Những món ngon không thể bỏ qua khi đi du lịch Đắk Lắk
Để tạo được những hạt cơm lam dẻo và thơm, gạo (gạo nếp) phải được lựa chọn kĩ càng: hạt vừa phải,thuôn dài, trắng và thơm. Nếu có thể chọn mua được những lúa nương của người đồng bào sẽ tăng thêm hương vị của cơm lam. Gạo phải được ngâm ở trong nước lấy từ con suối đầu nguồn hay vách đá ngâm trong vài tiếng hoặc một đêm mới được vào trong ống lờ ô hoặc ống tre. Chọn đúng loại ống lờ ô cũng góp phần quyết định đến sự thành công của món ăn, không quá non cũng không quá già,chọn những ống tươi để giữ mùi vị của tre khi cơm chín. Khi đổ gạo vào các ống không được dồn quá chặt. Sau cùng, dùng các loại lá rừng chủ yếu là lá chuối bịt kín đầu hở của ống.
Phải đợi cho lửa than thật hồng, thật đượm để cơm dẻo không bị khô và cháy. Ống cơm không trực tiếp được vùi hoặc đặt trực tiếp lên than, phải đặt một cái kiềng lên trên và xếp các ống cơm lên trên hay đặt một đầu đặt trên thanh ngang còn một đầu để chạm mặt đất. Người làm cơm lam phải luôn trở đều tay cho đến khi vỏ nứa cháy hơi xém và khô lại. Đến khi thấy thoảng được mùi nếp thơm ra từ ống thì cơm đã chín.
Lấy xuống khỏi bếp, ống cơm lam được làm mất lớp tre đen bên ngoài chỉ để lại lớp mỏng màu trắng ngà giữ lấy hạt gạo dẻo dậy mùi hương của núi rừng. Cắt thành những khúc nhỏ vừa ăn, có thể ăn kèm với muối vừng hoặc các thịt nướng,gà sa lửa,…
Cá Lăng có thể chế biến thành nhiều món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên. Ăn lẩu cá Lăng thì tuyệt nhiên cá phải tươi, không ăn cá ướp lạnh. Khi nồi lẩu sôi, cho cá vào cùng với các loại rau ăn kèm. Vị ngọt, bùi của thịt cá hòa trộn cùng vị chua thanh thanh của các loại gia vị như bài thuốc không thể thiếu một vị nào; thử một miếng thấm đến tận chân răng. Để nồi lẩu ngon hơn phải ăn kèm với cần tây, cải xanh, rau đắng, bạc hà và đặc biệt không thể thiếu rau thì là để nước lẩu thơm hơn, ngọt hơn.
Đây là món quà ẩm thực vô cùng quý giá mà người Đắk Lak được ban tặng bởi dòng sông Sêrêpốk. Loài cá lăng có làn da trơn, phần đầu bẹp và thịt cực kỳ béo ngọt hấp dẫn bất cứ ai nếm thử. Một con cá lăng có thể dùng để chế biến thành nhiều món khác nhau như lẩu, canh cá hoặc để nướng muối ớt tuỳ theo khẩu vị và sự lựa chọn của thực khách.
Cà đắng xưa nay là món ăn dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nhưng ngày nay trở thành đặc sản. Kết tinh từ khí hậu, thổ nhưỡng tạo nên vị đắng rất riêng, đặc trưng của loại cà mọc dại này.
Ai có lần đến với vùng đất bạt ngàn nắng gió này sẽ nhớ mãi những vườn cà phê trải dài, những con người say trong tiếng nhạc cồng chiêng mời gọi, những món ăn ngon đã thưởng thức một lần thì khó quên. Không như cà đắng cây thấp tẹt dưới đất trái có vị đăng đắng đặc trưng, nhẩn nhẩn hơn khổ qua một tí, cây trổ bông kết trái quanh năm quả to hơn cà pháo, màu xanh có vân trắng.
Trước cây mọc dại rồi được người đồng bào mang về trồng xen trong những rẫy cà phê. Giờ thì có một số gia đình trồng nhiều để bán. Mà cà đắng này là loại mọc dại dọc các tuyến đường hoặc trên các triền đồi Tây Nguyên, cây cà đắng cao quá đầu người, cành lá sum suê.
Quả cà to bằng đầu ngón tay, có màu xanh, ruột nhiều hạt, phần cuống có nhiều gai nhọn, cây ra hoa kết trái từ tháng 3- 10 âm lịch trái rộ nhất là từ tháng 5 trở đi. Đúng như tên gọi, loại cà này có vị đăng đắng rất đặc trưng, được người dân chế biến theo nhiều cách khác nhau. Các cư dân bản địa Ê Đê, M’ Nông, Gia Rai … xem cà đắng như món ăn không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người đồng bào.
Với người dân Buôn Ma Thuột không ai lạ gì món ăn này. Khách du lịch đến đây ai cũng biết tiếng và tìm ăn thử. Và cứ người này truyền tai người kia, mỗi người lại chế ra một món gỏi phù hợp với khẩu vị của mình.
Nhiều người nói đùa, rằng đặc sản của người Tây Nguyên thường là “hương biển giữa rừng” cũng đúng. Gỏi là biến tấu giữa cà đắng đặc sản vùng núi rừng Tây Nguyên với khô cá cơm của biển và chỉ có lên núi, đặc biệt là đến Buôn Ma Thuột thực khách mới có thểm nếm được món ăn lạ miệng mà thú vị này.
Trái cà có vị đắng giống cà pháo nhưng nhỏ hơn, có gai và màu xanh sọc đốm trắng. Cà được người đồng bào gọi là Prền Bơtang, Sơre Prền, Đưng Prền, người miền xuôi gọi là cà đắng. Đây là một loại cây dại mọc nhiều trong rừng, thường được đồng bào Ê đê, K’Ho hay Chu Ru mang về trồng trong vườn nhà, có trái quanh năm. Người dân Buôn Mê Thuột thường dùng trái cà đắng để chế biến thành nhiều món ăn, trong đó phải kể đến món gỏi với cá cơm.
Cá cơm là loài hải sản, chẳng có ở núi rừng Tây Nguyên. Nhưng ngộ ở chỗ, mang khô cá cơm ở vùng biển trộn với gỏi cà đắng lại trở thành món ăn ngon đáo để.
Cách chế biến món gỏi này cực kỳ đơn giản: Cà thái lát mỏng, ngâm trong nước pha chút chanh muối cho cà trắng và bớt chất chát (nếu thích ăn cà giòn giòn có thể cho vào thau nước với ít đá viên).
Cá cơm khô thì loại nhí, ngâm trong nước ấm cho sạch cát hay đất, cá cũng mềm hơn. Sau đó đun nóng dầu, chiên giòn rồi tắt bếp. Món ăn ngon hay không được quyết định bởi thứ nước rưới vào, được pha chế bằng nước cốt chanh trộn với tỏi, đường và ớt rồi mới cho nước mắm vào sau cùng.Nguyên liệu cứ để riêng, lúc nào cần ăn thì cho tất cả vào âu rồi trộn đều, thêm một chút ngò gai nữa là đủ vị.
Món canh thụt gồm có những nguyên liệu: lá bép, đọt mây, cà đắng, cá suối hoặc thịt và các gia vị kèm theo như mắm, ớt, muối, bột ngọt và đường… Trước khi nấu bà con chặt một ống lồ ô có lóng dài, gọt đẽo phần đầu ống cho khéo, sao cho nấu canh thụt nước không bị chảy ra ngoài. Việc chọn ống lồ ô là một bí quyết, nếu chọn cây già quá sẽ bị nứt, hoặc cây non thì canh sẽ không ngon… sau khi chế biến những nguyên liệu trên, bà con cho tất cả vào ống lồ ô và dựng ống nghiên trên đống lửa.
Trong lúc nấu, một mặt vừa quay tròn ống cho thật đều lửa và dùng một chiếc đũa để thụt cho các thành phần của món canh nhuyễn và đều với nhau, động tác thụt ống còn khiến cho hơi thoát ra ngoài. Món canh có ngon hay không phụ thuộc nhiều vào hai việc trên. Có lẽ chính động tác này mà món canh có tên gọi như vậy.
Thường thì ống canh thụt chỉ dài độ nửa mét trở lại. Trong các dịp lễ hội cần nhiều thì bà con nấu làm nhiều ống. Thời gian để canh chín thời gian khoảng từ 60 – 90 phút. Sau khi canh chín bà con cho ra bát hoặc lá chuối cũng được vì món canh thụt khi chín sẽ đặc lại và rất dẻo, khi ăn món canh này có rất nhiều vị đắng, cay, bùi,béo…
Nhiều người biết đến Hồ Lắk (Đắk Lắk) là hồ nước ngọt lớn nhất trong cả nước. Với diện tích bình thường khoảng 500 ha, đến mùa mưa mặt nước Hồ Lắk mở rộng ra từ 700 - 800 ha. Đây cũng là vựa cá lớn nhất Tây Nguyên, với đủ các loài cá nước ngọt, đặc biệt là cá thác lác.
Thiên nhiên ban tặng cho Hồ Lắk nguồn cá thác lác dường như vô tận, đánh bắt hoài năm này qua năm khác mà không hết. Nhiều người dân đánh cá ở Hồ Lắk giải thích, nguồn nước và thức ăn dồi dào từ thượng nguồn núi Chư Yang Sin hùng vĩ đổ về đã góp phần nuôi dưỡng "bể cá" hồ Lắk. Chính vì vậy mà cá thác lác ở đây vừa lớn, vừa ngon. Lóc bớt xương đối với cá to, cá nhỏ để nguyên đem băm hoặc xay nhuyễn "hô biến" thành món chả vừa dai, vừa thơm ngon bội phần. Chả cá thác lác hồ Lắk được chế biến khá đơn giản. Những bà nội trợ có kinh nghiệm cho rằng, chả cá thác lác mà nhiều gia vị là... hỏng, chỉ cần thêm vào thịt cá xay nhuyễn một ít tiêu, nước mắm là đủ. Thịt cá thác lác hồ Lắk tự mình đủ nói lên" độ ngon ngọt của mình.
Có thể chế biến cá thác lác theo nhiều kiểu nhưng chỉ có đem chiên vàng, nấu lẩu hoặc đơn giản hơn là nấu canh với cải cay thì mới thưởng thức hết hương vị đậm đà của nó. Nhiều người cao hứng bảo, đây là món "chả cá thu Tây Nguyên"
Bún đỏ cao nguyên là một trong những món ăn ngon tại Đak Lak mà bạn không nên bỏ lỡ. Khác với những món bún như bún bò, bún chả cá, hay bún mắm,… bún đỏ cao nguyên đơn giản hơn từ cách chế biến đến cách thưởng thức.
Nguyên liệu chính của món bún đỏ cao nguyên chính là cua đồng, một ít chả viên cùng trứng cút luộc. Tuy là món đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo mới có thể làm nên một tô bún đỏ cao nguyên hấp dẫn từ màu sắc cho đến mùi vị.
Bún đỏ cao nguyên ấn tượng ngay từ đầu với màu hơi đỏ của hạt điều, rồi màu đỏ au bắt mắt của từng miếng cà chua, đặt cạnh màu xanh tươi non của đĩa rau sống, hay màu nâu của chả cá, của riêu cua, màu trắng của trứng cút luộc. Tất cả hòa hợp làm nên một tô bún ngon từ ánh mắt!
Nếu nhìn qua nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ cao nguyên là bún riêu, hay canh bún được bày bán ở nhiều phố thị. Nhưng điểm khác của bún đỏ cao nguyên chính là ăn kèm với rau cần đước, với giá cùng mỡ hành, mỡ tóp, và trứng cút luộc.
Chỉ cần nghe tên thôi là đủ biết món ăn này hấp dẫn thế nào rồi phải không nào. Bò nhúng me Buôn Mê khá giống với món bánh mì chảo ở miền Nam với các nguyên liệu khá giống nhau. Những miếng thịt bò tươi ngon đỏ mọng được thái lát để riêng, trải trên là lớp sốt me phủ kín, đi kèm là một bếp cồn nhỏ cùng chảo gang để khách tự nấu. Trong nước sốt thường kèm theo hành tây, cà chua để tăng thêm độ thơm và tránh bị ngán khi ăn. Miếng bò mềm mềm chấm cùng nước sốt chua cay ăn vô là ghiền vô cùng hấp dẫn.
Một bí quyết nhỏ nhỏ khi ăn món này chính là không nên nhúng bò quá lâu. Miếng bò vừa tái là có thể ăn được sẽ vừa giữ được độ ngọt và mềm, không quá dai, hút được lớp sốt nhiều nhất để tăng thêm độ thơm ngon. Đặc biệt không thể thiếu ổ bánh mì giòn giòn nóng hổi chấm cùng sốt me khi ăn món này rồi. Ăn kèm bò nhúng me còn có các loại salad chua chua để tránh bị ngán
Rừng của Tây Nguyên có tuổi đời cả ngàn năm tuổi, dân Tây Nguyên cũng gắn chặt cuộc sống của mình với rừng cả ngàn năm nay. Họ hiểu rừng như sinh mạng, rừng nuôi sống họ. Rừng có bao nhiêu loại cây có thể ăn, loại lá này chế biến thế nào ngon là điều mỗi người bản xứ đều rõ. Lẩu rau rừng của Ban Mê được tạo thành từ hơn mười loại rau rừng khác nhau. Những loại rau này đều là rau quý, có nhiều công dụng với sức khỏe của con người và khá khó kiếm, rau dớn, rau bép, rau nhíp, rau chum bao, rau tàu bay là những loại rau thường xuất hiện trong món lẩu rau rừng của người dân phố núi Cao Nguyên.
Nói là lẩu nhưng món lẩu rau rừng lại giống với canh rau tập tang mà người Bắc hay nấu hơn. Người Ban Mê hay nấu những loại rau này với tôm khô hoặc các loại thịt. Tôm hoặc thịt khô được đun tới chín nhừ, nước nấu ngọt lừ sau đó bắc lên bếp than hồng trên bàn du khách. Họ mang theo rổ rau rừng tươi non lá còn ươn ướt nước và nhúng vào nồi nước dùng đã sôi. Người Đăk Lăk ăn món này với cơm trắng và các món ăn khác như cá bống thác kho riềng, gà nướng, thịt rừng xào. Độc đáo nhất là nấu rau rừng với thịt nai gác bếp. Món ăn có vị dai và ngọt của thịt nai hun khói, có mùi rau mới thơm ngào ngạt mùi rừng, cảm giác mềm mại khi ăn từng ngụm rau, nước lẩu ngọt vị thịt, thanh hương rau non.
“Vêch” theo tiếng Êđê thực chất là phần đầu ruột non của động vật ăn cỏ. Trong đoạn ruột ấy có chứa cả dịch tiêu hóa và phần cỏ vừa đi qua khỏi phần dạ dày của con vật. Đối với người Ê đê, vêch của các loài động vật ăn cỏ như: thỏ, dê, nai, hoẵng săn bắt được trong rừng hay trâu, bò chăn thả trong rừng thường được ưa chuộng nhất bởi chúng chỉ ăn cỏ và lá cây rừng nên ruột rất sạch.
Ông Y Thim Byă, ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, người am hiểu về văn hóa Ê đê cho biết, người Êđê sống theo cộng đồng, dòng tộc. Mỗi khi có lễ hội quan trọng hay dịp đặc biệt, những gia đình, dòng tộc giàu có thường mổ thịt trâu, bò để cúng các thần và thiết đãi buôn làng. Khi đó, họ thường lấy vêch để chế biến món ăn dành riêng cho những người có vai vế trong gia đình hoặc những người quan trọng trong lễ cúng.
Cách nấu vêch cũng lắm công phu. Công đoạn giết bò, mổ lấy vêch được tiến hành thật nhanh để không gây xáo trộn các thành phần bên trong nội tạng. Người có kinh nghiệm nhất sẽ chọn một đoạn ruột non liền kề với bao tử bò, dùng lạt buộc chặt hai đầu rồi mới cắt ra để riêng. Đoạn ruột này được chần qua nước sôi, bóp lấy phần dịch tiêu hóa bên trong pha với nước, lọc, lắng rồi cô đặc, tẩm ướp gia vị. Những phần nội tạng khác cùng với da, đuôi, thịt bạc nhạc, mép bò… được luộc sơ, cắt miếng rồi nấu cùng loại gia vị đặc biệt vừa chế biến từ vêch và nhiều gia vị khác như ớt, củ nén, sả, riềng, tiêu rừng, hạt cây rừng để làm đậm đà thêm hương vị món ăn…