua xuất chinh thắng giặc ở phương Nam. Để tạ ơn, triều đình đã ban sắc phong Thần, cấp tiền cho nhân dân xây dựng, tôn tạo đền thiêng - chăm lo việc thờ cúng.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bà Triệu là người phụ nữ đầu tiên được triều đình phong kiến phong Thần. Sau thời Tiền Lý, các triều đại phong kiến về sau phong sắc thần linh và Bà Triệu trở thành Phúc thần của làng Phú Điền.
Hình ảnh người nữ tướng khi ra trận mặc giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng ra trận và câu nói khí phách “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng giữ, chém cá Kình ở biển Đông, làm cho trời yên biển lặng, cứu vớt dân lành, chứ đâu giống như người đời cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người ta” trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta.
Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại, nhưng đây là mốc son đỉnh cao khẳng định sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân ở thế kỷ II - III, thúc đẩy ý chí quật cường cho nhân dân ta với quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược trong suốt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc.
Trước công đức to lớn Bà Triệu với đất nước, đền thờ Bà đã được lập dưới chân núi Gai - xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng để chăm lo thờ cúng, nhân dân làng Phú Điền tôn Bà là Thần Hoàng làng thờ tại ngôi đình cổ của làng... Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, khu di tích được quản lý, tôn tạo và trở thành di tích tâm linh quan trọng của cả nước.
Với những giá trị đặc biệt đó năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu.
Đây là sự thể hiện sinh động của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc nói chung, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu của tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Lễ hội diễn ra nhằm kỷ niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu góp phần quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích quốc gia đặc biệt khu di tích Bà Triệu nói riêng và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa nói chung, từng bước xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung.

4.3. Lễ hội đền Hàn Sơn Thanh Hóa

Nằm trên địa phận xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, hội đền Hàn còn được dân gian gọi là hội Gai, bởi thời điểm hội diễn ra đúng vào mùa thu hoạch dứa trong vùng, và người Hà Sơn thường không quên cung tiến những trái ngọt đầu mùa lên các vị thần tối linh
Là một trong hai lễ hội tâm linh lớn vào bậc nhất của xứ Thanh thờ các vị nhân thần và thiên thần. Đền Hàn khai hội vào ngày mùng 1 và kéo dài hết tháng 6 âm lịch. Dù trong cái nắng hè như đổ lửa, nhưng dòng người từ muôn phương vẫn nườm nượp đổ về dự hội. Đền Hàn tựa lưng vào núi Hàn, mặt hướng ra sông, tại đây du khách thưởng lãm một khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, thác ngầm, núi non, sông nước quần tụ; được bày tỏ tình cảm, lòng tri ân thành kính đối với Sùng quốc công Lê Thọ Vực - người đứng đầu hàng võ triều Lê sơ, có công bắt sống vua Chiêm bảo vệ giang sơn bờ cõi. Khi ông mất, nhân dân tôn là Đức Ông và lập đền thờ, vì thế  đền còn có tên gọi đền Đức Ông.
Đi hội đền Hàn du khách cũng không thể bỏ qua một điểm dừng khá thú vị, ấy là đền cô Ba Thoải (Mẫu Thoải) nằm tại khu vực ngã ba Bông, nơi con sông Mã tách ròng trước khi về với biển cả bao la, cũng là giao điểm của “ngũ huyện kê”, một con gà gáy năm huyện cùng nghe. Vào ngày cuối cùng của lễ hội, tại đây du khách sẽ được chứng kiến lễ rước nước hoành tráng, thi vị  mang màu sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc bản địa thời cổ đại.
Hấp dẫn hơn cả vẫn là các màn diễn xướng chầu Mẫu. Không biết từ bao giờ du khách về dự hội đền Hàn, đã bị cuốn hút và say hồn với những làn điệu Chầu văn, những màn vũ đạo đặc sắc, những bộ trang phục ấn tượng của những nghệ nhân dân gian, đang thác mình vào các nhân vật trong thế giới tâm linh qua trí tưởng tượng rất phong phú và giàu sức sáng tạo. Để  rồi câu ca “Tháng sáu hội Gai/ Tháng hai hội Mía” mãi là lời chào du khách, đến hẹn lại về dự hội Hàn Sơn, xem hát Chầu văn nơi miền di sản Xứ Thanh

