Giới Thiệu Tổng Quan Về Du Lịch Tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai là một tỉnh tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, sở hữu những ngọn thác, những con suối tuyệt đẹp mê hoặc du khách bằng khung cảnh nên thơ, hữu tình đặc trưng riêng của miền Đông Nam Bộ. Đồng Nai là một tỉnh cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đi đầu với việc kinh tế phát triển, đồng thời cũng là địa điểm du lịch lý tưởng vào những ngày nghỉ với các địa điểm du lịch như: Thác Giang Điền, Khu du lịch Bò Cạp Vàng, Núi Chứa Chan…
Đồng Nai có hệ thống giao thông thủy bộ, đường sắt nối liền với các địa phương khác trong cả nước, có sân bay quân sự Biên Hòa, là địa bàn trọng yếu về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, có vị trí quan trọng trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn kết vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
1. Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển
Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ. Nước Đại Việt lúc bấy giờ chỉ từ ải Nam Quan đến vùng Bắc Đèo Ngang (Hà Tĩnh ngày nay). Việc mở rộng được bắt đầu khi có những giao tranh giữa Đại Việt và vương quốc Chăm Pa láng giềng lúc bấy giờ.
Để mở rộng bờ cõi về phía Nam, nước Đại Việt lúc bấy giờ đã biết tổ chức một quân đội tốt, hùng hậu và có chiến lược nhu lẫn cương để thực hiện mưu đồ Nam tiến của mình.
Nước Việt Nam lúc bấy giờ xảy ra giao tranh giữa vua Lê - Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, lịch sử vẫn gọi là thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, đây là cuộc phân tranh tạo ra tình trạng cát cứ trong lịch sử Việt Nam. Cuộc sống của người dân đói khổ và lâm vào lầm than. Điều này tạo ra một làn sóng di dân ồ ạt đầu tiên từ Bắc vào Nam, trong đó có làn sóng di dân của miền Thuận Quảng vào Đồng Nai tìm đất sinh sống và tái lập nghiệp.
Năm 1621, Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) sai sứ sang gặp vua Chân Lạp Chey Chetta II, yêu cầu cho người Việt vào sinh sống, buôn bán ở Đồng Nai. Người Việt di cư đến đâu thì khai khẩn và phá hoang lấy đất canh tác đến đó tạo nên vùng đất trù phú. Ruộng lúa, hoa màu xanh tốt.
Năm 1679, nhà Minh ở Trung Quốc sụp đổ, Tổng binh Trần Thượng Xuyên trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm không khuất phục nhà Thanh đã đem 50 chiến thuyền, 3.000 binh lính thân tín và gia quyến đến xin thuần phục chúa Nguyễn ở Thuận Hóa. Lúc bấy giờ, đứng đầu nhà Nguyễn là Chúa Nguyễn Phúc Tần đã thu nhận họ và cho vào khai khẩn, mở mang vùng đất Đông Phố (Cù lao Phố ngày nay). Họ biến Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai trở thành một thương cảng sầm uất và phát triển.
Năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai (lúc này, từ Đồng Nai hay vùng đất Đồng Nai là ám chỉ cả một vùng Nam Bộ rộng lớn của bây giờ), đặt vùng đất mới thành phủ Gia Định, chia làm 2 huyện: huyện Phước Long (Đồng Nai) dựng dinh Trấn Biên, huyện Tân Bình (Sài Gòn) dựng dinh Phiên Trấn. Ngoài ra, Nguyễn Hữu Cảnh còn cho lập bộ đinh, bộ điền, chiêu mộ những người có vật lực từ các vùng khác vào lập nghiệp và phát triển kinh tế.
Năm 1882, sau khi Hòa ước Nhâm Tuất được ký, lúc này triều đình Nhà Nguyễn cắt đất giao 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hoà cho Pháp. Sau đó, Pháp chia Biên Hòa thành ba tỉnh là Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, đất Đồng Nai được chia làm 3 tỉnh là Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy.
Đầu năm 1975, hợp nhất 3 tỉnh này thành lập tỉnh Đồng Nai, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Biên Hòa.
Năm 1976, thị xã Biên Hòa được nâng cấp thành thành phố Biên Hòa - đô thị loại 3, trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Ban đầu, tỉnh Đồng Nai có tỉnh lị là thành phố Biên Hòa, thị xã Vũng Tàu và 9 huyện: Châu Thành, Duyên Hải, Long Đất, Long Thành, Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Xuyên Mộc.
Năm 1978, sáp nhập xã Hố Nai 1 và xã Hố Nai 2 của huyện Thống Nhất vào thành phố Biên Hòa.
Năm 1978, chuyển huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) về thành phố Hồ Chí Minh quản lý theo nghị quyết của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI.
Năm 1979, tách thị xã Vũng Tàu và xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành để thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Năm 1985, chuyển huyện Vĩnh Cửu thành thị xã Vĩnh An.
Năm 1991, chia huyện Xuân Lộc thành 2 huyện: Xuân Lộc và Long Khánh; chia huyện Tân Phú thành 2 huyện: Tân Phú và Định Quán.
