NHỮNG NGÔI CHÙA ĐẸP Ở AN GIANG KHÔNG THỂ BỎ LỠ

Thứ tư, 01/03/2023, 14:22 GMT+7

NHỮNG NGÔI CHÙA ĐẸP Ở AN GIANG KHÔNG THỂ BỎ LỠ

An Giang từ lâu luôn được xem là một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ trong mỗi chuyến du lịch Miền Tây. Không chỉ hớp hồn du khách bởi khung cảnh thiên nhiên bình yên, hoang sơ cùng hệ sinh thái đa dạng, An Giang còn khiến các tín đồ xê dịch phải mê mẩn bởi những ngôi chùa tuyệt đẹp, với lối kiến trúc độc đáo. Ghé thăm những ngôi chùa đẹp ở An Giang, bạn không chỉ được hòa mình và khung cảnh linh thiêng, cổ kính, chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên đẹp tựa chốn bồng lai mà còn có thể bỏ túi những bức hình check in “triệu like”.

1. Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

  • Địa điểm: Phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

Có lịch sử từ năm 1824, Miếu Bà Chúa Xứ là địa điểm tâm linh không thể bỏ qua khi đến An Giang. Ngôi miếu linh thiêng tọa lạc dưới chân núi Sam, thu hút khách thập phương đêm tham quan, cúng viếng. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra trọng thể từ 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, thu hút hàng ngàn Phật Tử và du khách thập phương ghé thăm.

2. Hồ & Chùa Tà Pạ

  • Địa điểm: Xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Tà Pạ, hay còn gọi là Tri Tôn, là một trong bảy ngọn núi của vùng Thất Sơn. Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan tuyệt đẹp, Tà Pạ còn thu hút du khách bởi sự cổ kính và uy nghiêm của ngôi chùa Tà Pạ trên núi. Chùa Tà Pạ còn được gọi là chùa Núi, hoặc chùa Chưn-Num. Ngôi chùa Khmer sở hữu vị trí độc đáo, lấp ló sau những cánh đồng lúa với kiến trúc vô cùng nổi bật giữa rừng núi hoang sơ.

Trên đường đến chùa, bạn sẽ đi ngang hồ Tà Pạ, nơi được ví như “tuyệt tình cốc” của miền Tây. Hai bên hồ được bao quanh bởi các thành đá cao, nước xanh trong vắt đến tận đáy, tạo nên vẻ đẹp mê hoặc.

3. Chùa Long Sơn Núi Sam

  • Địa chỉ: Phường Vĩnh Phước, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

Nếu bạn đã ghé miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thì hãy dành thời gian tham quan chùa Long Sơn nằm gần đó, nổi bật với vẻ cổ kính, trầm mặc. Khung cảnh núi Sam nhìn từ chùa Long Sơn được đánh giá là đẹp miễn chê, nhất là lúc hoàng hôn. Thỉnh thoảng, tiếng chuông chùa vọng ngân từ trên cao sẽ khiến bạn thấy lắng đọng, bình yên lắm đó.

4. Chùa Huỳnh Đạo

  • Địa chỉ: Đường Tân Lộ Kiều Lương, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

Cách miếu Bà Chúa Xứ núi Sam khoảng 1km chính là ngôi chùa rồng Huỳnh Đạo nổi tiếng của An Giang. Ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc chùa Trung Quốc vào năm 1996, với điểm nhấn là tượng chín con rồng tượng trưng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long nổi bật giữa hồ sen.

Bên cạnh đó, các bức tượng Phật uy nghi hài hòa với cảnh quan thiên nhiên trong khuôn viên rộng lớn, giúp cho chùa Huỳnh Đạo có một sức hút lớn với du khách và Phật tử.

