Nhà Cổ Cai Cường – Nhà Cổ Đẹp Nhất Cù Lao An Bình
Nhà cổ Cai Cường là một trong những nhà cổ đẹp nhất miền Tây với bề dày lịch sử hơn trăm năm tuổi. Ngôi nhà cổ hiện là điểm dừng chân hấp dẫn của du khách trên hành trình khám phá miệt vườn Tây Nam Bộ. Du lịch Vĩnh Long, ngoài chùa Phật Ngọc Xá Lợi, chợ nổi Trà Ôn,.. Du khách đừng quên ghé qua cù lao An Bình để check in ngôi nhà cổ độc đáo này nhé!
Nhà cổ Cai Cường có địa chỉ tại cù lao An Bình. Nằm ở số 38 ấp Bình Hòa, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Từ bến phà An Bình, du khách sẽ di chuyển bằng phà khoảng 15 phút để đến cù lao An Bình. Giá qua phà khoảng 4.000đ/xe máy. Phà hoạt động từ 4h-22h hàng ngày. Sau khi qua đến cù lao An Bình, du khách đi thêm khoảng 5km nữa là sẽ đến nhà cổ Cai Cường.
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1885 bởi chủ nhân đầu tiên là gia đình ông Phạm Văn Bổn (ông Cai Cường). Ông là một đại địa chủ giàu có nhất ở vùng này khi xưa. Ngày nay, nhà cổ Cai Cường đang được kế thừa và quản lý bởi ông Võ Huỳnh Long. Là con cháu đời thứ ba của dòng họ Phạm. Nhà cổ được xây dựng theo hình chữ Đinh bao gồm hai nếp nhà bố trí vuông góc. Đầu nhà sau đấu vào giữa nhà trước. Mặt chính quay về hướng Bắc nhìn ra rạch Cái Muối.
Nét độc đáo của ngôi nhà chính là sự pha trộn Đông – Tây trong kiến trúc nội thất và ngoại thất. Đây là kiểu thiết kế theo phong cách kết hợp, giao thoa giữa hai lối kiến trúc Việt – Pháp cùng “nội ứng ngoại hợp,”. Tức nội thất bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông. Còn ngoại thất bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây.
Nhà cổ có bề ngang 15m, với hàng cột cái gỗ lim cao đến 6m nâng đỡ lớp mái ngói âm dương và lớp mái ngói hình vảy cá cổ kính của các gian nhà. Phía trước ngôi nhà là một hành lang có cửa thông hai bên. Với cầu thang hình cánh cung tao nhã. Các cột, tường nhà đều được trang trí phù điêu của thời kỳ Phục Hưng. Vừa mang yếu tố thẩm mỹ cao, vừa giảm thiểu tác động của nắng, mưa.
Nhà cổ Cai Cường được chia làm ba phần: nhà trước, nhà giữa và nhà sau. Nhà trước và nhà giữa là khoảng trống rộng, nơi gia chủ đặt bàn ghế tiếp khách. Ngăn cách giữa chúng là một bức tường gỗ đồ sộ, trải dài để phân tách hai nhà. Gian trung tâm của nhà giữa treo tấm hoành phi lớn viết chữ Hán “Phạm Phủ Đường,” tức nhà của họ Phạm. Hai bên gian giữa là các bàn thờ gia tiên của gia đình ông Cai Cường.
Điểm xuyến thêm vào vẻ đẹp của ngôi nhà cổ này là số cửa lớn, nhỏ được mở ra khá nhiều. Đồ đạc bài trí rất gọn gàng, ngăn nắp, tôn thêm vẻ quý phái của nhà cổ. Đặc biệt, du khách có thể nghỉ qua đêm tại hai phòng ngủ của gia đình ông Cai Cường. Ban đêm uống trà, nghe kể tích xưa hoặc tham gia nấu ăn cùng con cháu gia chủ để tường tận thêm về nếp sống lâu đời của người Nam Bộ.
Nội thất trong nhà cổ như tủ thờ, bộ trường kỷ, bàn ghế, tủ chứa đồ… đều làm bằng gỗ lim chạm khắc tinh xảo và được giữ nguyên vẹn từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Đặc trưng nhất là bộ bao lam bằng gỗ khắc hình chim, rồng, phụng, hoa lá. Sơn son thiếp vàng vô cùng lộng lẫy. Bộ ghế trường kỷ dài gần 2 m. Bên phải là bộ ván (bộ ngựa) gỗ dày. Ba tủ gỗ trên đầu trang trí kiểu thức phương Tây. Bên trái có bàn tròn đường kính mặt khoảng 1 m, có ba chân chạm khắc đầu rồng, trụ kiểu con tiện to chắc.
Khi du khách đến tham quan nhà cổ Cai Cường thì sẽ có cơ hội thưởng thức đờn ca tài tử – một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đậm dấu ấn của người miền Tây sông nước. Chương trình này diễn ra hằng ngày và phục vụ hoàn toàn miễn phí dành cho những du khách.