Bảo Tàng Mỹ Thuật Cung Đình Huế - Nơi Lưu Giữ Dấu Ấn Triều Đại Nhà Nguyễn
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập từ năm 1923 với tên gọi đầu tiên là Bảo tàng Khải Định. Tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng nguyên là một kiến trúc thuộc cung Bảo Định được vua Thiệu Trị cho xây dựng năm 1845 bên hữu ngạn sông Ngự Hà. Năm 1847, sau khi vua Thiệu Trị băng hà, điện này trở thành nơi thờ phụng nhà vua cho đến năm 1885 khi người Pháp cho quân chiếm đóng trong biến cố Thất thủ kinh đô Huế.
Năm 1908, điện Long An được dời về vị trí hiện nay làm thư viện cho trường Quốc Tử Giám, gọi là Tân Thơ Viện. Năm 1913, Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué - AAVH) bao gồm những trí thức người Pháp và người Việt, được thành lập theo đề xuất của linh mục L.Cadière với mục đích sưu tầm và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa và mỹ thuật thời Nguyễn. Hội cũng ấn hành tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué, đặt trụ sở tại một góc của Tân Thơ Viện và tập hợp được nhiều cổ vật về đây nhằm lưu giữ quá khứ vẻ vang và niềm tự hào của một triều đại, làm tiền đề cho sự ra đời của Bảo tàng sau này.
Bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày các sưu tập cổ vật ghi dấu về cuộc sống cung đình Nguyễn, bao gồm các tác phẩm nghệ thuật, đồ dùng sinh hoạt, nghi lễ, tín ngưỡng, hoạt động hành chính, quốc phòng như sưu tập đồ sứ, sưu tập pháp lam, sưu tập trang phục cung đình, sưu tập ấn triện, sưu tập nhạc khí, sưu tập tranh gương, sưu tập đồ gỗ, sưu tập súng thần công thời Nguyễn, bộ sưu tập cổ vật Chăm…
Gần 100 năm hoạt động, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang quản lý hơn 10 ngàn hiện vật làm bằng đủ loại nguyên liệu như gỗ, đá, đất nung, đồng, bạc, vàng, ngọc, thủy tinh, vải, da, giấy, mây, tre… Phần lớn các cổ vật ấy là đồ “ngự dụng” của vua, đồ dùng hàng ngày của hoàng gia, của triều đình, các tác phẩm nghệ thuật trang hoàng trong các cung điện tại Kinh đô triều Nguyễn., là nơi cất giữ phần hồn cổ tích của di sản Huế, giúp du khách cảm nhận được một phần cuộc sống vương giả xưa của triều Nguyễn.
Đây là bảo tàng duy nhất của Việt Nam hiện có một số lượng hiện vật khổng lồ của thời Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Trải qua hàng chục năm chiến tranh liên miên, con số cổ vật tại đó không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng ngày nay đến đó, du khách vẫn còn có thể chiêm ngưỡng được rất nhiều sản phẩm văn hóa – nghệ thuật quý báu được trưng bày.
Đó là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các “bàn tay vàng” dưới triều Nguyễn làm ra tại Huế hoặc tại các địa phương khác “cung tiến”cho Kinh đô. Chúng không phải là những mặt hàng sản xuất hàng loạt, mà là mỗi thứ một bộ hoặc một chiếc. Quý hiếm và độc đáo là vậy.
Ngoài các hiện vật được trưng bày, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế hiện nay còn lưu trữ hàng ngàn hiện vật khác do triều Nguyễn cho sản xuất tại chỗ, hoặc đặt làm, đi mua ở nước ngoài, hay do các nước biếu tặng. Một khối lượng đồ xưa có giá trị lớn ở đó là hàng ngàn món đồ xứ men lam mà các nhà nghiên cứu gọi là Bleu de Hué. Đồ men lam khác với đồ pháp lam. Pháp lam là hiện vật bằng đồng tráng men nhiều màu được nung ở nhiệt độ cao. Còn đồ men lam là đồ sứ làm bằng đất nung, do triều đình Huế đặt cho các lò sản xuất đồ gốm bên Trung Quốc làm ra, theo mẫu, kích cỡ và sở thích của các vua Nguyễn. Trên các sản phẩm men lam ấy, có ghi niên đại của từng vua đặt hàng. Khoảng 100 bộ áo quần của các vua, hoàng hậu, hoàng tử, quan lại và lính tráng vẫn đang lưu giữ ở đây.
Nhìn chung từ tòa nhà cung điện cổ kính cho đến hàng ngàn hiện vật được trưng bày và bảo quản tại đây, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế thể hiện rõ tài năng khéo léo, đầu óc sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam một thời, qua đó, chúng ta cũng thấy được phần nào bộ mặt sinh hoạt cung đình của triều Nguyễn. Nó là đối tượng rất hấp dẫn đôi với du khách, các nhà nghiên cứu về lịch sử và nghệ thuật Huế xưa.