Nhà cổ Huỳnh Phủ - Ngôi nhà cổ độc nhất ở Bến Tre

Thứ hai, 13/03/2023, 13:55 GMT+7

Nhà cổ Huỳnh Phủ - Ngôi nhà cổ độc nhất ở Bến Tre

Nhà cổ Huỳnh Phủ tọa lạc tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, được xem là ngôi nhà xưa nhất còn tồn tại trên đất cù lao xứ dừa cho đến nay và trở thành một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng của tỉnh Bến Tre.

Nhà nằm trên khu đất rộng 500m2 giữa vườn cây trái sum sê. Chủ căn nhà là ông Huỳnh Ngọc Khiêm hay còn gọi là Hương Liêm. Ông vốn là người con đất Huế nhưng cùng vợ và chín người con vào miền Nam lập nghiệp. Nhờ chăm chỉ làm nông, ông trở nên giàu có. Ngoài đất do chính mình khai phá, ông còn mua lại đất của những nông dân nghèo nhập vào để cuối cùng ông có một gia tài đồ sộ, gần 2.000 mẫu đất.

Chính quyền thời bấy giờ cho ông làm đến chức tri huyện. Giàu có, ông nghĩ đến việc tạo dựng cho mình một cơ ngơi. Ông trở về Huế chiêu nạp thợ thuyền và mua sắm vật liệu. Nhiều loại gỗ quý được ông kết thành bè thả theo con nước về đến Thạnh Phú. Sau 14 năm xây dựng, năm 1904, ngôi nhà hoàn thành mang đậm nét kiến trúc theo phong cách Huế.

Công trình xây dựng độc nhất này mất thời gian dài nên cũng có nhiều câu chuyện truyền miệng được dân làng kể lại cho đến ngày hôm nay. Khi đó cánh thợ mộc đến đây làm việc hồi còn trẻ tới lớn vẫn chưa xong nên được ông Hương Liêm lo cưới vợ rồi lập nghiệp tại vùng đất này luôn; hay chuyện thợ cưa gỗ ăn bưởi bỏ hạt ngoài vườn đến khi cây bưởi lớn ra quả mà công trình xây dựng vẫn chưa xong...

Hiện tại, mỗi ngày bà Lê Thị Hai (vợ ông Thu) là người đảm nhiệm thắp nhang, quét dọn khu nhà cổ của tổ tiên và kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn viên cho khách du lịch. Bà Hai cho biết: “Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích trên 500m2 (rộng khoảng 17m, dài 25m) với 48 cây cột tròn bằng gỗ căm xe, gỗ lim và cất theo kiểu nhà xuyên trính, hình chữ nhật, ba gian hai chái và hai liễm đôi theo kiểu chái bắt vần với liễm được sơn son thếp vàng. Toàn bộ gỗ ở mặt trước ngôi nhà được điêu khắc tinh vi với hình hoa, cỏ, động vật quen thuộc ở địa phương như: tôm, cá, nai, hươu, chim, gà, rồng, phụng… Kế bên còn 1 ngôi nhà nhỏ dùng để ông cụ tiếp khách, uống trà, uống rượu và chỗ nghỉ ngơi cho khách ở xa”.

Bên trong ngôi nhà còn bộ trường kỷ cẩm thạch được nhập từ Pháp về mà thời điểm năm 1980 được trả giá 40 lượng vàng nhưng gia chủ vẫn không bán. Ngoài ra còn một số bộ phản, giường gỗ, lư đồng… được các thế hệ con cháu giữ gìn suốt mấy đời qua. Theo bà Hai, du khách thích nhất khi đến tham quan ngôi nhà là ngắm nhìn bộ liễn và những con vật, cành hoa trên phiến gỗ quý được chạm, khắc hết sức công phu. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài và biến cố của lịch sử nên nhiều món đồ cổ có giá trị trong ngôi nhà đã bị thất lạc.

Nhiều hình thù rất thân thuộc trong đời sống hàng ngày như cua, cá, tôm, kì lân, phụng được thể hiện rất tỉ mỉ. Tất cả như một bức tranh dân gian sống động mang rõ nét đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

Vào sâu hơn, nơi đây là không gian thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên được đặt trang trọng giữa nhà. Đây được xem là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc. Tất cả những phiến gỗ bàn thờ đều được chạm trổ tỉ mỉ và sơn son thếp vàng.

Đến nhà cổ Huỳnh Phủ, du khách như lạc vào một “biệt phủ” xưa để ngắm nhìn những hoạt tiết, nghệ thuật điêu khắc gỗ tài hoa của ông cha ta thời trước.

Hiện tại, ngôi nhà cổ độc đáo này nằm ở vùng sâu của huyện ven biển Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) nhưng mỗi ngày cũng có vài chục khách du lịch thích khám phá đến tham quan. Đến ngôi nhà cổ này, gia chủ sẽ hướng dẫn tận tình nhưng phí thì “ai cho bao nhiêu tùy thích” nên du khách không chỉ thích kiến trúc độc đáo mà còn cả cung cách phục vụ nhiệt tình bởi lớp hậu duệ của gia tộc danh giá này.

Ý kiến bạn đọc