Làng Cổ Đông Hòa Hiệp – Ngôi làng nhà cổ nổi tiếng nhất Nam Bộ
Làng nhà cổ nằm ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 46km. Từ TP. Mỹ Tho, các bạn có thể di chuyển theo quốc lộ 1A đến ngã ba Cái Bè, rẽ vào tỉnh lộ 875 tầm 4 km đến trung tâm thị trấn Cái Bè, đi thêm 2 km nữa đến cầu số 2, bạn sẽ nhìn thấy bảng chỉ đường vào các nhà cổ: Ba Đức, ông Xoát, ông Tòng…
Làng cổ Đông Hòa Hiệp có tất cả 7 ấp, với gần 4.000 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái các loại: Xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, vú sữa Vĩnh Kim… và các nghề thủ công truyền thống như: Làng cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa…
Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều ngôi nhà được xây cất bằng các loại gỗ quý có mái lợp ngói, cao và rộng theo kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây, nằm ẩn mình bên những dòng sông, vườn cây ăn trái thoáng mát, góp phần tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội so với các địa phương khác.
Cùng với làng Đường Lâm ở Hà Nội và làng Phước Tích ở Huế, làng Đông Hòa Hiệp là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để thực hiện Dự án “Hỗ trợ Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản” .
Các ngôi nhà ở đây không nằm san sát nhau như ở những ngôi làng nhà cổ khác, mà nằm rải rác trong 6 ấp của huyện Cái Bè. Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum xuê, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cuốn hút du khách. Số nhà cổ có niên đại từ 150 – 200 năm tuổi là 7 căn, từ 80 – 100 năm tuổi là 29 căn, ẩn mình trong các vườn cây ăn trái sum suê, tạo nên vẻ đẹp bí ẩn thu hút du khách ngay từ cổng vào.
Trong làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp có các ngôi nhà nổi bật như: nhà cổ ông cụ Xoát, nhà cổ ông Kiệt, nhà cổ ông Ba Đức, nhà cổ ông Cai Huy, nhà cổ ông Liêm, nhà cổ ông 10 Võ….
Một trong số những điểm tham quan nổi bật ở làng Đông Hòa Hiệp là nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) và nhà cổ của ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi). Hai ngôi nhà này không những rất độc đáo về kiến trúc mà hiện còn là điểm du lịch homestay đón khách quốc tế. Du khách có thể trải nghiệm những sinh hoạt thường ngày cùng người dân địa phương: tham gia làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa, chăm sóc vườn cây ăn trái, đi chợ nổi Cái Bè, tát mương bắt cá; nghe đờn ca tài tử; …
Ngoài kiến trúc cổ, các cột chạm trổ, phản gỗ quý, trong các ngôi nhà vẫn lưu giữ được nhiều đồ dùng quý và đẹp, cho thấy thú chơi phong lưu của những gia đình giàu có chức quyền ở Nam bộ thời xưa.
Cùng với những ngôi nhà cổ, miệt vườn xanh mướt, người dân Đông Hòa Hiệp còn giữ gìn, phát huy giá trị của nếp sống bình dị tạo nên hình thức du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng. Du lịch Tiền Giang, đến với làng cổ du khách sẽ cảm nhận được lòng mến khách, thật thà của người dân Miền Tây Nam Bộ.
Từ năm 2013, Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp được đầu tư và từ đó đến nay, Lễ hội được tổ chức đều đặn 2 năm một lần, với nhiều hoạt động mang bản sắc văn hóa truyền thống, dân gian, thu hút đông đảo khách tham dự.
Với những giá trị to lớn về văn hóa và kiến trúc, Làng cổ Đông Hòa Hiệp vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 2017.