Chùa Hội Khánh Bình Dương - Cổ tự 300 năm tuổi có tượng Phật nằm dài nhất châu Á
Ngôi chùa Hội Khánh tọa lạc dưới chân đồi, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một 500m về hướng Đông, số 35 đường Bác sĩ Yersin, phường Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một, là một công trình kiến trúc tôn giáo, nhệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 07/01/1993.
Chùa xây dựng từ thế kỷ XVIII (1741), 1861 chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với diện tích xây dựng 1.211m2. Năm 2007 chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27 mét và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”, gồm có: Vườn Lâm Tì Ni (nơi Phật ra đời), Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật hành đạo), Vườn Lộc Uyển (nơi Phật thuyết đầu tiên), Ta La Song Thọ (đức Phật nhập niết bàn) có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp.
Năm 2008, Phật đài quy mô lớn, cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64m, chiều ngang 23m dùng làm Trường Phật học, Thư viện… Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được khánh thành trọng thể vào ngày Rằm tháng Hai năm Canh Dần (30-3-2010) mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tuy đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương.
Về cấu trúc chùa gồm bốn phần chính: Tiền điện – chánh điện; giảng đường kiến trúc có 92 cột gỗ quý. Chánh điện với kèo cột, vách gỗ và ba bộ cửa bức màn, còn có gần 100 tượng gỗ, các vị La Hán và thập điện Minh Vương dáng vẻ khác nhau được tạo bằng gỗ mít sơn son thép vàng. Đặc biệt có hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị bồ tát, tạo nên một công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao.
Ngoài ra, nhiều người cũng nhắc đến câu đối của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn lưu ở chùa Hội Khánh, với ý nghĩa ngôn từ hàm súc của thiền học: “Đại đạo quảng khai thố giác khuê đàm để nguyệt. Thiền môn giáo dưỡng, qui mao thằn thụ đầu phong”.
Về phần nghệ thuật trang trí nội thất, tranh tượng tự khí thờ phượng được điêu khắc, chạm trổ rất công phu, sắc sảo… đặc biệt phải kể đến bộ bao lam “thập bát La Hán” (tạo tác 1921), bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước chánh điện; các bàn thờ chạm trổ tinh vi hoàn thành vào năm Ất Sửu (1925). Nhà chùa còn giữ được bộ mộc bản in kinh cách đây trên 120 năm.
Đại hồng chung của chùa được đúc vào năm Quí Mùi (1883) do Bổn đạo Dương Văn Lúa hiến cúng. Điều đó cho thấy đạo phật đã phát triển khá sớm và khá vững mạnh tại địa phương này.