4.4. Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa

Vào ngày 21 - 22 tháng 8 âm lịch hằng năm, đất trời Xuân Lam và Thị trấn Lam Sơn huyện Thọ Xuân tưng bừng khai hội Lam Kinh - một trong những lễ hội truyền thống điển hình nhất xứ Thanh gắn liền tên tuổi, sự nghiệp của người anh hùng dân tộc áo vải, cờ đào- Lê Lợi. Về dự hội, du khách dâng hương kính bái Cao Hoàng Đế- Lê Thái Tổ, chiêm ngưỡng tòa điện uy nghi cổ kính và tinh thần bỗng thấy hào sảng khi thưởng thức trò diễn Xuân Phả độc đáo.
Lễ hội Lam Kinh ra đời ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22/8 âm lịch năm Quý Sửu (1433) và theo một tiền lệ, cứ ba năm được tổ chức một lần. Từ năm 1995 đến nay, tại khu điện cổ Lam Kinh, nơi an nghỉ của Cao Hoàng đế Lê Thái Tổ và các vua, hoàng hậu triều Lê Sơ, Lễ hội Lam Kinh thường niên được tổ chức với quy mô hoành tráng, ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương về dự hội.
 Đi hội Lam Kinh, du khách được hòa mình vào một khung cảnh thiên nhiên trong lành, khoáng đạt. Nơi có dòng sông Chu êm đềm, cánh rừng Lim đại ngàn, muôn loài chim quý tìm về làm tổ và cây đa thị ngàn năm tuổi vẫn sống với mạch nước Tây Hồ; dự lễ Tế vua theo nghi thức truyền thống tái hiện nhiều sự kiện trọng đại của thời Lê. Tiếng cồng chiêng và trống hội làm bừng tỏa một không gian núi rừng và ở đấy hào khí Lam Sơn - mạch nguồn văn hóa dân tộc cứ ngấm chảy vào tâm thức của mỗi người đi hội.
Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh tái hiện các sự kiện như Hội thề Lũng Nhai; Lê Lai cứu chúa; giải phóng thành Đông Quan; Vua Lê Thái Tổ đăng quang và không kém phần hấp dẫn ấy là trò diễn Xuân Phả, một trò diễn dân gian đặc sắc có từ thời Đinh mà người Thanh từng ví “ Ăn bánh với giò không bằng xem trò làng Láng” (làng Láng là làng Xuân Phả nơi sản sinh ra tích trò).
Xem trò Xuân Phả, du khách sảng khoái tâm hồn với tinh thần thượng võ, đua sức, đua tài. Ở nhóm trò chính du khách có cơ hội tìm hiểu mối quan hệ bang giao giữa nước ta và các nước láng giềng trong lịch sử qua các tích: Hòa Lan, Chiêm Thành, Tú Huần, Ai Lao, Ngô Quốc. Ấn tượng với các đạo cụ diễn trò như Lốt Voi, Hổ, Ngựa, Kỳ Lân, Gậy trúc… hay những bộ trang phục của ông Phổng, ông Chúa, của Mế nàng được người Xuân Phả công phu làm từ các chất liệu dân gian. Và hơn cả là màn biểu diễn nghệ thuật nhảy múa Siêu đao, Phất cờ, Chèo thuyền, Múa quạt của các nghệ nhân dân gian sẽ làm cho du khách càng không thể quên trò diễn Xuân Phả.
Tuy là điệu múa hát riêng của một làng, nhưng từ lâu, trò diễn Phả đã trở thành vốn di sản lừng danh của người xứ Thanh. Từng được biểu diễn tại Kinh thành Huế thời vua Bảo Đại, tiếng vang tận ra nước ngoài, và hiện nay trò Xuân Phả là sản phẩm du lịch độc đáo làm thi vị hơn chuyến hành hương đi hội Lam Kinh của du khách trên đất quê Thanh.

