Rạch Gầm là một nhánh sông nhỏ tách ra từ sông Tiền, đoạn gần thành phố Mỹ Tho, còn được biết đến với tên gọi Sầm Giang hay Ca Răm (có nghĩa là con Cọp). Cách Rạch Gầm 7km, Xoài Mút cũng là một chi lưu của sông Tiền, có chiều dài chừng 8km. Cả hai nhánh sông này cùng tách ra rồi lại đổ vào sông Tiền, một nhánh lớn của sông Cửu Long (Mekong).
Được xây dựng tại ấp Đông, xã Kim Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút có một vị trí khá đẹp và thoáng mát bên bờ sông Tiền hiền hòa với những đám dừa nước xanh tươi trong nắng, lại ngay cạnh tỉnh lộ 864 nên rất thuận tiện cho du khách đến cả bằng đường bộ lẫn đường thủy. Với tổng diện tích hơn 2ha, khu di tích gồm tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, hai nhà trưng bày và một ngôi nhà cổ Nam bộ.
Tượng đài chiến thắng nằm ngay trung tâm khu di tích, thể hiện vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong tư thế rút gươm rất uy dũng, bên cạnh là một binh sĩ đang giương cung và một người dân bản địa đang chèo thuyền, được bố cục hài hòa trong một tổng thể mô phỏng hình chiến thuyền làm liên tưởng đến chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút năm xưa.
Dưới chân tượng đài là công trình kiến trúc dạng đền được trang trí bằng dãy phù điêu chất liệu đồng, phác họa hình ảnh con người và chim hạc được mượn từ mặt trống đồng cổ…
Nhà trưng bày số 1 nằm ngay dưới chân tượng đài, rất độc đáo với dãy tranh ghép gốm gồm ba chương, thể hiện các giai đoạn khẩn hoang lập ấp, trận thủy chiến và khải hoàn, với chiều cao 1,8m có diện tích 57m²; ngoài ra còn hai mãng phù điêu khác khắc họa hình chim muông và cây trái miền Nam với diện tích 13m².
Nhà trưng bày số 2 trưng bày bộ sưu tập hiện vật về Rạch Gầm - Xoài Mút, với 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những khẩu súng thần công được đúc bằng sắt nặng 20kg, đá đạn của súng hỏa hổ cùng những đồ dùng của quân Xiêm La như đồ gốm, gươm, những hiện vật xuất hiện sau chiến thắng như tiền Thái Đức, tiền Quang Trung, tiền Cảnh Thịnh…
Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia.