Những món ngon không thể bỏ qua khi đi du lịch Đắk Nông
Rượu cần là đồ uống thường xuyên, phổ biến và bất biến của các cư dân bản địa Tây Nguyên. Uống rượu cần trở thành phong tục, có nguồn gốc khá lâu đời, thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống. Rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách.
Trước kia, do đòi hỏi thường xuyên của việc làm nương rẫy cùng với tập quán sống du canh du cư. Nhiều đồng bào ở Tây Nguyên đã tận dụng những ống tre, ống nứa có sẵn trong rừng để nấu những hạt gạo mà họ mang theo trong suốt mùa làm. Thứ cơm mà họ nấu giúp ăn chắc bụng hơn các món ăn khác, đáp ứng được nhu cầu các công việc nặng. Cơm lam cũng xuất phát từ đó, bắt đầu chỉ là món ăn dân dã gắn liền với cuộc sống của đồng bào nơi đây nay đã trở thành đặc sản truyền thống, khác hẳn với cơm lam ở vùng Tây Bắc hay của người Lào.
Cà đắng xưa nay là món ăn dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nhưng ngày nay trở thành đặc sản. Kết tinh từ khí hậu, thổ nhưỡng tạo nên vị đắng rất riêng, đặc trưng của loại cà mọc dại này.
Cà đắng có mặt trong nhiều món ăn của bữa cơm đồng bào dân tộc như cà đắng nấu với cá khô, cá hấp hoặc tôm tép khô, cà đắng nấu ốc... Nếu mạnh miệng qua được đũa đầu tiên của những món cà đắng, bạn sẽ “nghe” được vị ngọt đằm thắm hòa với vị ngọt, vị mặn của cá khô, của tôm tép và vị cay xé lưỡi tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng.
Măng chua thực sự là một trong những miếng ngon từ núi rừng. Măng tươi lấy trên rừng, sắt mỏng ủ trong hũ sành cùng với muối, sau một thời gian măng chua đến độ vừa dùng, có thể chế biến thành các món ăn lạ miệng cùng với cá suối, nấu canh, …. Điều đặc biệt của món ăn này là Người dân bản địa với bàn tay khéo léo có thể ủ măng sử dụng quanh năm mà măng vẫn thơm mùi như mới.
Đến với Đăk Nông, bạn phải một lần nếm món măng chua của đồng bào dân tộc nơi đây mới cảm nhận hết được những nét giản dị, mộc mạc của nó. Không phải là một món ăn cao sang, măng chua mộc mạc như bản chất của người dân tộc Tây Nguyên và để lại trong lòng mỗi thực khách một cảm giác thật ngon, thật lạ vì chính bản chất bình dị, tự nhiên vốn có của nó.
Cá lăng là cá da trơn, giống cá nước ngọt này tìm thấy chủ yếu ở vùng sông suối, nơi nhiều ghềnh thác… Ở Việt Nam có 2 vùng nhiều cá Lăng nhất là vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên. Cá lăng với phần thịt rất săn chắc, khi ăn đem lại hương vị ngọt thanh nên rất được lòng thực khách.
Tại Tây Nguyên đầy nắng gió, cá Lăng dễ dàng tìm mua tại khu vực sông Sêrêpốk và từ lâu đã được người dân Tây Nguyên tự hào là món đặc sản khiến bất kỳ ai cũng phải ‘’xiêu lòng’’. Cá lăng có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như om chuối, đem ấp, làm lẩu, chả cá nhưng hay được ‘’chỉ mặt gọi tên’’ nhất thì đó là món cá lăng nướng.
Đến với Tây Nguyên đại ngàn, ngoài thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện chắc chắn bạn sẽ còn cảm nhận được Tây Nguyên qua những chiếc lá. Đó không chỉ là hương vị mà thiên nhiên dành tặng cho con người mà còn là hương vị của quê hương, xứ sở thông qua món đặc sản của đồng bào Tây Nguyên - Lẩu lá rừng.
Dường như hương vị của núi rừng, của đại ngàn xanh đã thấm vào từng chiếc lá để bạn có thể cảm nhận một cách đầy đủ nhất về Tây Nguyên. Có khoảng hơn 10 loại lá được dùng để chế biến lẩu lá rừng, phần lớn chúng đều được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Ban đầu những lá này được sử dụng như một thứ rau rừng để phục vụ cho những bữa ăn trên nương, trên rẫy. Sau này khi tập quán sản xuất thay đổi thì nó được dùng như một đặc sản đó là lẩu lá rừng. Cùng với những loại lá này còn có mắm thịt, tôm nõn và thịt luộc.
Mỗi loại lá đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau. Lẩu lá rừng chính là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Mỗi loại lá đều chứa đựng trong mình những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ.
Cùng với các loại lá thì mắm thịt và nem thính được cuốn vào lá, vị cay cay nồng của lá tươi cộng với vị đậm của mắm thịt, vị khô của nem thính cho ta nhiều cảm giác lạ.
Đây là món ăn đặc sản của người M’nông, Mạ, phổ biến ở vùng phía nam tỉnh như Đắk R’lấp, Đắk Glong, Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa, để đãi bạn bè, khách quý và dùng trong các lễ hội. Ngoài đọt mây, nguyên liệu nấu canh thụt còn gồm rau nhíp, măng, thịt hoặc cá suối, ít con mối và vài con dế dũi Tất cả nguyên liệu được cho vào ống lồ ô tươi, bịt kín đầu.
Khi nấu, ống lồ ô để nghiêng trên lửa và quay tròn cho canh chín đều. Khi nấu vừa chín tới, người ta thường lấy đoạn dây mây có gai đâm vào trong ống cho các nguyên liệu nhừ nát, hòa quyện vào nhau. Khi đó, muối, ớt được bỏ vào, thụt đều, có thể bỏ thêm một ít rau thơm. Món này có thể ví như một loại “thực phẩm chức năng” hỗ trợ đắc lực cho hệ tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết của người dùng.
Muối kiến vàng mang hương vị đặc trưng riêng, vô cùng lạ miệng và hấp dẫn, được đồng bào dùng với cơm trắng khi lên nương rẫy, ăn với rau luộc, chấm xoài xanh hay ăn kèm với các món thịt nướng... Theo đồng bào, kiến vàng chứa nhiều chất dinh dưỡng, có vị chua chua rất dễ ăn. Việc bắt kiến vàng cũng phải theo mùa và chủ yếu vào mùa nắng bởi lúc này kiến chua và mang vị đặc trưng hơn. Ngoài sử dụng kiến để làm muối, đồng bào còn dùng để nấu canh măng, canh lá giang, làm gỏi đu đủ...
Món thịt khô không chỉ là một trong những cách bảo quản thịt hữu hiệu mà trở thành đặc sản ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số. Món ăn phần nào nói lên được phong tục và đời sống sinh hoạt thường ngày của các dân tộc.
Khi chưa có cách bảo quản thịt như ngày nay, đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng cách hun khói (xông khói). Các loại thịt thường dùng là thịt lợn, bò, trâu, nai… Sự khác biệt trong món thịt khô của các dân tộc thường ở công đoạn tẩm ướp.
Đức Lập là tên cũ của huyện lỵ Đắk Mil, một địa phương có đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cà phê. Hiện nay, Đắk Mil có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh. Do thuận lợi về tự nhiên; mặt khác, người dân địa phương đã có kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch, sơ chế… nên hạt cà phê Đắk Mil có chất lượng cao.