4.5. Lễ hội Pồn Pôông Thanh Hóa

Tháng 3 âm lịch, mùa hoa bông trăng nở báo hiệu mùa lễ hội Pồn Pôông trở về trên các bản vùng cao huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước.... Hoa bông trăng tượng trưng cho tình yêu lứa đôi, vì thế đây còn là lễ hội giao duyên gắn với  nhiều câu chuyện tình lãng mạn
Lễ hội này ra đời từ điều kiện sinh hoạt và cư trú của người Mường. Xưa kia người trong bản bị ốm đau, bệnh tật thì nhất nhất trông cậy vào những người hái thuốc cỏ, nhờ thuốc cỏ nhiều người đã thoát bệnh hiểm nghèo, vì thế họ tôn sùng người hái thuốc là Ậu máy và tự nguyện làm con mày, con nuôi. Hằng năm Mường rủ nhau góp lễ, góp hoa, góp cồng chiêng… nhằm tạ ơn Vua trời đã dạy cho con người biết lao động và giúp Lang y chữa bệnh cho dân làng.
Dự lễ hội Pồn Pôông du khách được chứng kiến phần tế lễ sùng kính và hấp dẫn qua tài diễn xuất của Ậu máy với vai trò là chủ tế, thể hiện qua màn nhập đồng, diễn xướng văn vần, trò chơi…hoà trong âm thanh rộn rã của tiếng Cồng, Thào lài, Trống cái…
Lễ hội Pồn Pôông đặc biệt hấp dẫn người xem ở sự khéo léo của người Mường khi làm ra cây bông đủ màu sắc với các chùm hoa gỗ, nông cụ sản xuất, bày muông thú…tượng trưng cho vũ trụ bao la; ở mâm cỗ mang đậm hương vị núi rừng, nhâm nhi chóe rượi cần, say với điệu múa xường của các chàng trai cô gái vùng cao và thật may mắn cho du khách nào được Ậu máy tặng cho một cành hoa bông trăng trong lễ hội Pồn Pôông trên đất xứ Thanh hữu tình.

5. NHỮNG MÓN NGON KHÔNG THỂ BỎ LỠ KHI ĐI DU LỊCH THANH HÓA

5.1. Hải sản Thanh Hóa

Với đường bờ biển dài và nhiều bãi biển đẹp, du lịch biển là một thế mạnh vô cùng lớn của Thanh Hóa. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi một trong những món ăn ngon ở Thanh Hóa các bạn nên thưởng thức chính là hải sản. Tại các điểm du lịch biển nổi tiếng như Hải Tiến, Sầm Sơn, Hải Hòa, Nghi Sơn… luôn có những tàu thuyền đánh bắt hải sản tươi sống đi về hàng ngày nên nguồn cung hải sản ở Thanh Hóa vô cùng dồi dào.

5.2. Nem chua

Nem chua Thanh Hóa được làm từ thịt nạc, bì thái chỉ, hạt tiêu, ớt, tỏi và lá đinh lăng, gói bên ngoài bởi rất nhiều lớp lá chuối. Thịt nạc được chọn là loại thật nạc, ngon, tươi, không dính mỡ, không dính gân, trộn đều với bì luộc thái chỉ, gia vị. Không thể thiếu một chút ớt cho thêm đậm đà, tiêu để dậy mùi, một chút tỏi để khử trùng và một vài lá đinh lăng. Nem chua Thanh Hóa có hương vị rất khác lạ so với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó có vị chua, cay, ngọt, mặn và dậy mùi thơm.

5.3. Bánh cuốn Thanh Hóa

Đến Thanh Hóa bạn có thể thưởng thức một đĩa bánh cuốn ngon, rẻ ở khắp mọi nơi. Người Thanh Hóa có bí quyết riêng để món bánh cuốn ngon không thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác, mà ít nơi sánh kịp.
Nhân bánh gồm có tôm nõn, thịt ba chỉ băm nhỏ cộng với hành phi phủ phía ngoài bánh. Đặc biệt, nhân bánh cuốn xứ Thanh được làm từ tôm sông Mã, cho vị ngọt lừ, đậm đà. Bánh bày ra đĩa, nhẹ nhàng rắc phía trên những vẩy hành phi vàng ruộm, loáng thoáng ánh xanh mướt của cọng mùi ta.
Bánh cuốn Thanh Hóa thường ăn nóng nên nước chấm có thể được làm nguội. Nước mắm cốt nổi tiếng được ủ chượp từ cá vùng biển xứ Thanh pha lên, dậy mùi chanh, tiêu, ớt, sóng sánh sắc nâu sáng và vị đậm đà. Người thưởng thức có thể dùng kèm dăm miếng thịt băm nướng vàng thơm, hay miếng giò lụa gói nhỏ, đậm hương lá chuối.