5. Chùa Vạn Linh Núi Cấm

  • Địa chỉ: Xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Vồ Bồ Hong là vồ cao nhất núi Cấm, nơi tọa lạc ngôi chùa Vạn Linh uy nghi hướng ra hồ Thủy Liêm, tạo thành vị trí tựa sơn hướng thủy đắc địa, kết hợp với chùa Phật Lớn ở đỉnh đồi bên kia, tạo nên sự hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo và cảnh sắc tự nhiên.

Để vãn cảnh chùa, bạn có thể sử dụng cáp treo để tận hưởng không khí mát mẻ và ngắm nhìn vẻ đẹp tựa thiên đường của núi Cấm.

6. Linh Ẩn Tự – Ngôi chùa có tượng Phật song diện ở An Phú – An Giang

  • Địa chỉ: Chùa Linh Ẩn An Giang tọa lạc tại ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Chùa Linh Ẩn – An Giang còn được người dân địa phương gọi là chùa “hai mặt” vì thiết kế bức tượng Phật gồm hai mặt, đứng quay lưng về nhau. Một mặt của bức tượng hướng về khuôn viên chùa, mặt còn lại nhìn thẳng về nước bạn Campuchia. Đây được xem là một trong những đột phá độc đáo về kiến trúc chùa chiềng ở tỉnh An Giang.

Nơi đây có cảnh vật thiền tịnh yên lành, không gian rộng rãi và thoáng đãng, là điểm du lịch tâm linh có tiếng ở vùng Bảy Núi.

Từ khi chùa Linh Ẩn xuất hiện thêm tượng Phật có hai mặt, nơi này càng trở nên nổi tiếng hơn. Dịp đầu tháng, rằm lớn hay các sự kiện Phật giáo, ở chùa lúc nào cũng đông đúc Phật tử và du khách tề tựu về thăm.

7. Chùa Koh Kas (Tual Prasat)

  • Địa chỉ: Xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Nếu phải chọn một nơi để tôn vinh văn hóa Khmer ở vùng đất Tây Nam Bộ thì hãy đến chùa Koh Kas, hay còn gọi là chùa Tual Prasat ở An Giang nhé.

Ngôi chùa có thiết kế đặc biệt với phần cổng cách chùa bằng con đường làng quanh co khoảng 500m, hai bên là đồng lúa tuyệt đẹp. Cổng chùa gây ấn tượng mạnh mẽ với kiến trúc Khmer cổ nổi bật giữa nền trời xanh. Chính vì vậy, người dân còn gọi là cổng Trời An Giang, cổng Thiên Đàng, hay cổng Thời Gian.

8. Chùa Lầu (Chùa Phước Lâm)

  • Địa chỉ: Khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Chùa Lầu, hay còn gọi là chùa Phước Lâm, là một ngôi chùa đã có lịch sử hơn 130 năm, mới đây được xây lại với thiết kế 3 tầng lầu xếp chồng lên nhau rất ấn tượng, được cho là ảnh hưởng từ kiến trúc chùa Nhật Bản.

Chùa Lầu rất được lòng hội mê “sống ảo” bởi màu đỏ nổi bật và khuôn viên ngập tràn cỏ cây, hoa lá. Ngoài ra, chiếc cầu treo được bắc vào những cây thốt nốt quanh khuôn viên chùa cũng là điểm check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ.

9. Chùa Kim Tiên

  • Địa chỉ: Xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Chùa Kim Tiên được đánh giá là ngôi chùa bề thế, nguy nga bậc nhất vùng Bảy Núi. Điểm nhấn của chùa Kim Tiên là bức tượng Phật A Di Đà cao 24m ngự trên nóc chùa. Rất nhiều bạn trẻ ví cảnh quan chùa Kim Tiên đẹp tựa phim trường cổ trang nên thường rủ nhau đến đây “sống ảo”. Chùa có đãi cơm chay và phát nước cho người dân sau khi tham quan.

