Chùa Bà Đanh - Ngôi chùa mệnh danh đệ nhất vắng khách
Nhắc đến Hà Nam, nhiều người có thể biết đến ngôi làng sinh ra “Chí Phèo – Cụ Bá Kiến”, và là quê hương của cố nhà văn Nam Cao, nhà thơ Nguyễn Khuyến… Nhưng ít ai biết rằng, một địa danh đã nổi tiếng là chùa Bà Đanh với câu cửa miệng được truyền trong dân gian “Vắng như chùa Bà Đanh”, cũng tọa lạc ở Hà Nam.
Nằm cách thành phố Phủ Lý gần 7km chạy hướng QL21B về phía Tây Nam, chùa Bà Đanh hay còn gọi “Bảo Sơn Nữ”, tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chùa Bà Đanh có diện tích khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung, bởi ngôi chùa có vị trí là nơi sơn thủy hữu tình. Khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Cũng như bao ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ phật, song ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Theo truyền thuyết, nữ thần Pháp Vũ linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, mang lại mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu, giúp đời sống người dân sung túc nên chùa có tên Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh. Ở không gian trung tâm chùa là pho tượng Bà Đanh đang ở thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt phúc hậu, hiền từ, đầy nữ tính và gần gũi. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Gần như toàn bộ nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc của ngôi chùa tập trung ở nhà bái đường – nơi hành lễ thường ngày. Nhà bái đường năm gian gỗ lim, đầu hồi bít đốc và cũng đắp nổi hai con rồng. Quan sát từ giữa sân gạch, du khách sẽ thấy được hệ thống tượng đắp nổi “tứ long chầu mặt nguyệt” trên nóc nhà mái đường. Cả bốn con rồng, từ kiểu dáng đến thân hình đều uốn lượn, mắt, râu, vuốt, vây đều rất sinh động, uyển chuyển, mà cũng rất dữ dội, trông như đang vờn nhau, bay lượn trong khoảng không bao la. Rồng ở đây mang màu sắc của thời kỳ nhà Nguyễn.
Đầu hai dãy hành lang và liền với nhà bái đường là hai cột trụ cao vút, uy nghi. Trên mỗi cột đều đắp nổi hình tứ linh: long, ly, quy, phượng theo thế đối xứng, hài hoà, cân đối. Từng đường nét đều thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân xưa. Dù đẹp và cổ kính, nhưng chùa Bà Đanh lại được biết đến bởi sự vắng vẻ, hoang vu. Đã có rất nhiều giả thuyết lý giải cho điều này nhưng thuyết phục nhất là chùa rất linh thiêng, người đi đường hoặc người vào lễ bái nếu cười cợt, nói chuyện to, bất kính dù chỉ một câu cũng sẽ bị trừng phạt. Vì thế khách hành hương ngày càng ít ghé thăm ngôi chùa. Một phần nữa, chùa nằm cách xa khu dân cư, quanh đó ít người dân sinh sống. Ba mặt chùa là sông, rừng rậm, cây cối, vì thế rất ít người lai vãng đến chùa chỉ trừ những ngày lễ hội lớn của đạo Phật. Những lý do trên đã khiến chùa đã vắng càng vắng hơn. Ngày nay, chùa được đầu tư xây dựng lại khá khang trang, rộng rãi, khách đến chùa cũng nhiều hơn. Vì thế câu nói xưa giờ đã được cải biên thành: “Ngày xưa vắng ngắt vắng ngơ/ Bây giờ tấp nập như chùa Bà Đanh”. Chùa Bà Đanh hiện đang lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý hiếm, nhất là tượng Phật tổ, tượng Bồ Tát, đại tự, khánh đá, câu đối và nhang án…
Năm 1994 chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du Lịch cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đầu tư gần 20 tỷ đồng để tôn tạo và nâng cấp chùa Bà Đanh. Về tên gọi chùa Bà Đanh, theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay. Có nhiều cách lý giải về sự ra đời của câu nói “vắng như chùa Bà Đanh” nhưng theo ý kiến của nhiều người, là do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.
Hiện nay chùa Bà Đanh với đền Trúc, Ngũ Động Thi Sơn (núi Cấm), khu du lịch sinh thái Tam Chúc (Ba Sao), Bát cảnh Tiên cùng với hệ thống các bến thuỷ dọc dài sông Đáy từ ngã 3 Hồng Phú, thành phố Phủ Lý sẽ hợp thành một tua du lịch “non nước hữu tình” giữa đường thuỷ và đường bộ, khá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.