Phá Tam Giang – Nét Yên Bình Xứ Huế Mộng Mơ

Thứ năm, 04/05/2023, 10:05 GMT+7

Phá Tam Giang – Nét Yên Bình Xứ Huế Mộng Mơ

Tam Giang là hợp lưu của ba con sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương trước khi đổ vào biển Đông. Vì thế phá Tam Giang mang tính “biểu tượng” về môi trường sinh thái của Thừa Thiên  Huế xưa và nay. Không một du khách nào đến đây lại có thể bỏ qua địa danh nổi tiếng này.

Đây là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, mặt nước rộng 248,7 km2, khởi đầu từ cửa sông Ô Lâu ở phía Bắc đến cửa sông Hương ở phía Nam. Đầm phá bao đời nay có rất nhiều động vật thủy sinh, nhiều nhất ở các cửa biển Thuận An, cửa sông Ô Lâu, sông Bồ, đầm Thủy Tú, Cầu Hai.

Hiện nay đã xác định được 163 loài cá, nhiều loài quý hiếm như cá vược, cá chình. Tùy theo mùa, còn một số loài cá di cư vào đầm phá để sinh sản như cá mòi, cá cơm biển… Ngược lại, cá đối, cá mú, cá dìa sống trong đầm phá lại di cư ra biển để đẻ trứng. Quanh năm, ngư dân đánh bắt được trên đầm phá khoảng 23 loài cá có giá trị kinh tế cao là cá dầy, cá dìa, cá bống thệ, cá hanh, cá hồng, cá căn…

Bề mặt đầm phá có thảm thực vật tự nhiên nên các loài chim nước tụ tập về đây, tạo thành các sân chim lớn tại cửa sông Ô Lâu, cửa sông Đại Giang và đầm Sam. Qua theo dõi, đã phát hiện được 34 loài chim di cư, 36 loài chim định cư, đặc biệt có 21 loài chim thuộc danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng Châu Âu và một loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Đầm phá đối diện với biển Đông trải dài hơn 68 km, chỉ ngăn cách với biển bởi một dãi cát hẹp, thông thương qua hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Do đó nó có khả năng tự làm sạch môi trường nước và luôn được sóng gió biển Đông ùa vào bên trong, trở thành một “buồng phổi” lớn để điều hòa môi trường sinh thái cho toàn tỉnh Thừa Thiên Huế một cách tự nhiên và thường xuyên.

Ý kiến bạn đọc