10. Chùa Phước Thành (Chùa Chim)

  • Địa chỉ: Xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Chùa Phước Thành còn có tên là chùa Chim, một ngôi chùa được ghi nhận kỷ lục Việt Nam với công trình quần thể tượng Phật lớn nhất Việt Nam, đặc biệt là bức tượng Phật A Di Đà cao 39m vươn lên trời xanh. Ngôi cổ tự này được khai sơn từ năm 1872, và sau lần đại trùng tu gần đây, chùa Phước Thành đã khoác lên mình kiến trúc mới rực rỡ, sáng ngời giữa vùng cù lao Giêng xanh mát.

11. Chùa Tây An

  • Địa chỉ: Đường Vòng Núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

Nếu bạn đã được giới thiệu những ngôi chùa ở An Giang có kiến trúc Nhật Bản, Trung Hoa, hay Khmer thì đừng ngạc nhiên khi ở đây xuất hiện cả công trình mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ: chùa Tây An, hay còn gọi là Tây An cổ tự, có lịch sử từ năm 1847.

Ngôi chùa này đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, cũng là ngôi chùa đầu tiên kết hợp kiến trúc Việt – Ấn ở Việt Nam. Chùa Tây An có màu sắc rực rỡ nổi bật trên nền núi Sam xanh thẫm đằng sau. Điểm ấn tượng của chùa Tây An là ba ngôi lầu cổ có nóc củ hành, cùng với đó là các ngôi mộ tháp tinh xảo, đẹp mắt.

12. Thiền Viện Trúc Lâm An Giang

  • Địa chỉ: Ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang

Thiền viện Trúc Lâm An Giang là công trình khá mới nhưng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của du khách cũng như dân địa phương đến đây tham quan, vãn cảnh. Không chỉ là một công trình tâm linh, thiền viện Trúc Lâm An Giang còn sở hữu cảnh quan đẹp tựa tiên cảnh, với bốn bề non nước, mây trời. Cũng vì thế mà thiền viện được ví như vịnh Hạ Long ở vùng Thất Sơn.

13. Thánh Đường Masjid Al-Ehsan

  • Địa chỉ: Ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang

Thánh đường Masjid Al-Ehsan tọa lạc tại làng Chăm Đa Phước, nên trước khi ghé vào thánh đường, bạn sẽ có cơ hội đi ngang ngôi làng người Chăm mà đa phần họ theo đạo Hồi. Vì thế, phụ nữ ở đây sẽ mặc áo abaja và quấn khăn hijab, còn đàn ông thì mặc xà rông và đội mũ vuông.

Thánh đường Masjid Al-Ehsan là một trong những thánh đường Hồi giáo ở An Giang, sở hữu khuôn viên rộng lớn, với kiến trúc mái củ hành cùng hình ảnh ngôi sao và trăng khuyết, biểu tượng của Hồi giáo. Các thánh đường Hồi giáo ở An Giang thường có sắc trắng kết hợp với đường viền xanh, chắc chắn sẽ làm phông nền “sống ảo” cực chất cho các bạn mê lia máy nè.

14. Chùa Hang (Phước Điền Tự)

Nói đến những ngôi chùa đẹp ở An Giang chắc chắn không thể không nhắc tới chùa Hang hay còn được biết đến với tên gọi khác là Phước Điền Tự. Được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 19, chùa Hang cũng được xem là một trong những ngôi chùa cổ kính và lâu đời nhất vùng Đông Nam Bộ. Chùa tọa lạc nơi triền núi Sam hùng vỹ, thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang và cách miếu Bà Chúa Xứ không xa.

Đặt chân đến chùa Hang, bạn sẽ có cảm giác như được lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh vậy. Chùa nổi bật lên trên nền rừng xanh ngát với màu nâu đỏ chủ đạo. Phần mái được xây dựng theo hình những mũi thuyền cong vút, càng làm tăng thêm vẻ đẹp độc đáo cho ngôi chùa. Từ dưới chân núi, để lên đến chùa Hang bạn sẽ phải vượt qua đoạn đường núi dài khoảng 300 mét. Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn có thể thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên đẹp nao lòng và tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ nơi đây.

Ý kiến bạn đọc