5.4. Chả tôm

Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Cách làm khá cầu kỳ và tỉ mỉ với tôm bột tươi cùng một lượng gấc vừa đủ, thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay và nướng trên bếp than hoa. Vị bùi ngọt của nhân tôm cùng vị chua dịu của dưa góp lẫn chút cay cay của ớt tươi và rau sống thanh mát tạo nên hương vị khó quên cho món ăn.

5.5. Bánh khoái tép nồi gang

Bánh khoái có vẻ giống bánh xèo Nam bộ về cách chế biến nhưng nguyên liệu thì khác, mang nét đặc trưng của xứ Thanh, bao gồm rau cần, bắp cải, thì là thái sợi nhỏ và tép tươi. Bánh khoái chấm cùng nước mắm pha chua ngọt và sung ghém rất hợp vị.
Đôi khi người ta thay tép tươi bằng trứng gà để đổi vị. Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy món này ở các phố Trường Thi, Đào Duy Từ, Hàn Thuyên, chợ Vườn Hoa của Tp Thanh Hóa

5.6. Bánh ích

Không khác nhiều so với cách làm bánh ít, bánh nếp ở các nơi khác. Bánh ích có hình tròn, bên trong là nhân tôm thịt, ăn cùng mắm chế chua ngọt. Được bán nhiều ở các chợ Vườn Hoa, Tây Thành hoặc một vài quán vỉa hè trên phố Đinh Lễ, bánh ích luôn hấp dẫn người ăn và thường hết hàng sớm.

5.7. Bánh mỳ Nam Hà

Nếu có dịp tới thăm Thăm Hóa, du khách sẽ được nghe nhiều về bánh mỳ gia truyền Nam Hà ở phố Trường Thi. Tại đây có một chuỗi cửa hàng bán bánh mỳ rất đông khách. Sở dĩ được yêu mến vậy bởi hương vị bánh Nam Hà không đổi trong suốt 20 năm qua. Bánh mỳ nóng giòn, nhân bánh đa dạng hấp dẫn. Ngon nhất phải kể đến bánh mỳ kẹp nem chua rán, kẹp bò khô, thịt quay… Nguyên liệu nào cũng được chọn lựa và chế biến kỹ lưỡng, cùng với nước sốt gia truyền đặc trưng.

5.8. Bánh răng bừa

Đây là loại bánh có ở nhiều nơi với tên gọi bánh tẻ, bánh giò, bánh lá, còn người Thanh Hóa gọi là bánh răng bừa vì có hình dạng giống một nông cụ quen thuộc của nhà nông. Chiếc bánh răng bừa nhỏ xinh nhưng mang đậm hồn quê bình dị là thứ quà sáng yêu thích của nhiều người. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhân bánh gồm thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ đã xào qua. Khi mới luộc xong, chiếc bánh bốc khói nghi ngút, dậy mùi thơm của hành mỡ, ăn vào thấy mềm và rất vừa miệng. Còn khi để nguội, ăn sần sật cũng ngon không kém phần.

5.9. Bánh nhè

Bánh nhè gần giống bánh trôi nước, bánh ngào mật của Nghệ An. Vỏ bánh làm từ bột nếp dẻo mịn, nhân đậu xanh và dừa bào sợi. Bánh nấu bằng đường mật mía và gừng, là thức quà chiều dân dã của người xứ Thanh. Món bánh đặc sản Thanh Hóa này được bán bởi những cô hàng rong trên đường du khách muốn thưởng thức cũng có thể tới chợ Vườn Hoa…

