NHỮNG MÓN ĂN ĐẶC SẢN AN GIANG KHÔNG THỂ BỎ QUA
Là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt…nên văn hóa ẩm thực An Giang rất đa dạng phong phú mỗi món ăn đều mang hương vị bản sắc riêng. Du lịch An Giang, bạn không chỉ được tham quan những di tích văn hóa lịch sử hào hùng, cảnh đẹp của thiên nhiên núi rừng hoang sơ và hùng vĩ, mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản dân dã thơm ngon, độc đáo chỉ có riêng ở nơi đây. Xin giới thiệu những món ăn ngon đặc sản An Giang được nhiều du khách yêu thích.
1.Bún cá
Món bún là món ăn trứ danh của vùng đất An Giang. Món ăn này được bán ở nhiều nơi nhưng ngon nhất là ở Châu Đốc, Long Xuyên và Tân Châu. Người dân ở đây quen gọi bún cá là bún nước lèo. Mỗi nơi đều có vị bún cá đặc trưng, ở Long Xuyên vị bún nhạt và thơm mùi nghệ, ở Tân Châu và Châu Đốc bún cá có vị đậm đà hơn.
Món bún cá ngon nhất là khi được nấu bằng cá lóc (cá quả), người ta có thể thay thế bằng cá kèo. Nước dùng ngọt được ninh từ xương gà, rau giá ăn kèm với bún cá nước lèo rất đa dạng, đó có thể là rau muống bào, bắp chuối bào sợi, giá, rau răm và đặc biệt là bông điên điển. Bông điên điển chỉ có vào mùa nước nổi, khi ăn bún cá với bông điên điển, thực khách mới cảm nhận được hết vị ngon ngọt đặc biệt của món bún này.
Gỏi sầu đâu có thể nói là món ăn nổi tiếng nhất của An Giang. Sầu đâu là loại cây hoang dã, mọc nhiều ở An Giang… Thân cây cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát; hoa thì ít đắng hơn và thơm.
Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.
3. Lẩu mắm Châu Đốc
Khi được hỏi đặc sản An Giang là gì, người ta thường hay nhớ đến món lẩu mắm Châu Đốc. Đến với Châu Đốc thì mắm là một đặc sản quá nổi tiếng với mùi thơm đặc trưng và độ ngon thì miễn bàn. Do đó, các món ăn từ mắm ở vùng này khá phong phú, và món lẩu mắm là một trong những món hấp dẫn nhiều thực khách nhất.
Những loại mắm thường dùng để nấu lẩu thường là mắm cá sắc, cá linh, cá chốt,... sẽ dậy mùi thơm lẩu rất quyến rũ. Những topping trong món lẩu mắm phải kể đến là các món cá, thịt, tôm,.. cùng với hàng chục loại rau đặc trưng như bông súng, bông điên điển, rau đắng, cà tím,... tạo nên một món ngon khó cưỡng.
Bò bảy món Núi Sam là một trong những đặc sản níu chân du khách khi đến với vùng Châu Đốc. Đi dọc trên đường dưới chân núi Sam, du khách sẽ không khỏi bị hấp dẫn bởi các quán ăn treo biển hiệu “thịt bò bảy món” với lòng bò luộc, bò đun bánh hỏi, cháo bò, bò khìa bánh mì, bò xào lá giang, bò lúc lắc và bò bít tết. Dù thưởng thức món nào du khách cũng đều cảm thấy thích thú vì ngon miệng.
5. Cơm tấm Long Xuyên
Cơm tấm Long Xuyên hay cơm tấm nhuyễn là món ẩm thực rất nổi tiếng tại Long Xuyên mà các bạn không thể bỏ qua khi du lịch tại miền Tây. Về Long Xuyên mà chưa ăn cơm tấm coi như chuyến đi đó chưa trọn vẹn. Cơm tấm ở xứ này có sức quyến rũ diệu kì đối với vị giác của con người. Người ta có thể ăn cơm tấm nạp năng lượng cho buổi sáng, ăn chắc bụng cho buổi trưa, no nê cho bữa chiều hay xoa dịu cơn đói lúc trời khuya.
6. Xôi phồng Chợ Mới
Xôi phồng Chợ Mới thuộc họ nhà xôi, nhưng vẫn tạo ra cái chất riêng, độc đáo từ cách làm, hình thức trình bày đến hương vị, tạo nên danh tiếng cho một món ăn dân gian miền Tây Nam Bộ mộc mạc, đậm tình quê: xôi phồng Chợ Mới, An Giang.
Món ngon không chỉ đậm đà hương vị mà còn bắt mắt, ưa nhìn. Thực khách có thể thưởng thức xôi phồng riêng hoặc ăn kèm với món gà thả vườn luộc, hấp rượu đề hay đem quay, chấm với nước tương. Đúng điệu phải là nước tương ủ lên men truyền thống làm bằng đậu nành xứ này.
Bánh xèo Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) lôi cuốn thực khách bởi hơn 20 loại rau rừng ăn kèm. Các quán bán bánh xèo sẽ lấy rau sạch và rau thiên nhiên trên núi Cấm để làm nên một đĩa rau phong phú. Đó có thể là lá của cây xoài, rau tía tô, xà lách các loại cho đến các loại dưa giá rất phong phú. Bánh xèo chỉ bao gồm thịt ba rọi, giá và tép như hầu hết những vùng khác, tuy nhiên lại thu hút được nhiều người bởi cái phong vị thiên nhiên và lạ miệng của các loại rau rừng. Thưởng thức bánh xèo Núi Cấm thực khách sẽ được nếm các loại rau với đủ mùi vị, tất cả hòa trộn thành một hương vị rất đặc biệt.
Bánh tằm bì là một món ăn ngon đặc sắc của Tân Châu. Điểm nhấn chính là bì thịt và viên xíu mại thơm béo trong đĩa bánh tằm. Bánh tằm là những sợi bánh làm từ bột độ giòn và béo hơn so với bánh canh. Bánh tằm thường được ăn kèm với thịt xíu mại, thịt nướng và bì. Khi ăn thì chan nước cốt dừa béo và nước mắm chua ngọt. Món ăn này là sự tổng hòa của vị mặn, vị béo, vịt ngọt và vị cay của ớt.
Đến với Ô Thum (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) du khách đừng quên thưởng thức món gà đốt lá chúc trứ danh tại vùng đất này. Món gà đốt Ô Thum có nguồn gốc từ Campuchia, điều tạo nên vị ngon của món gà đốt không chỉ nằm ở nguyên liệu mà nằm ở bí quyết chế biến riêng của mỗi quán, ngoài các loại gia vị thường thấy như muối, sả, ớt, tỏi thì lá chúc như một loại gia vị đặc biệt không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được của món ăn.