Năm 1991, chia tỉnh Đồng Nai thành 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu: Tỉnh Đồng Nai gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Vĩnh An và 6 huyện: Định Quán, Long Khánh, Long Thành, Tân Phú, Thống Nhất, Xuân Lộc; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm thành phố Vũng Tàu và 4 huyện: Châu Thành, Côn Đảo, Long Đất, Xuyên Mộc.
Năm 1993, thành phố Biên Hòa được công nhận là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Đồng Nai.
Năm 1994, chia huyện Long Thành thành 2 huyện: Long Thành và Nhơn Trạch.
Năm 1994, giải thể thị xã Vĩnh An để tái lập huyện Vĩnh Cửu.
Năm 2003, giải thể huyện Long Khánh để thành lập thị xã Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ, chia huyện Thống Nhất thành hai huyện: Thống Nhất và Trảng Bom.
Năm 2015, thành phố Biên Hòa được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai.
Năm 2019, chuyển thị xã Long Khánh thành thành phố Long Khánh.
Tỉnh Đồng Nai có 2 thành phố và 9 huyện như hiện nay.
Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên là 5.907,2 km².
+ Phía đông giáp tỉnh Bình Thuận.
+ Phía tây giáp tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
+ Phía nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
+ Phía bắc giáp các tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước.
Đồng Nai có vị trí hết sức quan trọng, là cửa ngõ phía đông TP. HCM và là một trung tâm kinh tế lớn của cả phía Nam, nối Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam Bộ.
3. Sự Hình Thành Của Tên Gọi
Nguồn gốc của địa danh “Đồng Nai” vẫn chưa rõ. Dân gian quen giải thích là “Cánh đồng có nhiều nai” (cùng cấu trúc gọi tên các địa danh: Hố Nai, Đồng Hươu, Rạch Nai, Bàu Nai, Mũi Nai...). Cũng có ý kiến cho rằng Đồng trong Đồng Nai là cách gọi biến âm từ chữ Đờng trong Đạ Đờng (Sông Cái) của người Mạ; bởi vì còn có rất nhiều tên gọi khác bắt nguồn từ chữ Đồng (Đờng) mà không phải là cánh Đồng: Đồng Tranh, Đồng Môn, Đồng Tràm, Đồng Trường...
TS.Lê Trung Hoa cho rằng địa danh Đồng Nai xuất hiện lần đầu tiên bằng chữ quốc ngữ năm 1747 trong một báo cáo về giáo dân Nam bộ của Launay gởi cho giáo hội Công giáo; lúc đó âm “Ông” được ký hiệu là “ou” hoặc “oũ”. Theo tài liệu của Trương Bá Cần, trong một bản tường trình của thừa sai Gouge viết năm 1701, thân sinh của linh mục Laurent cùng với một số người trong gia đình đã đến vùng Dou-Nai (Đồng Nai) khai phá, cày cấy từ 29 năm trước. Thư của giám mục phó Labbé gởi Ban giám đốc Chủng viện Truyền giáo nước ngoài đề ngày 24.7.1710, có đoạn: “Có một miền gọi là Dou-Nai (Đồng Nai) ở giữa Cao Miên và Chiêm Thành đây là một vùng đồng bằng, đất tốt, khá rộng và dài, rừng rậm, cây to, nơi mà người Đàng Trong đến lập nghiệp từ 35 hay 40 năm nay”. Như vậy, từ đầu thế kỷ XVIII, địa danh Đồng Nai đã được các nhà truyền giáo ghi chép từ tên gọi dân gian đã phổ biến trước đó nhiều chục năm. Về sau, địa danh Đồng Nai được khẳng định vừa bằng chữ Nôm, vừa bằng chữ quốc ngữ trong tự điển Ditionarium Anamitico - Latium (Tự điển An Nam - La tinh) của Pigneau de Béhaine ấn hành năm 1772. Nông Nại chắc là trại âm từ Đồng Nai mà theo Trịnh Hoài Đức khi đi sứ sang Thanh quốc thấy người Hoa dùng chữ Nông Nại Đại Phố để gọi Cù Lao Phố.
Khí hậu Đồng Nai là khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa.
+ Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau (khoảng 5 – 6 tháng). Nhiệt độ trung bình mùa khô từ 25,4 – 26,7 độ C, chênh lệch giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất là 4,8 oC.
+ Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (khoảng 6 – 7 tháng). Nhiệt độ trung bình mùa mưa từ 26 – 26,8 oC. So với mùa khô, mức dao động không lớn, khoảng 0,8 oC.
Nhiệt độ không khí trung bình hằng năm từ 25,7 – 26,7 độ C. Mức độ chênh nhau giữa các năm không lớn.
THÁC GIANG ĐIỀN I TOUR DU LỊCH THÁC GIANG ĐIỀN 1 NGÀY
THUỶ ĐIỆN TRỊ AN I TOUR DU LỊCH THUỶ ĐIỆN TRỊ AN - CHIẾN KHU D 1 NGÀY
DU LỊCH BỬU LONG I TOUR DU LỊCH BỬU LONG – LÀNG BƯỞI TÂN TRIỀU 1 NGÀY
KHU DU LỊCH SINH THÁI VƯỜN XOÀI I TOUR DU LỊCH VƯỜN XOÀI 1 NGÀY
DU LỊCH SUỐI MƠ I TOUR DU LỊCH SUỐI MƠ - ĐỒNG NAI 1 NGÀY