5.10. Gỏi cá nhệch Nga Sơn

Cá nhệch là một loại cá hung dữ, sống được cả ở vùng nước mặn và nước ngọt, bề ngoài trông khá giống con lươn. Cá sau khi bắt về được làm sạch nhớt rồi lọc thịt và xương riêng. Phần thịt nhệch được thái lát thật mỏng, bóp qua bằng chanh tươi sau đó vắt cho ráo nước và cho vào bát to, nhanh tay tẩm ướp gia vị và trộn cùng với thính làm từ gạo nếp rang vàng. Da cá được rán giòn để cuộn cùng với gỏi. Còn xương cá đem vào cối giã nhuyễn để nấu chẻo.
Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá khác nhau nhưng bắt buộc phải có các loại như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Ngoài việc làm tăng thêm hương vị của món gỏi, các loại rau lá trên còn là vị thuốc để cân bằng tính hàn của cá nhệch. Ở Nga Sơn gỏi cá còn được ăn cùng với lá rau má, dấp cá tươi mọc rất nhiều trong vườn nhà. Điều đó cũng làm nên hương vị rất riêng cho món ăn.
Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.

5.11. Dê ủ trấu Nga Sơn

Khi đến du lịch Nga Sơn, ngoài món gỏi nhệch nổi tiếng các bạn có thể đến Nga An, một vùng núi đá ở Nga Sơn để thưởng thức các món ăn từ dê. Độc đáo nhất phải kể dến món dê ủ trấu. Trước khi ủ trấu dê được cạo lông sạch sẽ, nhồi lá sả vào bụng. Phủ trấu lên toàn thân dê và đốt rơm để mồi lửa. Khi ủ trấu xong thì toàn bộ dê nó sẽ chín om, thịt vẫn còn màu hơi đỏ, da vàng rộm. Tạo ra món tái đúng nghĩa, tức là không chín hoàn toàn, thịt thái ra xoăn từng lọn. Đây có thể coi là bí quyết, là điểm độc đáo nhất của món Dê núi Nga An, bởi không phải nơi nào cũng có cách chế biến như cách làm của người dân nơi đây.

5.12. Vịt Cổ Lũng

Đây là món đặc sản nổi tiếng của vùng cao Bá Thước. Điểm hấp dẫn của giống vịt này là xương nhỏ, thịt chắc, nạc. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá, nên thịt có vị thơm ngon nức tiếng gần xa.

6. Ở ĐÂU KHI ĐI DU LỊCH TỈNH THANH HÓA

Vinpearl Hotel Thanh Hóa

- Địa chỉ: 27 Trần Phú, P. Điện Biên, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
- Điện thoại: 0237 8936 888

Khách sạn Đại Việt

- Địa chỉ: 19 Phan Chu Trinh, P. Điện Biên, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
- Điện thoại: 0237 3900888

Khách sạn Trống Đồng

- Địa chỉ: Lô 46 - 47 Lê Hoàn, P, P. Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
- Điện thoại: 094 523 50 67

Khách sạn Long Anh

- Địa chỉ: 05 Phố Cao Thắng, P. Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
- Điện thoại: 0237 3886868
- Địa chỉ: C1 - D6, Đông Vệ, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
- Điện thoại: 0237 8868 999

7. MUA GÌ VỀ LÀM QUÀ KHI ĐI DU LỊCH THANH HÓA

7.1. Bánh gai Tứ Trụ

Bánh gai Tứ Trụ hay bánh gai làng Mía là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Nguyên liệu bánh gai chia thành hai phần gồm vỏ và nhân. Trong đó, vỏ chỉ gồm gạo nếp và lá gai còn phần nhân có mỡ lợn, đậu xanh, dừa và hạt sen. Bánh gai được gói bằng lá chuối khô, hấp chín trong vòng 2 giờ. Chiếc bánh gai đạt chuẩn phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.

7.2. Chè lam Phù Quảng

Chè Lam Phù Quảng là một đặc sản nổi tiếng của huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Món chè lam trước đây thường được người dân Phù Quảng làm vào dịp lễ tết để cúng tổ tiên và ăn mừng trong dịp năm mới. Hiện nay, đây là một sản phẩm nổi tiếng để du khách có thể mua về làm quà khi đến khu di tích Thành Nhà Hồ.

7.3. Mắm tép Hà Yên

Có nhiều vùng miền ở nước ta nổi tiếng với món mắm tép. Trong đó, mắm tép (Hà Yên, Hà Trung, Thanh Hóa) là loại mắm tép có màu sắc, mùi vị đặc biệt vì nó được làm nguyên chất từ loại tép riu chỉ có ở vùng nước nhiều rong, rêu mới có.

7.4. Nước mắm Ba Làng

Từ làng nghề nước mắm truyền thống Do Xuyên – Ba Làng nổi tiếng đất Thanh Hóa đã sản sinh ra một đặc sản vùng biển địa phương nổi tiếng khắp cả nước. Tận dụng nguồn nguyên liệu cá cơm đen tự nhiên được đánh bắt chủ yếu ở vùng biển Hải Thanh (Tĩnh Gia) nói riêng và vùng cửa Lạch Bạng nói chung kết hợp với bí quyết gia truyền của làng Do Xuyên – Ba Làng cùng kinh nghiệm được tích lũy lâu đời mà người dân nơi đây đã sản xuất ra loại nước mắm được nhiều người biết đến. Nước mắm Ba Làng có vị thơm ngon, có độ sóng sánh, màu vàng cánh gián, độ đạm cao, không còn vị tanh, khi nếm có vị ngòn ngọt trộn lẫn vị mặn đậm đà làm tê đầu lưỡi và đọng mãi trong cổ.

8. THỜI GIAN LÝ TƯỞNG ĐỂ ĐI DU LỊCH THANH HÓA

- Do sự chi phối của địa hình và những tương tác với các vùng lân cận mà Thanh Hoá có sự phân dị về khí hậu theo vùng, với 3 vùng khí hậu đặc trưng
- Vùng ven biển, nơi có các địa danh du lịch nổi tiếng như Hải Tiến, Sầm Sơn, Hải Hòa, Tĩnh Gia có nền nhiệt độ cao, mùa đông không quá lạnh, mùa hè nóng và có thể có bão. - - Với vùng này các bạn có thể đi du lịch tới đây vào các tháng từ 4 - 8, thời tiết nắng nóng sẽ rất phù hợp cho việc tắm biển. Cần chú ý một chút khoảng tháng 6 - 8 có thể có bão.
- Vùng trung du có nhiệt độ cao vừa phải, mùa đông tương đối lạnh, mùa hè nóng vừa phải. Vùng này thực ra cũng không có nhiều các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thanh Hóa lắm nên các bạn có thể đến vào khoảng thời gian nào cũng được, miễn phù hợp với kế hoạch cá nhân.
- Vùng đồi núi cao các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước. Vùng này giáp với vùng Tây Bắc nên cũng có khá nhiều điểm chung với khí hậu ở đây. Mùa đông thường khá lạnh, mùa hè mát mẻ nhưng dễ gặp mưa nhiều và lũ quét. Vùng này các bạn nào thích khám phá Tây Thanh Hóa, Pù Luông thì có thể đi vào khoảng tháng 4-6 hoặc tháng 9 - 11 do lúc này chưa mưa quá nhiều.

9. NHỮNG LƯU Ý KHI ĐI DU LỊCH THANH HÓA

- Khi đến các huyện vùng cao, hãy hỏi người dân về phong tục, thói quen sinh hoạt để tránh những hiểu lầm không mong muốn.
- Thanh Hóa là vùng đất rộng, bạn cần lên lịch trình chi tiết cho chuyến đi và các điểm đến để có thể đủ thời gian.

10. MỘT SỐ TOUR DU LỊCH THANH HÓA THAM KHẢO

Tour du lịch biển Sầm Sơn Thanh Hóa 3 ngày 2 đêm

Tour du lịch Thanh Hóa 3 Ngày 2 đêm

Tour du lịch Sầm Sơn - Cửa Lò - Quê Bác 3 Ngày 2 Đêm

Tour du lịch Sầm Sơn 3 Ngày 2 Đêm

Tour du lịch Thanh Hóa - Suối Cá Thần - Mai Châu - Tràng An - Bái Đính 3N2Đ

Ý kiến bạn đọc